Người xưa nói rằng, “Trăm điều thiện, hiếu đứng đầu”. Lòng hiếu thuận của người con có thể khiến trời xanh phải cảm động. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ như vậy.
Ngô Nhị là một người dân nghèo ở huyện Lâm Xuyên, tỉnh Giang Tây, hầu hạ chăm sóc mẹ già hết sức hiếu thuận, luôn cố gắng làm cho mẹ được vui lòng.
Một hôm, có thầy tướng số đi ngang qua nhà, chăm chú nhìn ông hồi lâu rồi nói: “Cứ theo sát khí hiện thấy thì đúng giờ ngọ ngày mai anh sẽ bị sét đánh chết”.
Ngô Nhị nghe như vậy thì vô cùng hốt hoảng. Tuy ông không hề sợ chết nhưng lại sợ không có ai chăm sóc hầu hạ mẹ già, liền theo khẩn khoản van xin thầy tướng số chỉ cho một phương cách cứu nạn.
Thầy tướng lắc đầu nói: “Ta cũng chỉ là thấy sao nói vậy. Chuyện nghiệp duyên nhân quả của mỗi người đều tự làm tự chịu, ta cũng không có cách nào hóa giải được”.
Nói rồi vị thầy tướng dứt áo đi thẳng.
Ngô Nhị lại nghĩ, nếu mình bị sét đánh chắc chắn sẽ làm cho mẹ kinh hãi. Vì thế, sáng hôm sau ông chuẩn bị thức ăn điểm tâm cho mẹ xong liền thưa với mẹ:
“Thưa mẹ! Hôm nay con có chút việc phải ra ngoài, xin mẹ hãy qua ở tạm bên nhà của hàng xóm”.
Nhưng người mẹ không chịu đi, lại khăng khăng muốn giữ ông ở nhà. Ông còn đang chưa kịp rời đi thì bỗng thấy mây đen kéo đến che kín cả bầu trời, sấm sét nổi lên ầm ầm, ta chớp rực trời. Ngô Nhị càng thêm lo lắng, sợ nếu mình ở đây thì sét đánh xuống sẽ làm cho mẹ kinh hãi, vội vàng đóng chặt cửa lại rồi chạy thẳng ra ngoài đồng, ngồi đó chờ sét đánh.
Không ngờ chỉ trong chốc lát mây tan mưa tạnh, bầu trời lại trong sáng trở lại, Ngô Nhị vẫn không bị sét đánh, bình an trở về nhà.
Hôm sau, thầy tướng số đi ngang nhà nhìn thấy Ngô Nhị thì kinh hãi nói: “Anh làm sao có thể thoát được đại nạn đó vậy?”.
Ngô Nhị trả lời “Tôi không biết”, rồi kể lại cho thầy tướng số nghe tường tận mọi việc. Thầy tướng gật đầu nói: “Ta đã rõ rồi. Đó là lòng hiếu thảo của ông đã cảm động thấu trời xanh, nên mới trải qua đại nạn không chết”.
Từ đó về sau, Ngô Nhị càng hết lòng hiếu kính với mẹ già, xóm giềng trông thấy không ai là không kính phục.
(Trích Đức Dục Cổ Giám)
Theo tansinh.net