Trong tháng 5/2015, một số lượng lớn linh dương Saiga quý hiếm đột nhiên bị chết khiến các nhà bảo tồn động vật hoang dã ngỡ ngàng. Hiện các nhà khoa học đã tìm ra loại vi khuẩn tưởng như vô hại, nhưng lại là nguyên nhân chính khiến 200.000 con sơn dương bị tiêu diệt.
Theo đó, có tới 80% số lượng linh dương tại Kazakhstan đã bị tiêu diệt trong vài tuần, trong đó đỉnh điểm là 60.000 cá thể chết chỉ trong vòng bốn ngày. Tuy nhiên, gần đây các khoa học gia mới bắt đầu có được manh mối lý giải cho hiện tượng này.
Các nhà khoa học tin rằng thủ phạm là hai loại vi khuẩn vô hại trong cơ thể động vật – Pasteurella multocida và Clostridia, nhưng bằng cách nào đó đã trở thành khuẩn độc vô cùng nguy hiểm. Theo một số xét nghiệm, độc chất từ vi khuẩn đã được tìm thấy trên xác linh dương. Độc chất này khiến cơ thể động vật bị xuất huyết mạnh, gây tử vong.
Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự khiến loại vi khuẩn này trở nên nguy hiểm như vậy hiện vẫn còn gây tranh cãi cho các nhà khoa học. Theo các phân tích về di truyền, hai loại vi khuẩn này bình thường không gây hại. Thậm chí ngay cả khi hệ miễn dịch của linh dương giảm sút, khả năng tử vong của chúng là không cao.
Theo Carlyn Samuel từ Hội bảo tồn linh dương Saiga: “Linh dương có khả năng bị nhiễm trùng huyết tán, thường được gây nên bởi vi khuẩn Pasteurella multocida nhóm B. Nhóm vi khuẩn này thường được tìm thấy tại tuyến hô hấp của linh dương và một số loài động vật khác”.
Samuel cũng cho biết: “Linh dương Saiga cũng có thể bị bội nhiễm với khuẩn Clostridium. Trên một số xác linh dương, khuẩn này đã tiết ra độc chất vô cùng nguy hiểm được bơm thẳng vào máu, có thể đã gây nên hiện tượng linh dương chết hàng loạt. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến hai loại vi khuẩn này đột nhiên trở nên chết người như vậy hiện vẫn đang được tìm hiểu”.
Theo một số công bố từ chính phủ, hiện tượng linh dương chết hàng loạt diễn ra từ tháng 5 đến tháng 6, tiêu diệt đến 148.000 cá thể. Tuy nhiên, các khoa học gia cho biết con số thực tế có thể lên tới 200,000.
Hiện các nhà khoa học vẫn đang tích cực tìm hiểu nguyên nhân khiến 2 loại khuẩn trở thành chất “kịch độc”. Các xét nghiệm về đất đai, nguồn nước và lượng phóng xạ trong khu vực đều cho kết quả bình thường.
Một số người đưa ra giả thiết về mùa đông quá lạnh đã làm suy giảm hệ miễn dịch của linh dương, đồng thời tạo điều kiện hoàn hảo để vi khuẩn phát triển mạnh. Ngoài ra, Steffen Zuther – nhà sinh thái học tại Viện bảo tồn Atlyn Dala, thì tảo độc hoặc các cây có độc cũng là một khả năng gây nên cái chết hàng loạt của linh dương.
E J Milner – Gulland, một nhà bảo tồn học thuộc ĐH Imperial London, cho biết: “Việc tìm hiểu nguyên nhân lúc này được ưu tiên hàng đầu. Hiện nay chỉ còn khoảng 3 đến 4 đàn linh dương, với số lượng rất thấp. Nếu không sớm giải quyết được điều này, loài linh dương có thể bị tuyệt chủng trong tương lai không xa”.
Linh dương Saiga được đưa vào danh sách các loài vật cần được bảo tồn từ năm 1990, sau khi số lượng loài giảm xuống dưới 21.000 cá thể. Đến năm 2014, số lượng linh dương tại Kazkhstan được ước tính rơi vào khoảng 257.000, cùng một số đàn tại Nga và Mongolia. Tuy nhiên, hiện tượng chết hàng loạt với quy mô lớn năm nay đã làm giảm số lượng linh dương xuống mức nghiêm trọng.
Theo Trí Thức Trẻ