Tinh Hoa

Tổng thống Uruguay: “Người nghèo” là người không biết thỏa mãn dục vọng

“Người ta gọi tôi là tổng thống nghèo nhất, nhưng tôi không cảm thấy nghèo. ‘Người nghèo’ không phải là người sở hữu ít, mà là những người không biết thỏa mãn ham muốn dục vọng“, tổng thống Uruguay Jose Mujica chia sẻ.

Cựu tổng thống Uruguay sống trong một nhà tranh giữa nông trại, tặng 90% lương cho các tổ chức từ thiện và làm việc trên đồng ruộng hàng ngày. (Ảnh: ED Times)

Đó là những chia sẻ của cựu Tổng thống Uruguay Jose Mujica. Ông là vị tổng thống được công nhận thanh liêm nhất trên thế giới, đồng thời cũng là vị tổng thống được yêu mến nhất tại châu Mỹ La Tinh. Những câu chuyện về ông được lưu truyền trên khắp các nơi trên thế giới, phong cách làm quan của ông càng khiến các chính khách trên toàn cầu kính phục.

Từ bé ông Mujica đã đi làm thêm khắp nơi, bắt đầu từ năm 14 tuổi. Ông từng ngồi tù 4 lần, trở thành Nghị sỹ năm 59 tuổi và đến khi 75 tuổi mới đắc cử Tổng thống Uruguay. Nhưng sau khi đắc cử, ông Mujica không sống ở phủ tổng thống mà tiếp tục sống tại nông trường của gia đình mình ở ngoại ô. Ông quyên góp 9 phần lương của mình để làm từ thiện, ông đi lại hoàn toàn dùng chiếc xe Volkswagen cũ đã dùng 10 năm.

Đã từng có một người đàn ông ở miền Tây Nam Uruguay đứng bên đường và giơ ngón tay cái ra xin đi nhờ xe, hàng mấy chục chiếc xe đi qua nhưng không ai cho anh ta đi nhờ, xe này nối tiếp xe kia đi qua. Cuối cùng cũng có một chiếc xe dừng lại, hỏi anh ta đã xảy ra chuyện gì, đồng thời nói với anh rằng: “Tôi chỉ có thể đưa anh đi xa nhất là tới phủ Tổng thống”.

Anh vui mừng bước lên xe, nhưng cuối cùng anh mới nhận ra, người có tấm lòng lương thiện kia chính là Tổng thống Jose Mujica. Người đàn ông tên Acosta đó kể lại, lúc đó có một chiếc xe treo biển chính phủ đi tới và dần dần dừng lại trước mặt anh, khi anh lên xe cũng tuyệt nhiên không biết người này là ai, có điều người phụ nữ trên xe nhìn có vẻ quen mắt, khi nhìn kỹ thì nhận ra đó là phu nhân tổng thống – bà Lucia, và chiếc xe này chính là xe của Tổng thống Jose Mujica.

Kể từ 2013, ông Mujica liên tục 2 năm được đề cử giải Nobel Hòa bình. Ông từng nói bằng thái độ ôn hòa rằng: “Họ đều gọi tôi là tổng thống nghèo nhất, nhưng tôi cảm thấy rất đủ đầy. “Người nghèo” không phải là người sở hữu ít, mà là những người không biết thỏa mãn ham muốn dục vọng”.

Vào năm 2015, ông đã kết thúc nhiệm kỳ tổng thống 5 năm, vào tháng 4/2016, ông nhận được lời mời đến Nhật, với chủ đề “Người Nhật có thật sự hạnh phúc hay không?”, ông đã diễn thuyết tại trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo và thu hút hơn 300 thanh niên đến lắng nghe.

Dưới đây là một vài điểm chính trong bài diễn thuyết của ông:

-***-

Hiện nay tôi đã 80 tuổi rồi, vô cùng cảm ơn vì đã có cơ hội đến với Nhật Bản. Lần này tôi muốn dùng cách suy nghĩ khác để cùng mọi người cùng tìm ra lời giải. Đặc biệt là những thanh niên cần phải gánh vác thế giới trong tương lai, rất nhiều người đang đối diện với thời khắc quan trọng trong cuộc đời. Hiện nay trên thế giới có những giá trị quan không giống nhau, nhưng quan trọng nhất chính là “sống”, bởi vì chính sự sống đã là một kỳ tích. Các bạn trẻ, các bạn có hai cách để nhìn nhận cuộc đời.

Thứ nhất, đã đến với thế giới thì là sống, mọi sinh vật đều như thế. Thứ hai là xuất phát từ đây, xác định phương hướng cho cuộc đời mình, tự nắm lấy cuộc đời mình, vì mục đích lớn hơn, sống một cách đặc biệt.

Đối diện với thực tế là chúng ta đang tồn tại, chúng ta không thể không dùng hết sức để sống, nhưng sống không phải là vì công việc, còn phải có rất nhiều những thứ khác, bởi vì khi bạn mua đồ, tiêu tốn không chỉ có tiền mà còn là một phần thời gian trong cuộc đời bạn, bạn dùng khoảng thời gian lãng phí ấy đổi thành tiền để chi trả cho những thứ mà bạn muốn mua.

“Tôi chọn cho mình cuộc sống tiết kiệm như thế này, tôi chọn vì không sở hữu nhiều thứ, để có thời gian sống theo cách tôi muốn”, tổng thống Jose Mujica. (Ảnh: Metropotam)

Tôi không nghèo, chỉ là lựa chọn giản đơn mà thôi

Thế nên bạn cần phải quý trọng thời gian, tiết kiệm thời gian. Đời người luôn có địa ngục và vinh quang, vì thời khắc vinh quang, chúng ta phải chiến đấu vì một cuộc đời tốt đẹp hơn.

Vấn đề nghèo khó không phải là thiếu thốn về mặt vật chất, quan trọng là chúng ta có thể cùng chia sẻ cuộc sống của mình. Hiện nay có rất nhiều thị trường phát triển, văn minh ngày càng tiến bộ, kỹ thuật tốt, vật chất phát triển thúc đẩy tiến bộ lịch sử, nhưng đây không phải là vĩnh hằng, mặt trái của sự tiến bộ chính là “gánh nặng”.

Chúng ta không thể giao tất cả mọi thứ trong cuộc đời để thị trường giải quyết, chúng ta cũng không biết tương lai sẽ xảy ra những gì. Chúng ta mong lèo lái cuộc đời mình cũng như cố hết sức để thể hiện như thế, nhưng chúng ta còn chẳng thể kiểm soát được sức mạnh của thị trường.

Vì sao lại nói vậy? Ví dụ như trước đây chúng ta đã kí Nghị định Kyoto, từ đó hạn chế tốc độ và quy mô phá hủy môi trường, nhưng dù vậy chúng ta vẫn không thể ngăn chặn được. Tôi muốn nói là văn minh đã mang đến quá nhiều sự lãng phí, chúng ta đang phung phí những thứ vô dụng và cũng không nhìn thấy được những thứ thật sự quan trọng, nhất là sự hạnh phúc.

Khả năng sản xuất ngày nay đã đạt đến đỉnh điểm trong lịch sử, nhưng cách phân chia lại rất rối ren, nhân loại chúng ta cũng không thể được lợi gì từ điều này, chỉ có số ít người được lợi, đa số chúng ta lại đang sống trong sự chèn ép, điều này có nghĩa là gì?

Mọi người đều nói tôi nghèo, nhưng tôi không nghèo, chỉ là tôi sống đạm bạc mà thôi. Đạm bạc chính là dành thời gian vào những việc thật sự muốn làm. Đối với tôi, quan trọng là hoạt động xã hội.

Hai luồng sức mạnh mâu thuẫn đã tạo nên tôi của ngày hôm nay, mỗi người đều có chủ nghĩa ích kỉ, ví dụ như bảo vệ mình và những người quan trọng. Nhưng đồng thời chúng ta cũng có sản nghiệp, văn minh, văn hóa, tri thức rất tuyệt vời… đây đều là những gì mà người đi trước để lại, quan trọng nhất chính là hỗ trợ lẫn nhau thì mới có thể tạo ra sức sáng tạo, chúng ta phải ức chế sự mâu thuẫn trong lòng và kiểm soát sức mạnh ấy.

Những người trẻ tuổi cần liên kết lại

Bản thân chúng ta đang mang rất nhiều vấn đề, chúng ta sống trong thế giới toàn cầu hóa cực độ, tôi phát hiện ra có hai vấn đề cơ bản:

Một là sự bùng nổ tư bản tài chính, cách sống “lấy tiền bạc làm nền tảng” hiện đang chuyển biến trên diện rộng. Người ta bận rộn để kiếm tiền, hình thức đầu cơ mang đến tiền tài đã không còn là phương thức sản xuất đơn thuần trong quá khứ nữa.

Vấn đề thứ hai quan trọng hơn đó là thế giới văn minh của chúng ta khuyết thiếu năng lực thống trị, thế giới đang thay đổi lớn, nhưng phải giải quyết như thế nào?

Những người trẻ tuổi các bạn đang phải vật lộn với các loại tình huống, trọng điểm không phải là không có người có thể giải quyết khó khăn, nhân loại chỉ cần liên kết lại, có tổ chức thì sẽ có thể chiến đấu, đây chính là ý nghĩa của hợp tác và đoàn kết.

Người ta thường nói rằng Nhật Bản không có hy vọng, trước đây cũng có người nói với tôi rằng, tỉ lệ bỏ phiếu của những người trẻ tuổi Nhật chỉ có 30%, rất khó tin. Tôi cho rằng đây mới là cuộc đời của bạn, ý nghĩa sự tồn tại của bạn. Nếu không, sự thất vọng của bạn đã thắng, con người ta sống trên đời phải có hy vọng, cuộc đời không có hy vọng thì sẽ ra sao?

Tuệ Tâm (s/t)