Thời vua Đường Thái Tông, đế vương trị quốc đạt trình độ vô cùng tốt đẹp. Ngoài ra, điều khiến mọi người hoài niệm còn là tư pháp thời kỳ đó rất công chính nghiêm minh, cổ kim đều ca tụng.
Điều tra đại án, chỉ phán xử chủ mưu
Những năm đầu Trinh Quán, Thanh Châu xảy ra vụ án mưu phản. Quan chức địa phương truy bắt phản tặc, đã bắt được rất nhiều nghi phạm, tất cả đem tống giam vào ngục, trong thời gian ngắn, trại giam đã đầy kín người. Đường Thái Tông hạ chiếu, phái Thôi Nhân Sư đến địa phương xử lý vụ án này.
Thôi Nhân Sư đến trại giam Thanh Châu, lệnh cho viên quan coi ngục tháo bỏ hết gông cùm trên thân các nghi phạm, cho họ được tắm rửa, ăn uống, đồng thời dùng lời lẽ nhẹ nhàng an ủi bọn họ.
Thôi Nhân Sư điều tra tỉ mỉ từng nghi phạm, cuối cùng điều tra ra trong đó chỉ có hơn chục người là chủ mưu vụ án. Thế là Thôi Nhân Sư chỉ giữ hơn chục phạm nhân này để xét xử, còn lại đều phóng thích hết.
Quan chức phúc thẩm án mưu phản, phạm nhân tâm phục khẩu phục
Sau khi Thôi Nhân Sư xử lý án xong, trần thuật chi tiết vụ án báo cáo lên triều đình. Triều đình sai sứ thần về phúc tra vụ án này. Thiếu khanh Đại Lý Tự Tôn Phúc Già nói với Thôi Nhân Sư rằng: “Vụ án này vốn liên quan đến rất nhiều người, ngài liền một lúc tuyên bố vô tội tha cho nhiều người như thế này, mà những tù phạm bị phán xử tử hình kia hôm nay bị hành quyết. Nhưng con người ai ai cũng muốn sống, có ai muốn chết đâu? E rằng những phạm nhân tội tử hình kia sẽ không cam tâm, tôi thực sự lo lắng cho ngài”.
Thôi Nhân Sư nói: “Tôi thường nghe, thẩm lý vụ án nên lấy khoan thứ làm chính, do đó nói ‘giết người chặt chân cũng đều có lễ’. Làm sao có thể vì bản thân nhất thời yên lành, rõ ràng biết phạm nhân có oan khuất mà cũng không minh oan cho họ sao? Nếu tôi phán quyết thực sự có sai lầm, tôi xin tình nguyện dùng cái mạng này của mình để đổi lấy tính mệnh cho những phạm nhân này”.
Tôn Phục Già nghe những lời này, xấu hổ lui ra khỏi công đường.
Sứ thần phụng mệnh hoàng đế đến Thanh Châu, khi thẩm vấn phúc thẩm lại vụ án này, những phạm nhân bị khép tội tử hình này đều nói: “Thôi Công là người rất khoan dung nhân nghĩa, xét xử án công bằng nghiêm chính, chúng tôi không oan uổng một chút nào. Chúng tôi nguyện ý chịu tội”.
Thái Tông khoan dung nhân từ miễn giảm tử hình
Thời kỳ Trinh Quán, Thái Tông nói với quần thần rằng, sinh mệnh con người cực kỳ trân quý, người chết không thể sống lại được. Thái Tông thương xót con dân, sửa đổi pháp luật, bãi bỏ 50 điều khoản tội tử hình. Đường Thái Tông cực kỳ thận trọng phúc thẩm đối với tội tử hình, quy định rằng, phải thực hiện 3 lần phúc thẩm. Vào ngày hành quyết phạm nhân phải báo cáo 3 lần cho hoàng thượng, thẩm tra đi thẩm tra lại để chứng thực. Sau này Thái Tông cảm thấy 3 lần phúc thẩm vẫn chưa đủ, lại quy định 5 lần phúc thẩm.
Luật nhà Đường quy định, tội phạm không phục phán quyết có thể khiếu tố lên trên. Không phục phán quyết ở huyện có thể khiếu tố lên châu, không phục phán quyết ở châu có thể khiếu tố lên thượng thư tỉnh, do tả hữu thừa tướng thẩm phán kỹ lưỡng. Nếu vẫn không phục thì có thể khiếu tố lên Tam ty. Tam ty triều Đường xử lý, là do quan đứng đầu 3 cơ quan tư pháp là Bộ hình, Đại Lý Tự và Ngự sử đài cùng thẩm lý những vụ đại án, trọng án. Chế độ này rất nghiêm cẩn chặt chẽ hoàn thiện.
Thái Tông thả tử tù về nhà ăn Tết, một năm sau tử tù đều đến như đã hẹn
Theo quy định chế độ tư pháp triều Đường, mỗi khi đến mùa đông, hoàng đế có một công việc quan trọng, đó chính là lục tù. Lục tù là cơ quan tư pháp cấp trên thẩm tra phúc tra lại án lục của những phạm nhân đang bị giam giữ, kiểm tra xem phán xử các vụ án của cấp dưới có công bằng nghiêm minh không, có ẩn chứa oan khuất không.
Năm Trinh Quán thứ 6, số người bị phán xử tử hình trên toàn quốc là 390 người. Đến cuối năm, Thái Tông đích thân đến nhà ngục lục tù. Thái Tông khoan dung nhân từ đã hạ lệnh, thả những tử tù này về nhà ăn Tết, đoàn tụ cùng gia đình. Thái Tông giao hẹn cùng các tử tù đến mùa thu năm sau sẽ trở về nhà ngục chịu hành hình. Những tử tù này đều đồng ý. Đến năm sau, những tử tù này đều đến đúng hẹn. Hoàng đế Thái Tông trong lòng cảm thán những tử tù này biết giữ chữ tín, bèn đặc xá tha cho họ.
Luật pháp triều Đường có quy định về nhục hình thẩm vấn, cứ cách 20 ngày 1 lần, đánh 3 lần là dừng, tổng số không được vượt quá 200 trượng.
Tử tù bị hành quyết, nếu không có thân thích, quan phủ phải chuẩn bị cho họ quan tài, chôn ở nghĩa địa quy định ở ngoài thành, cách kinh thành 7 dặm.
Năm Trinh Quán thứ nhất, Đường Thái Tông nói với quần thần rằng: “Luật pháp không phải là luật pháp của cá nhân trẫm mà là luật pháp của thiên hạ”. Đường Thái Tông ý nói rằng, cho dù bản thân là hoàng đế cũng không thể tùy ý lấy danh nghĩa cá nhân can thiệp vào các cơ quan tư pháp và pháp quan xử án, các cơ quan tư pháp và pháp quan có quyền lực độc lập xét xử theo pháp luật, không chịu khống chế của ý kiến quốc quân.
Theo ĐKN