Cổ nhân giảng: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” là có ý nói rằng người mà không biết lo xa thì tất sẽ có điều ưu phiền gần. Trong lịch sử, rất nhiều trường hợp vì không biết ‘lo xa’ mà đã phải rước lấy tai họa.
“Người không lo xa” ở đây có thể hiểu là những người “ăn xổi ở thì”, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, làm việc mà không có suy xét phải trái, trước sau… Những người như thế thì thường rất nhanh sẽ phải chịu hậu họa, nhẹ thì buồn lòng, nặng thì gia đình suy vong, mất mạng. Trong lịch sử thực sự có rất nhiều bậc Quân Vương cho đến dân thường đã vì “không biết lo xa” mà gặp phải hậu họa.
Vào cuối đời Hán Mẫn Đế, toàn vùng Đông đô Lạc Dương bị đại hạn khiến cây cỏ chết khô và nước hồ Côn Minh cũng cạn. Một thầy cúng ở sông Lạc nói với những người cao tuổi rằng: “Có thể triệu linh vật trong đầm Nam sơn lên để nhờ”.
Một ông lão bảo rằng: “Đó là con giao long, không thể nhờ đến nó. Nếu nhờ nó, tuy có thể có mưa, nhưng sẽ để lại hậu hoạ”.
Mọi người thấy ông lão nói thế thì đều đáp rằng: “Nay khô hạn thế này, người như ngồi trên lò lửa, buổi sáng không giữ nổi đến buổi chiều, còn đâu thời gian mà suy nghĩ đến hậu hoạ?”
Thế là họ liền mời thầy cúng rồi cùng nhau đến bên bờ đầm cầu khấn giao long. Rượu cúng rót chưa tới 3 lần thì giao long đã uốn mình xuất hiện, gió thổi lên ào ào, khắp núi hang đều chấn động.
Một lúc sau, mưa xuống và sấm chớp nổi lên, nhà cửa, cây cối đổ ngã, liên tiếp như vậy 3 ngày không dứt. Sông Y, sông Lạc, sông Triền, sông Giản nước dâng lên mênh mông, vùng Đông đô Lạc Dương bị nước vây khốn trong lũ lụt, mọi người lúc bấy giờ mới hối hận vì không nghe theo lời ông lão.
Thời đại Nam triều Lưu Tống, Tạ Hối đảm nhận chức quan Hữu vệ tướng quân, quyền thế rất lớn. Lúc Tạ Hối từ Bành Thành trở về kinh sư Kiến Khang đã tổ chức đại yến tiệc thiết đãi tân khách, ngựa xe như nước, vô cùng xa hoa và náo nhiệt.
Anh trai của Tạ Hối là Tạ Chiêm chứng kiến cảnh em trai mình phóng túng, phô trương như vậy lấy làm sợ hãi. Ông nói: “Thanh danh và địa vị của đệ cũng không phải cao, vậy mà mọi người đều đến bợ đỡ xu nịnh như thế. Lẽ nào đây là phúc phần của gia môn chúng ta sao?”.
Thế là Tạ Chiêm liền lấy tấm phên để ngăn cách hẳn sân nhà mình với sân nhà em trai. Ông còn nói: “Ta không muốn nhìn thấy loại cảnh tượng này của đệ”.
Không những thế, Tạ Chiêm còn thỉnh cầu Hoàng đế nhà Lưu Tống là Lưu Dụ phê chuẩn giáng chức hoặc cách chức của ông để giữ gìn gia môn sắp bị suy bại. Về sau, mặc dù Tạ Hối lập được chiến công lớn với triều đình nhưng trong lòng Tạ Chiêm vẫn vừa lo vừa sợ. Sau khi Tạ Chiêm bị bệnh qua đời thì Tạ Hối quả thực bị diệt tộc.
Một trường hợp khác là Nhan Tuấn, người có công với Tống Hiếu Vũ Đế nên được phong chức vị cao, hơn nữa còn rất được trọng dụng. Cha của Nhan Tuấn là Nhan Duyên thường xuyên nhắc nhở con rằng: “Ta thường ngày không thích gặp những người quyền thế, giờ lại bất hạnh gặp phải ngươi”.
Một hôm vào buổi sáng, Nhan Duyên đến gặp con trai thì thấy khách khứa đầy nhà nhưng Nhan Tuấn vẫn chưa rời khỏi giường.
Nhìn cảnh tượng ấy, ông tức giận mắng con: “Ngươi xuất phát từ trong cặn bã, một bước lên mây, mà giờ lập tức tỏ ra kiêu căng ngạo mạn như thế, liệu có được lâu dài không?” Về sau, quả thực Nhan Tuấn bị Hiếu Võ Đế giết chết.
Không chỉ những người cha mà những người mẹ thời xưa cũng có cái nhìn rất xa. Cao Giáp là quan Bái phó xạ của nhà Tùy. Ông nắm giữ các chính sách quan trọng của triều đình. Mẹ ông thường khuyên răn rằng: “Phú quý của con đã đạt đến đỉnh điểm rồi!”
Cao Giáp bởi vậy mà trong tâm thường sợ có họa biến xảy ra. Về sau, quả nhiên Cao Giáp không tránh khỏi bị Tùy Dạng Đế sát hại.
Thời nhà Đường, Phan Mạnh Dương đảm nhận chức vị quan Thị lang khi chưa đến 40 tuổi. Mẹ của ông thấy vậy nên than: “Dựa vào tài cán của con mà được làm quan Thị lang, thực sự khiến mẹ lo phiền”.
Chử Uyên triều Nam Tống trợ giúp Tiêu Đạo Thành cướp ngôi Hoàng đế, thành lập ra nước Tề. Đến khi Chử Uyên làm đến chức Tư Đồ, em trai của ông là Chử Chiếu thở dài nói: “Gia môn bất hạnh, vậy mà lại được phong quan như ngày nay”.
Sau khi Chử Uyên chết, con trai của ông là Chử Bí thấy hổ thẹn vì cha mình đã đánh mất khí tiết nên đến lúc mãn tang cha thì nhường tước vị lại cho em trai mà đi ẩn cư. Từ đó, suốt cả đời, ông không ra làm quan nữa.
Vương Yến triều Nam Tề trợ giúp Tề Minh Đế cướp ngôi vị. Chú của ông là Vương Tư Xa nói: “Tương lai huynh trưởng lấy gì mà lập thân? Nếu bây giờ kịp thời tự vẫn thì còn có thể bảo trụ được gia môn”.
Đến lúc Vương Yến được phong chức Phiêu kỵ tướng quân. Vương Yến triệu tập con cháu và nói với anh trai của Vương Tư Xa là Vương Tư Vi rằng: “Vào những năm cuối Long Xương, Tư Xa đệ khuyên ta tự vẫn, nếu ta nghe lời nói ấy thì sao có được như ngày hôm nay?”. Nhưng, về sau Vương Yến quả thực đã bị Tề Minh Đế giết chết.
Người không lo xa sẽ không biết tiên liệu, không biết tiên liệu thì sẽ không ứng xử kịp thời khi xảy ra trắc trở, hậu họa. Trong một phạm vi nhỏ như gia đình, nếu một người chồng, người cha không biết suy nghĩ sâu xa thì tai họa mà họ gặp phải không chỉ là cá nhân mà còn ảnh hưởng đến toàn gia đình. Tương tự ở cương vị là người lãnh đạo của một đất nước mà không biết lo xa thì sẽ mang đến buồn phiền cho cả dân tộc và nhiều thế hệ.
Theo Trithucvn