Tục ngữ có câu: “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Thần linh trên thế giới này rất nhiều, họ luôn theo dõi chúng ta từng giờ từng phút, xem xét từng ý từng niệm, từng hành động của chúng ta, thông qua đó để định đoạt cát hung họa phúc sẽ đến với mỗi người.
Khi còn nhỏ, ông nội luôn nói với tôi, trong bầu trời đêm mênh mông có một đôi mắt đang quan sát chúng ta, vì thế chúng ta không nên làm chuyện xấu, một khi bị đôi mắt đó nhìn thấy, sẽ bị trừng phạt. Lớn lên rồi, trải qua rất nhiều chuyện, gặp phải nhiều sóng gió, cũng làm sai rất nhiều việc, mỗi lần như thế tôi lại nhớ về đôi mắt mà ông nội đã nói. Về sau, đôi mắt đó dần dần dẫn tôi vào một thế giới tu hành. Và mãi đến sau này tôi mới biết, đôi mắt đó có một cái tên rất huyền bí – Thiên Võng.
Chúng ta thường nghe người ta nói: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát”. Câu nói này xuất phát từ “Đạo Đức Kinh”, mà đạo lý thâm sâu ảo diệu này rất đỗi rõ ràng, lúc nào cũng cảnh giác tôi, từ đó tôi không dám vượt qua ranh giới nửa bước. Có lẽ cũng vì thế, tôi mới an nhiên sống đến hôm nay.
Nói tóm lại, trời cao đã không bạc bẽo tôi, và tôi cũng không khẩn cầu trời cao điều gì. Tôi từng nghĩ đến việc tích phúc, cho nên tôi phóng sinh hành thiện không dám lười biếng, những khi cơ hội đến, tôi sẽ tương trợ, có lẽ, đôi mắt đó đã khiến tôi biến thành kiểu người như hôm nay.
Hôm nay tôi muốn nói về đôi mắt đó, đôi mắt được gọi là “Thiên Võng”, giống như một cái lưới thật lớn, ở khắp mọi nơi, bao trùm tất cả, không hình không bóng, không sắc không tướng, kỳ đại vô ngoại, kỳ tiểu vô nội. Từ xưa tới nay, chưa từng có ai thoát khỏi lưới trời vô hình này.
Chiếc lưới này có một đặc trưng rất rõ ràng, chính là ở khắp mọi nơi, lại căng chùng tự nhiên, phóng lớn thu nhỏ, biến ảo khó lường. Đặc biệt còn thấy rõ mọi thứ trên thế giới, giống như một cái máy ghi âm, có thể lưu lại tất cả giọng nói và âm thanh, lại vừa như một cái máy quay phim, có thể lưu lại tất cả mọi hành động thiện ác. Sau đó sẽ tiến hành sắp xếp lại những thông tin đã được thu thập, dùng những tiêu chuẩn thống nhất để định cát hung họa phúc cho chúng ta.
Tục ngữ nói: “Thiên đạo vô tình, đại đạo vô hình”. Thiên Võng này tuy thưa mà khó thoát, không lạm sát kẻ vô tội, cũng không nuông chiều nhân nhượng. Nên nói rằng trong thế giới hữu hình, vô hình thì đó là thứ công chính vô tư nhất.
Thiên Võng chỉ có một nguyên tắc định cát hung họa phúc của một người, tức “Tổn hữu dư bổ bất túc”, ý rằng thừa thì bớt đi, thiếu thì thêm vào, tạo thành sự vừa đủ. Động thái cân bằng này là hợp lý nhất. Do đó, Thiên Võng nhắc nhở mọi người không nên làm điều ác, mà nên tu công đức để bù đắp cho phúc đức, loại bỏ những suy nghĩ xấu xa, hối cải làm người mới để tránh chịu trừng phạt của Thiên Võng.
Bất luận thất tình lục dục cũng cần phải bảo trì trạng thái cân bằng. Nếu rời khỏi trạng thái cân bằng này, thì tốt nhất nên tự mình chủ động điều chỉnh lại, nếu bản thân không sẵn lòng, thì thiên đạo sẽ giúp bạn cân bằng.
Phương pháp chủ động cân bằng có rất nhiều, như là nếu làm gì đó trái với lương tâm đạo đức, có thể thông qua sám hối, bố thí, làm việc thiện, tu tâm vv.., chính là tự đầu thú, thiên đạo sẽ lượng sức hình phạt, sám hối càng nhiều, hình phạt sẽ càng nhẹ.
Nhưng điều này không có nghĩa là không có tội. Đương nhiên nếu như không biết chủ động điều chỉnh, vậy thì hãy giao cho trời hành đạo thôi. Sự cân bằng của thiên đạo luôn khiến con người không thể chịu đựng được, người càng phạm tội nghiêm trọng, sẽ bị tước đoạt quyền lợi làm con người. Dường như không có ai có thể thoát được sự cân bằng của thiên đạo. Đây chính là “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát”.
Tôi từng nhìn thấy một bản tin, nói rằng một quận ở Vân Nam, có một người từng giết chết một nhà bốn người ở thôn bên cạnh, vì để tránh pháp luật chế tài mà phải đi xa tha hương, mai danh ẩn tích, làm tại một công xưởng để sống qua ngày, sau đó lấy vợ sinh con. Trải qua gần 20 năm, anh ta trở về Vân Nam với vợ và con. Dường như mọi thứ gió yên biển lặng.
Có một năm, cả nước bắt đầu đổi chứng minh thư. Một ngày nọ, lúc anh ta đến đồn cảnh sát ở thị trấn đổi chứng minh thư, bị phát hiện là phạm nhân đang chạy trốn, nên đã bắt tại chỗ. Trong tù, anh ta nói: “Hai mươi năm nay, tôi không biết ngày đêm là gì, trong lòng luôn nơm nớp lo sợ, như sống trong địa ngục. Cho đến khi đôi tay này bị còng lại, trái tim tôi mới thực sự buông bỏ. Hóa ra, nhân quả báo ứng là thật”.
Nghe xong câu chuyện này, có người sẽ cảm thấy vui vẻ, có người lại cảm thấy quá ngu ngốc. Nhưng mà, điều mà câu chuyện này giảng giải chính là lưới trời không hình không bóng kia. Cái gọi là trời cao có đức hiếu sinh, trời sẽ cho những kẻ phạm sai lầm kia một cơ hội, và sắp xếp một vài người tu hành thiện lương ở bên cạnh để cảm hóa anh ta.
Nếu cảm hóa không được, sẽ ban cho anh ta một chút thất bại khiến anh ta ăn năn, hoặc để anh ta chứng kiến kết cục bi thảm của những kẻ bất lương để khuyên hóa anh ta tỉnh ngộ, và nếu những nước cờ này đều không có hiệu quả, trời cao mới lấy đi số mệnh của anh ta.
Đáng tiếc là, có rất nhiều người đi đến điểm cuối cùng của cuộc đời lại không biết rằng, hóa ra phúc báo đã cạn, tiếp theo chính là đường chết. Nhưng cái chết này, lại không phải là tách rời linh hồn, mà chính là sự khởi đầu của đau khổ.
Trời cao sẽ không phụ lòng bất kỳ ai. Có nhiều lúc, chúng ta thất bại là vì phúc đức của chúng ta còn mỏng, nếu chúng ta có chút thành công thì đó là vì chúng ta đã từng tích phúc báo. Khi chúng ta luôn gặp thất bại, là vì trời cao đang nhắc nhở chúng ta nên làm nhiều việc tích đức; khi chúng ta đột nhiên nhận được một cơ hội tốt, ắt phía sau đó sẽ là một cái bẫy, chúng ta nên thận trọng từ lời nói đến hành động.
Khi chúng ta đi đường gặp một người ăn xin tội nghiệp, là trời cao ám thị chúng ta phải phát lòng từ bi; khi chúng ta nhìn thấy các quan chức bị cầm tù, là trời cao muốn chúng ta kiểm soát lòng tham lam; khi chúng ta nhìn thấy cảnh gian dâm trên giường, là trời cao muốn chúng ta hiểu rằng trên đầu chữ sắc có cây đao, ví von rằng ham muốn vô độ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Tóm lại, đôi mắt sẽ ở đâu đó trên đầu chúng ta để quan sát, kế tiếp sẽ cho “Thần ghi chép” ghi lại những việc ta đã làm, và để cho những chuyên gia tính toán ở Thiên giới tính lại phúc đức của chúng ta, cuối cùng là căn cứ theo việc làm để định cát hung họa phúc.
Những điều này là sự thật, chỉ có đôi mắt chúng ta bị danh lợi dục vọng che khuất, đôi tai bị âm sắc phóng đãng lấp đầy nên không thể nghe thấy, bản thân bị ham muốn vật chất làm cho tê liệt nên không cảm nhận được mà thôi. Khi chúng ta đang đắc ý vênh váo, xin hãy nhớ đến đôi mắt đang ở không trung kia vậy!
Tuệ Tâm, theo SOH