Tinh Hoa

Tìm hiểu về lễ hội đèn lồng nổi tiếng nhất tại Đài Loan

Được tổ chức vào đêm trăng rằm đầu tiên của năm Âm lịch, lễ hội đèn lồng thường được xem là một trong những lễ hội quan trọng, đặc sắc và thu hút đông đảo khách du lịch nhất tại Đài Loan.

Lễ hội đèn lồng là một trong những lễ hội đặc sắc nhất ở Đài Loan. (Ảnh: Internet)

Lễ hội thường bao gồm các hoạt động như đốt đèn lồng, chơi câu đố đèn, trang trí và trưng bày những đèn lồng lấp lánh. Món ăn truyền thống trong lễ hội này là bánh trôi nước. Bánh trôi nước ở Đài Loan có nhiều hương vị khác nhau.

Mè, đậu phộng, đậu đỏ và thịt lợn băm nhỏ là những hương vị phổ biến và được ưa chuộng nhất. Tuy nhiên, những hương vị mới như khoai môn, trà xanh, và mứt hoa quế cũng thu hút được các fan hâm mộ của món ăn này trong những năm gần đây.

Bánh trôi nước là món ăn truyền thống trong dịp lễ hội đèn lồng ở Đài Loan. (Ảnh: Internet)

Nguồn gốc lễ hội đèn lồng ở Đài Loan

Một truyền thuyết kể lại rằng, lễ hội này thực ra có từ thời vua Hán (206 TCN – 220), ông là một Phật tử mộ đạo nên đã hạ lệnh cho người dân thắp đèn vào đêm 15 tháng Giêng để tỏ lòng kính trọng Đức Phật. Theo đó, việc cầm những ngọn đuốc hay đèn lồng vào đêm này cũng giúp người ta dễ dàng thấy các vị thần từ trời xuống ban phước lành cho dân chúng hơn.

Theo một truyền thuyết khác, vào thời nhà Đường, các hoàng đế thường ăn mừng lễ hội bằng cách lệnh cho hàng trăm cung nữ xinh đẹp ca hát và nhảy múa trong ánh sáng rực rỡ bên những chiếc đèn lồng. Hoạt động này dần dần lan rộng đến những người dân thường và phát triển thành lễ hội phổ biến nhất trong năm, sau Tết nguyên đán. Lễ hội còn được gọi là Tết Nguyên Tiêu. Ngày xưa, lễ hội này, cùng với Tết Nguyên Đán kéo dài 45 ngày. Ngày nay, nó chỉ diễn ra trong vòng 1 tuần.

Lễ hội đèn lồng lung linh thu hút rất đông khách du lịch

Trong dịp lễ hội này, nhiều sự kiện khác nhau được tổ chức trên khắp Đài Loan. Năm 1990, Cục Du lịch Đài Loan tổ chức Lễ hội Đèn lồng Đài Bắc đầu tiên. Và nó trở thành một sự kiện du lịch lớn nhất ở Đài Loan trong những năm qua.

Nhờ những tiến bộ của công nghệ hiện đại, mỗi năm, một đèn lồng khổng lồ sẽ được dựng lên giữa quảng trường ngay Bảo tàng Tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, và thường mang chủ đề phù hợp với con giáp năm đó. Việc lắp đặt đèn lồng bao gồm cả trang trí kết hợp đèn laze, âm nhạc và các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc.

Trên 4 mặt của Bảo tàng Tưởng niệm Tưởng Giới Thạch được trưng bày những đèn lồng nhỏ mô tả văn hóa dân gian và các sự kiện lịch sử. Những đèn lồng nhiều màu lớn hơn với những hình ảnh các giống cây trồng, động vật như bướm, rồng, khủng long và các loài chim,… cũng được treo dọc khắp các con đường.

Những “đường hầm” toàn đèn đồng được trang trí sinh động. (Ảnh: Internet)

Bạn cũng có thể được chiêm ngưỡng các tiết mục biểu diễn dân gian sống động và thú vị như múa lân, múa rồng, nhào lộn, tiểu phẩm, đánh trận giả,… Bên cạnh đó là các gian hàng bán những mặt hàng thủ công truyền thống như tranh quạt, đèn lồng, điêu khắc bột, kẹo thổi, giấy cắt, nút dây và nhiều món ăn nhẹ thơm ngon.

Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, những con đường ở Đài Bắc như biến thành những đường hầm ánh sáng khiến toàn thành phố trở nên lấp lánh rực rỡ. Mỗi năm, sự kiện này thu hút hàng chục ngàn du khách từ khắp Đài Loan và các nước khác trong khu vực đến tham quan, làm cho nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch nổi bật nhất châu Á vào mỗi dịp đầu năm.

Từ năm 2001, Cao Hùng, thành phố lớn thứ hai Đài Loan cũng bắt đầu tổ chức các lễ hội đèn lồng hàng năm. Lễ hội đèn lồng Cao Hùng được tổ chức dọc theo dòng sông tình yêu chảy qua thành phố.

Niềm tin của người dân Đài Loan gửi gắm trong lễ hội đèn lồng

Người dân tin rằng những chiếc lồng đèn sẽ mang lời nguyện ước của họ đến với các vị thần trên thiên thượng.(Ảnh: Internet)

Có một loại đèn lồng đặc biệt tên là lồng đèn chỉ thiên ở Bình Khê, thành phố Tân Bắc. Nó được làm bằng khung (thường là tre nhưng ngày nay một số được làm bằng khung thép mỏng) được bao phủ bằng giấy hoặc một lớp vải mỏng. Bên trong lồng đèn là một bấc tẩm dầu.

Khi đốt bấc đèn bên trong, toàn bộ lồng đèn được không khí nóng lấp đầy và bay lên trời. Người ta tin rằng lồng đèn chỉ thiên là một phát minh của Khổng Minh (181-234 SCN), một nhà chiến lược quân sự, học giả, kỹ sư, chính trị gia nổi tiếng thời Tam Quốc. Do đó nó còn có tên khác là “Đèn Khổng Minh”.

Người ta tin rằng những chiếc đèn lồng này lần đầu tiên được sử dụng như một phương tiện truyền tín hiệu trong quân đội giữa các địa điểm đóng quân. Ở Bình Khê, những chiếc đèn lồng chỉ thiên được dùng trong các khu vực miền núi xa xôi, nơi dễ xảy ra các vụ cướp bóc. Người dân ở đây trong quá khứ, để chuyển tải thông điệp an toàn tới các vùng lân cận họ thường thả các lồng đèn lên trời.

Ngoài ra trong các Lễ hội đèn lồng truyền thống hàng năm, việc thả đèn lồng lên trời cũng được xem như tập tục mang lại nhiều điều tốt lành và may mắn. Ngày nay người ta còn viết những mong muốn trong năm mới lên những chiếc đèn lồng và thả chúng lên bầu trời. Họ tin rằng những chiếc lồng đèn sẽ mang lời nguyện ước của họ đến với các vị thần trên thiên thượng.

Ngoài lễ hội đèn lồng, có rất nhiều lễ hội đầy màu sắc, kỳ lạ và thú vị khác vòng quanh Đài Loan vào tháng Giêng âm lịch. Đó là thời gian tuyệt vời cho những du khách muốn trải nghiệm văn hóa đích thực, lòng mến khách, các phong tục và món ăn truyền thống trong mùa lễ hội của Đài Loan.

Với những ai đang tìm kiếm một kỳ nghỉ để trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, Đài Loan chắc chắn là một nơi bạn không muốn bỏ lỡ!

Theo Go2taiwan.net