Vương Dương Minh là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc, ông cho rằng mọi phiền não, buồn khổ trong cuộc đời một người đều là do tâm người ấy sinh ra, vậy nên dưỡng tâm chính là giải pháp để an vui, tự tại.
Vương Dương Minh kế thừa tư tưởng của Lục Cửu Uyên, một nhà Nho thời Tống, ông đã dùng chính thể ngộ của bản thân để hoàn thiện và hình thành hệ thống “Tâm Học” của riêng mình. Vương Dương Minh lúc lâm chung có để lại một câu nói nổi tiếng: “Thử tâm quang minh, diệc phục hà ngôn”, ý rằng tâm đã sáng tỏ cần gì phải nói.
Ông từng viết: “Ngô tâm tự hữu quang minh nguyệt, thiên cổ đoàn viên vĩnh vô khuyết”, ý rằng tâm ta tự có trăng sáng, xưa nay tròn đầy không khuyết. Tâm mà sáng tỏ thì thế giới cũng tự tươi sáng lên theo.
Vương Dương Minh cho rằng: “Chủ tể của thân là tâm, chỗ phát ra của tâm là ý, cái bản thể của ý là tri, ý ở chỗ nào thì nó là vật”. Tâm là thân thể và chủ tể của vạn vật, giữ tinh thần an định lại, không bị động tâm bởi ngoại vật, trí tuệ to lớn của bản thân sẽ được hiển lộ xuất lai.
Vương Dương Minh thấy rằng con người sống nơi thế gian, buồn khổ phiền não đều do tâm sinh ra, nên ông đưa ra năm phép tắc xử thế giúp mọi người có thể lấy tâm lực để chống lại sự hỗn loạn của thế giới bên ngoài. Khi có tâm lực mạnh mẽ con người sẽ sống mà thong dong tự tại, “được cũng không mừng rỡ, mất cũng không buồn đau”.
Muốn tu thân trước hết phải dưỡng tâm
Từ xưa đến nay, các bậc Thánh nhân đều giảng một chân lý: “Tâm là chủ của vạn vật”. Vương Dương Minh cũng không ngoại lệ, ông đã nói ra một đạo lý sâu sắc rằng: “Tâm là nơi phát ra những thứ tinh hoa nhất của con người”.
Trong tác phẩm “Dữ dương sĩ đức tiết thượng khiêm thư”, Vương Dương Minh cũng viết: “Phá sơn trung tặc dịch, phá tâm trung tặc nan”. Ý rằng phá giặc trong núi thì dễ, phá giặc trong tâm mới khó, để nói lên tác dụng mạnh mẽ của tâm đối với thân.
Nơi thế gian tạm bợ này, có nhiều người vì truy cầu vật chất hưởng thụ, vì địa vị xã hội, danh tiếng hiển hách, vì các vật ngoại thân mà hao tổn tâm lực quá nhiều, mệt mỏi không chịu nổi. Họ oán trời trách đất, muốn thoát ra mà không được, đều bởi vì họ xem nhẹ nội tâm của mình, không hiểu được đạo lý rằng mọi sự đều phải đặt tu tâm lên hàng đầu.
Muốn tĩnh tâm trước hết phải có “giới cấm” nóng nảy
Cảnh giới tối cao của tu thân dưỡng tính nằm ở chỗ bất kể đối mặt với chuyện gì đều có thể giữ được trạng thái tĩnh tâm, bình thản, bảo trì nội tâm tĩnh lặng. Trong “Truyện tập lục”, Vương Dương Minh viết, sự vận động của trời đất, không lúc nào ngừng nghỉ, bởi vì có một chủ tể chi phối, mặc dù thiên biến vạn hóa mà chủ tể thường định. Con người nếu như có chủ tể chi phối cũng sẽ được thong dong tự tại, nếu không, thì con người sẽ dễ bị mất kiểm soát, rơi vào lo âu, rối loạn.
Bận rộn là trạng thái sinh hoạt của đa số người trong xã hội hiện đại. Thật không may, nó không chỉ khiến thân thể vất vả mà nội tâm cũng bị rối ren xao động, lo nghĩ không yên. Đã biết “chủ tể của thân là tâm”, nếu như trong lúc sinh hoạt bận rộn không thể để cho nội tâm có một chút nhàn nhã nào, mà khiến cho nó chịu đựng lo lắng, mệt mỏi, thì khi đối nhân xử thế lại càng khó làm cho hài hòa, tự do tự tại được.
Muốn hết lo lắng trước hết tâm phải rộng lượng
Vương Dương Minh từng viết: “Như kim vu phàm phẫn chí đẳng kiện, chích thị cá vật lai thuận ứng, bất yếu trứ nhất phân tâm tư, tiện tâm thể khuếch nhiên đại công, đắc kì bổn thể chi chính liễu”. Ý tứ chính là đối với những cảm xúc phẫn nộ, tức giận chỉ cần thuận theo tự nhiên, không cần quá để tâm chú ý, như thế cả tâm và thân tự nhiên sẽ được khuếch đại mà trở lên rộng lớn.
Theo cách nhìn của Vương Dương Minh, người có lòng dạ nhỏ mọn hẹp hòi, sẽ khiến bản thân mình bị giới hạn trong không gian nhỏ hẹp, buồn bực không vui. Trái lại, người có lòng dạ rộng lượng, thì thế giới của anh ta so với người khác cũng to lớn, khoáng đạt hơn.
Muốn tâm rộng rãi, trước phải cầu giản tiện
“Tâm học” của Vương Dương Minh tới một mức độ nào đó cùng với thuyết “Thuận theo tự nhiên” của Đạo gia là tương đồng với nhau, nhưng đối lập với trạng thái vô vi của Lão Trang. Điều Vương Dương Minh tôn sùng là “Vô vi chi hạ đích hữu vi”, tức lấy lui làm tiến, lấy “Đại Đạo chí giản” làm gốc.
Thánh Nhân mong muốn đạt được đến cảnh giới “Đại Đạo chí giản”, người sống cả đời cũng chỉ mong như thế. Tại sao mọi người không ngại phiền phức mà theo đuổi những cái náo nhiệt, khiến cho tinh thần và thể xác phải chịu “gánh nặng” mệt mỏi này? Bởi vì tâm người ta khuyết thiếu một loại thái độ sống đơn giản. Cho nên, thay vì chịu bủa vây bởi tài phú, địa vị, thành tựu, chi bằng hãy thử dùng tâm thái đơn giản để tìm đến một cuộc sống đơn giản hơn.
Muốn tâm đơn giản, trước hết phải có chân thành
Chân thật, thành thực là bản thể, là phần quan trọng của tâm. Vương Dương Minh cho rằng, bản tâm của con người là “chân”, trên đời này chỉ có hai loại sự tình, một là “chân”, một là “giả”. Cầu chân tất nhiên phải chân thực, cầu giả tự nhiên phải giả tạo, thật giả không chỉ là thái độ đối đãi với người khác, mà chính là đối với chính bản thân mình. Lừa gạt người khác thì dễ, lừa gạt chính mình mới khó.
Khi sống trong một xã hội mà người người đều coi trọng vật chất, lừa gạt lẫn nhau người ta thường tìm mọi biện pháp để trang bị, bảo vệ mình. Nhưng người ta lại thường quên mất rằng, vũ khí có khả năng ngăn chặn mạnh mẽ nhất nằm ở ngay trong chính bản thân mỗi người.
Chân Chân