Tinh Hoa

Trí tuệ cổ nhân: Chuyện Vương Duy giúp hàng xóm tìm ra kẻ trộm dưa

Những người yêu thích thơ Đường có lẽ không ai xa lạ với đại thi hào Vương Duy, một trong tứ đại thi sĩ nổi tiếng đời Đường. Không những vậy, Vương Duy ngay khi còn nhỏ đã thể hiện là một người thông minh cơ trí.

Vương Duy, một trong những nhà thơ nổi tiếng thời Đường. (Ảnh: Sohu)

Vương Duy (701-761), tự Ma Cật, người Sơn Tây, Trung Quốc. Ông là một nhà thơ, một họa sĩ, một nhà viết thư pháp và một chính khách nổi tiếng đời Đường. Ông cùng với Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị trở thành bốn người nổi tiếng về thơ ca thời Đường.

Ngay từ khi còn nhỏ, Vương Duy đã thể hiện mình là một người rất thông minh, cơ trí, hơn nữa còn rất trọng nghĩa khí. Có một câu chuyện trong thời niên thiếu của Vương Duy, cho thấy ông sớm đã có trí tuệ hơn người.

Ngày đó, cạnh nhà Vương Duy cũng có gia đình họ Vương, ông vẫn thường gọi ông ấy là Vương lão bá. Trong vườn nhà lão bá trồng rất nhiều rau, còn có một mảnh đất trồng dưa lê, quả nào quả nấy vừa to vừa tròn.

Một ngày, Vương lão bá dậy thật sớm, chuẩn bị hái dưa đem ra chợ bán. Ai ngờ, khi ra vườn thì thấy dưa đều đã bị người ta ăn trộm sạch. Vương lão bá vừa buồn vừa giận, thương tâm mà khóc to lên.

Vương Duy nghe tiếng khóc liền chạy đến an ủi: “Vương lão bá, ngài đừng nóng vội, kẻ trộm lấy nhiều dưa như vậy, nhất định là sẽ đem ra chợ bán, chúng ta hãy mau đi tìm xem thế nào”.

Nói xong, Vương lão bá cùng với Vương Duy vội vàng đi tới phiên chợ, quả nhiên thấy Vương Nhị đang bày dưa ra bán. Nhận ra đây chính là dưa của mình, Vương lão bá liền hỏi: “Chỗ dưa lê này ở đâu mà ngươi có được vậy?”

Vương Nhị né tránh, ấp úng nói: “Đây là dưa nhà tôi trồng đấy”.

Vương lão bá nhìn trái nhìn phải, nói: “Dưa này rõ ràng là dưa nhà ta trồng mà”.

Vương Nhị tranh luận nói: “Dựa vào cái gì mà ông nói đây là dưa của ông chứ?”

Lão bá nói: “Dưa của nhà ta vừa to vừa tròn”.

Vương Nhị cười ha ha, nói: “Dưa nhà ai mà chẳng vừa to vừa tròn cơ chứ”.

Vương lão bá bị Vương Nhị chơi xấu, giận tới run người, chỉ tay về phía hắn rồi nói: “Ngươi… người là kẻ trộm dưa…”

Vương Nhị nghe xong, nóng mặt, nhảy dựng lên mắng lớn: “Lão già kia, ông đừng có vu oan giá họa cho người khác nhé”.

Trong lúc hai người cãi vã, rất nhiều người đã tụm lại xem, lúc này, có một vị quan huyện vô tình đi ngang qua đây, liền tiến đến tra hỏi ngọn ngành. Bởi vì Vương lão bá không có bằng chứng để chứng minh số dưa đó là của mình, nên bị quan phán là cố ý gây rối và cho người đuổi ra khỏi chợ.

Lúc này Vương Duy đang đứng gần quán dưa của Vương Nhị, nghĩ thầm: “Nếu như những quả dưa này là của Vương lão bá, thì cuống dưa chắc hẳn là vẫn còn ở trên cây dưa trong vườn nhà lão bá. Đem những cuống dưa đó đến đây, chẳng phải là đã có chứng cứ rồi sao?”

Vương Duy chui qua đám đông, bước nhanh tới quán của Vương Nhị, thấy rằng những quả dưa đều không có cuống, vậy rõ ràng là ông ta đang nói láo. Vương Duy liền chạy về vườn dưa của Vương lão bá, nhanh tay cắt mấy cuống dưa bỏ vào túi rồi lại chạy tới phiên chợ.

Cậu bé đi tới trước mặt quan huyện và nói: “Dưa này nhất định là của Vương lão bá, cháu có chứng cứ”.

Nói xong, Vương Duy lấy cuống dưa ra và nói: “Đây là cuống dưa cháu vừa mới lấy từ trong vườn của Vương lão bá, cứ đem những cuống dưa này ướm thử vào mấy quả dưa là biết thật giả ngay thôi”.

Mọi người nhao nhao cầm cuống dưa để hỗ trợ kiểm chứng, và tất cả đều khớp với số dưa của Vương Nhị. Ai nấy đều khen Vương Duy thông minh, còn bắt Vương Nhị giao ra cuống dưa của mình.

Vương Nhị thấy tình thế như vậy, sợ tới mức mồ hôi chảy đầm đìa, ông ta “bịch” một tiếng, quỳ gối trước mặt quan huyện cầu xin tha thứ, nói: “Lão gia tha mạng, lão gia tha mạng! Tiểu nhân xin khai thật, số dưa này đều là do đêm qua tiểu nhân lấy trộm về”.

Quan huyện quát to: “Tên dưa tặc này thật to gan lớn mật. Người đâu, mau bắt hắn đưa lên quan phủ”.

Nhờ tài trí thông minh của Vương Duy, cuối cùng Vương lão bá cũng đã lấy lại được số dưa của mình. Với tài năng hơn người, những tác phẩm sau này của Vương Duy đều phản ánh được sự tinh tế, sâu sắc, khiến bao người mến mộ.

Tuệ Tâm biên dịch