Nhờ công nghệ laser, các nhà khảo cổ vừa phát hiện hàng chục nghìn tòa nhà, các công trình phòng ngự, kim tự tháp của người Maya trong khu rừng nhiệt đới rậm rạp ở Guatemala, cho thấy cư dân ở đó xa xưa có thể lên tới hàng triệu người.
Hôm 1/2/2018 vừa qua, một nhóm các chuyên gia khảo cổ đến từ Mỹ, châu Âu, và Guatemala đã công bố khám phá này. Họ phát hiện được cả khu vực nông nghiệp với quy mô lớn cùng các kênh tưới nước.
Phát hiện này cho thấy mức độ phát triển và “đô thị hóa” rất cao của nền văn minh Maya mà trước đây các nhà khoa học không tưởng tượng được.
Nghiên cứu này ước lượng khoảng 10 triệu người có thể đã sống ở vùng đất thấp Maya, nghĩa là họ có thể đã cần một lượng thức ăn rất lớn và tiến hành sản xuất nông nghiệp quy mô lớn như vậy.
“Số người từng sống ở đó phải gấp đến 2 hay 3 lần so với những gì người ta thường nói”, giáo sư nhân chủng học Marcello A.Canuto của đại học Tulane cho biết.
Các chuyên gia dùng một kỹ thuật bản đồ gọi là LiDAR, viết tắt của cụm từ tiếng anh có nghĩa là “Khoanh vùng và phát hiện bằng ánh sáng”. Nó phát ra sóng laser cho phản xạ trên mặt đất, từ đó mà thu được hình ảnh đường viền của hệ thống dưới lòng đất.
Hình ảnh cho thấy người Maya đã canh tác khu vực này trên diện rộng hơn chúng ta tưởng. Ở một số khu vực, 95% diện tích đất là đã được canh tác.
“Nền nông nghiệp của họ cũng thâm canh và vì vậy cũng lâu bền hơn chúng ta nghĩ, họ canh tác từng phân đất một không bỏ sót chút nào”, ông Francisco Estrada-Belli, phó giáo sư tại đại học Tulane nói. Ông cũng cho biết người Maya cổ có thể đã làm khô một phần những vùng đầm lầy vốn không thích hợp cho canh tác lúc đầu.
Người ta còn phát hiện thấy các hàng rào phòng thủ rộng lớn, với hệ thống tường cao hào sâu và kênh dẫn nước, dấu hiệu của một lực lượng lao động có tổ chức cao.
“Ở đây hẳn là đã có sự can thiệp của chính phủ, vì chúng tôi thấy những kênh đào rộng được đào để dẫn hướng dòng chảy”, phó giáo sư Thomas Garrison ngành nhân chủng học tại đại học Ithaca New York nói. Ngoài ra ông còn cho biết đây là phát hiện làm thay đổi hẳn tình thế, thay đổi cách mà chúng ta nghiên cứu khảo cổ về Maya.
Bản đồ của mảnh đất 810 dặm vuông (2100 km2) đã mở rộng khu vực có người Maya cư ngụ tập trung mà chúng ta biết đến trước đây. Nền văn hóa của họ phát triển thịnh vượng vào khoảng từ năm 1000 TCN đến năm 900 SCN. Ngày nay, hậu duệ của họ vẫn sống ở khu vực này.
Trong lần quét bản đồ này, họ đã phát hiện ra hơn 60.000 các kiến trúc khác nhau, trong đó có 4 trung tâm cử hành nghi lễ của người Maya với các kim tự tháp và quảng trường.
Ông Garrison nói năm nay ông đã đến khu vực này với các dữ liệu có được từ LiDAR để tìm kiếm một con đường đã hiện ra trên bản đồ. “Tôi đã thấy nó, nhưng nếu tôi không có LiDAR và biết nó là gì, thì tôi đã bước qua nó, vì khu vực đó quá rậm rạp”.
Ông Garrison cũng chỉ ra rằng ở các nền văn hóa cổ khác, các cánh đồng, con đường và các ngôi nhà thường bị phá hủy do các thế hệ sau sinh sống và canh tác. Còn ở đây khu rừng rậm này mọc lên trên các cánh đồng và công trình của người Maya, vừa che chắn vừa bảo tồn cho chúng.
“Khu rừng vốn đã ngăn cản chúng ta khám phá suốt thời gian dài, lại trở thành công cụ bảo tồn tuyệt vời để nay chúng ta thấy được tầm ảnh hưởng của nền văn hóa đó lên vùng đất này”, ông Garrison nói.
Ông còn cho biết ở khu vực này có hai pháo đài Maya. LiDAR cũng đã hé lộ một công trình mà trước đây họ không thể phát hiện ra ở giữa hai pháo đài này.
“Hệ thống tường cao hào sâu này chính là của cái pháo đài trên đỉnh đồi này… khi tôi đến đó, thì một trong số đó cao 9m”, ông cho biết.
Với những gì công nghệ LiDAR mang lại, trong vòng ba năm tới Canuto và các cộng sự hy vọng sẽ có thể vẽ bản đồ kỹ thuật số của toàn bộ Khu bảo tồn Maya, rộng hơn 8.341 dặm vuông tại khu vực Peten tại Guatemala.
Theo New York Times, các nhà khoa học đã dùng những kỹ thuật scan tương tự để khám phá những thành phố cổ ở Angkor, trung tâm của đế quốc Khmer tại Campuchia, trong đó có thành phố Angkor Wat nổi tiếng. LiDAR còn có tiềm năng khám phá cả những nền văn minh trong rừng rậm nhiệt đới của Brazil. Theo ông Garrison, LiDAR còn có thể được dùng trong các lĩnh vực khác.
Theo Trithucvn.net