Nusrat Jahan Rafi bị nhúng vào dầu hỏa và thiêu chết tại trường học của cô ở Bangladesh. Nguyên nhân là bởi chưa đầy 2 tuần trước, cô đã nộp đơn khiếu nại hiệu trưởng có hành vi quấy rối tình dục mình.
Nusrat Jahan Rafi (19 tuổi) là người ở Feni, một thị trấn nhỏ nằm cách thủ đô Dhaka 160km về phía Nam. Cô đang theo học tại một trường Hồi giáo. Hôm 27/3, Nusrat nói rằng hiệu trưởng gọi cô vào văn phòng của ông và liên tục có hành vi khiếm nhã động chạm vào người cô. Nusrat đã vội chạy ra ngoài trước khi mọi chuyện đi xa hơn.
Nhiều cô gái và phụ nữ trẻ ở Bangladesh thường chọn cách giữ bí mật khi bị quấy rối hoặc lạm dụng tình dục vì sợ nhục nhã trước gia đình và xã hội. Điều khiến Nusrat trở nên khác biệt là cô không chỉ nói ra sự thật mà còn đi báo cảnh sát vào ngày xảy ra vụ việc lạm dụng trên.
Cô đã tường trình lại sự việc tại đồn cảnh sát địa phương. Đáng lẽ cô nên được cung cấp một nơi an toàn để thuật lại những trải nghiệm đau thương của mình. Nhưng thay vào đó, viên cảnh sát phụ trách đã quay phim khi cô kể lại hành vi kia.
Trong video, Nusrat trông rất đau khổ và đang cố gắng lấy tay che mặt. Cảnh sát sau khi nghe đã nói rằng khiếu nại của cô “không có gì to tát”. Video này sau đó đã bị rò rỉ đến các phương tiện truyền thông địa phương.
Khi trường học không còn là nơi an toàn…
Nusrat xuất thân từ một gia đình bảo thủ và theo học tại một ngôi trường tôn giáo. Ở vị trí một cô gái như cô, việc khiếu nại quấy rối tình dục có thể phải đối mặt với sự phán xét từ cộng đồng, bị quấy nhiễu cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội, một số trường hợp còn bị tấn công bạo lực. Nusrat đã liên tiếp phải trải qua tất cả những điều đó.
Ngày 27/3, sau khi cô báo cảnh sát, vị hiệu trưởng kia đã bị bắt giữ. Nhưng mọi thứ lại trở nên tồi tệ hơn với Nusrat. Một nhóm người tụ tập trên đường phố đòi thả hiệu trưởng. Cuộc biểu tình do 2 nam sinh viên tổ chức và các chính trị gia địa phương cũng được cho là có mặt trong đó. Mọi người bắt đầu đổ lỗi cho Nusrat. Gia đình dần lo lắng cho sự an toàn của cô.
Ngày 6/4, tức 11 ngày sau vụ lạm dụng tình dục, Nusrat đến trường để thi cuối kỳ. Anh trai Nusrat cố gắng đưa cô vào bên trong, nhưng bị chặn lại và không cho vào. Anh nói: “Nếu tôi vẫn cố gắng đưa con bé vào, chuyện như thế này có lẽ đã không xảy ra”.
Theo lời Nusrat, một nữ sinh đã đưa cô lên sân thượng của trường, nói rằng một người bạn của cô đang bị đánh. Khi Nusrat lên đến sân thượng, đột nhiên 4-5 người mặc áo choàng vây quanh cô, gây áp lực buộc cô phải rút đơn tố cáo hiệu trưởng. Khi cô từ chối làm theo, họ đã châm lửa thiêu sống cô.
Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra Banaj Kumar Majumder cho biết những kẻ giết người định “làm cho hiện trường trông như một vụ tự sát”. Tuy nhiên, kế hoạch của họ không thành vì Nusrat đã được giải cứu sau khi họ trốn khỏi hiện trường. Cô đã kịp để lại lời khai trước khi ra đi.
Ngài Majumder phát biểu với BBC Bengali: “Một trong những tên giết người đã lấy tay ấn đầu cô ấy xuống, dầu hỏa không đổ lên đầu, nên đầu cô không bị bốc cháy”.
Nhưng khi Nusrat được đưa đến bệnh viện địa phương, các bác sĩ nhận định vết bỏng đã bao phủ 80% cơ thể cô. Không thể điều trị, họ đành gửi cô đến Bệnh viện Đại học Y khoa Dhaka.
Trong xe cứu thương, vì sợ mình không thể qua khỏi, Nusrat đã ghi âm lại lời kể vào điện thoại của anh trai. “Ông ấy đã động chạm vào người tôi, tôi sẽ chống lại tội ác này cho đến hơi thở cuối cùng”, cô cố gắng nói trong yếu ớt. Nusrat cũng tiết lộ tên những người tấn công mình.
Chẳng mấy chốc, tin tức về tình trạng của cô bao trùm khắp các phương tiện truyền thông Bangladesh. Ngày 10/4, Nusrat trút hơi thở cuối cùng. Hàng ngàn người đã đến dự đám tang của cô ở Feni.
Hành trình mòn mỏi đi tìm công lý
Cái chết của Nusrat đã làm dấy lên các cuộc biểu tình, hàng ngàn người đã sử dụng mạng xã hội để bày tỏ sự tức giận của họ cả về trường hợp của cô lẫn việc đối xử tàn nhẫn với các nạn nhân bị tấn công tình dục ở Bangladesh.
“Khi phụ nữ cố gắng lấy lại công bằng sau khi bị quấy rối tình dục, họ lại phải đối mặt với nhiều vụ quấy rối khác. Vụ án thường kéo dài trong nhiều năm và đi kèm với đó là sự lăng mạ của xã hội, thái độ thiếu trách nhiệm của cảnh sát trong việc điều tra các cáo buộc”.
“Điều đó khiến nạn nhân từ bỏ việc đi tìm công lý. Cuối cùng, những tên tội phạm không bị trừng phạt và họ tiếp tục tái phạm các tội tương tự. Những người khác cũng không ngại làm theo sau khi thấy những ví dụ như vậy”, Salma Ali, một luật sư nhân quyền và cựu giám đốc Hiệp hội Luật sư Phụ nữ bức xúc nói.
Theo nhóm quyền phụ nữ Bangladesh Mahila Parishad, đã có 940 vụ hiếp dâm ở Bangladesh vào năm 2018. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết con số thực sự có khả năng còn cao hơn nhiều.
Cảnh sát đã bắt giữ 15 người, trong đó có 7 người bị cáo buộc có liên quan đến vụ giết người và 2 nam sinh tổ chức cuộc biểu tình ủng hộ hiệu trưởng. Bản thân hiệu trưởng vẫn đang bị giam giữ. Viên cảnh sát quay phim lúc Nusrat tố cáo quấy rối tình dục cũng bị chuyển sang bộ phận khác. Thủ tướng Sheikh Hasina đã gặp gia đình Nusrat và hứa rằng những ai liên quan đến vụ giết người sẽ bị đưa ra công lý.
Tuy Nusrat đã vĩnh viễn ra đi, nhưng sự can đảm của cô khi lên tiếng chống lại nạn tấn công tình dục, cái chết của cô 5 ngày sau khi mọi chuyện được làm sáng tỏ và mọi việc xảy ra trong thời gian đó đã khiến cả đất nước Bangladesh phải dậy sóng và hướng ánh nhìn vốn lạnh nhạt bấy lâu đến sự tổn thương sâu sắc của các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở quốc gia Nam Á này.
Thùy Linh (Theo BBC)
Xem thêm: