Tinh Hoa

Tô thịt bò của người cha mù, nghẹn ngào thứ tình yêu chẳng mấy khi thốt lên thành tiếng

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha, dáng vẻ nghèo túng.

Ảnh minh họa

Cậu con trai còn rất trẻ, trạc mười bảy, mười tám tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng vẫn không dấu nổi nét thư sinh, dường như cậu vẫn đang là học trò phổ thông…

Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: “Cho hai bát phở bò!”, cậu nói to.

Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường phía sau lưng tôi, bảo tôi rằng chỉ làm một bát phở cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành thôi.

Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát phở thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, chắc là tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.

Người bồi bàn nhanh nhẹn bưng lên ngay hai bát phở nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát phở bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: “Cha, có phở rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”..

Rồi cậu ta tự bưng bát phở nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con.

“Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội.” Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp.

Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về.

Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát phở mà biết bao nhiêu là thịt.” Ông lão cảm động nói.

Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, được sắt mỏng như lá lúa. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”.

“Ừ… ừ, con ăn nhanh lên, ăn phở bò thực ra cũng có chất lắm đấy.”

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương bồi bàn từ bếp đi ra, bê một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ làm dấu ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ.

Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải, chúng tôi không gọi thịt bò.

Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỷ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm.

Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt bỏ vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏi quán.

Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng …

Con có còn dư đồng nào không?

Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…

Ảnh minh họa

Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi: “Có dư đồng nào không con?“.

Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ”.

Ba nói tiếp: “Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”.

Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…

Quà con tặng bố

Có một người cha nghèo đã quở phạt đứa con gái 3 tuổi của mình vì tội lãng phí cả một cuộn giấy gói quà mầu vàng. Tiền bạc eo hẹp, người cha nổi giận khi đứa bé cắt cuộn giấy quý ra thành từng mảnh nhỏ trang trí một cái hộp giấy. Sáng sớm hôm sau, đứa con gái nhỏ vẫn mang hộp quà đến nói với cha: “Con tặng bố!”.

Người cha cảm thấy bối rối vì cơn giận dữ của mình tối hôm trước, nhưng rồi cơn giận dữ lại bùng lên khi ông mở ra, thấy cái hộp trống rỗng.

Ông mắng con gái. Đứa con gái nhỏ ngước nhìn cha, nước mắt rưng rưng, thưa: “Bố ơi, đó đâu phải là cái hộp rỗng, con đã thổi đầy những nụ hôn vào hộp để tặng bố mà!”.

Người cha giật mình. Ông vòng tay ôm lấy đứa con gái nhỏ cầu xin con tha thứ.

Đứa con gái nhỏ, sau đấy không bao lâu, qua đời trong một tai nạn. Nhiều năm sau, người cha vẫn khư khư giữ cái hộp giấy bên mình, mỗi khi gặp chuyện nản lòng, ông lấy ra một nụ hôn tưởng tượng và nghĩ đến tình yêu mà đứa con gái bé bỏng của ông đã thổi vào chiếc hộp.

Trong cuộc sống, chúng ta đã và sẽ nhận được những chiếc hộp quý giá chứa đầy tình yêu và những nụ hôn vô tư từ con cái của chúng ta, từ bạn bè, gia đình. Trên đời này, chúng ta không thể có được tài sản nào quý giá hơn những chiếc hộp chứa đầy tình yêu vô tư như thế.

Tuệ Tâm, sưu tầm