Ở những vùng giá rét nhất trên thế giới, người dân có những phương thức đặc biệt để đối phó với cái lạnh. Chống đỡ với giá rét suốt mùa đông dài ngoài việc mặc đủ ấm ra thì thực phẩm là một trong những cách hiệu quả giúp cơ thể có đủ năng lượng giữ ấm từ bên trong.
Dưới đây là mọt số món ăn ‘chống rét’ giữ gìn sức khỏe vào mùa đông của các quốc gia trên thế giới
Trung Quốc
Để chống lại cái lạnh, súp thịt cừu hầm là món ngon bổ dưỡng được người dân Trung Quốc rất “tín nhiệm” trong những ngày mùa đông. Theo họ, đây là một cách tuyệt vời để cung cấp chất dinh dưỡng và tăng tuần hoàn máu.
Khi nhà có khách, họ sẽ làm một nồi lẩu cừu cay để vừa chống rét, vừa có thời gian nhâm nhi.
Ngoài ra, theo một giai thoại, vào ngày Đông Chí hàng năm, người dân Trung Quốc còn ăn sủi cảo, vừa để chống rét, vừa để tưởng nhớ Trương Trọng Cảnh, một lương y của đời nhà Đông Hán (150- 215).
Chuyện kể rằng sau khi từ quan trở về quê nhà, Trương Trọng Cảnh thấy người dân quê ông bị cước tai.
Vậy là ông nghĩ ra cách gói các loại thảo mộc vào vỏ bột mỳ có hình tai người, sau đó luộc lên và gửi cho người nghèo, giúp họ chữa bệnh cước tai. Đó chính là món sủi cảo.
Trong những ngày trời lạnh, còn có một món được người Trung Quốc ưa chuộng nữa, đó là súp trứng gà, với các thành phần như trứng gà, bột bắp, hạt tiêu. Người ta còn có thể cho thêm gừng và cà ri để tăng sức đề kháng.
Với các món tráng miệng, người Trung Quốc sẽ ăn món tàu hũ nước đường, với vị gừng cay nồng không thể thiếu. Đây là món ăn không chỉ phổ biến ở miền Nam Trung Quốc mà còn được ưa chuộng ở Đài Loan và các quốc gia Đông Á.
Bên cạnh đó, cũng giống như Việt Nam, khoai lang nướng là thứ người dân ở miền Bắc Trung Quốc không thể bỏ qua trong mùa đông.
Nhiệt độ càng thấp thì những người bán rong trên phố càng bán được nhiều món ăn vừa ngon, vừa giúp giữ ấm này.
Nga
Mùa đông của xứ sở Bạch Dương không thể thiếu một món ăn truyền thống, đó là món súp.
Người Nga ăn nhiều loại súp khác nhau. Trước Giáng sinh thì họ thường ăn các loại súp nhẹ, được chế biến từ nước dùng, rau và các loại ngũ cốc. Còn sau Giáng sinh, họ sẽ ăn các loại súp thịt.
Khi đó, ngoài rau bắp cải, họ sẽ còn cho vào món súp dưa muối với thận bò (Rassolnik) hoặc lợn, súp với ớt, thịt, cá hoặc nấm (súp cay Solyanka).
Tất cả các món ăn này đều rất bổ dưỡng và được ăn khi còn bốc khói, giúp cơ thể nóng lên.
Về đồ uống, người Nga thường không uống trà, mà uống sbiten, với các thành phần là mật ong, bạc hà, quế…. thơm ngon và rất phù hợp cho những ngày trời lạnh.
Ngoài sbiten, họ còn uống rượu vang nóng, chính là rượu vang đỏ được hâm nóng với các vị cam, quế, hồi, nụ đinh hương…. được cho thêm vào để tăng thêm hương vị và có tác dụng giữ ấm.
Vùng Siberi
Cũng là một trong những vùng băng giá nổi tiếng của Nga, ở đây người ta ăn không chỉ để thưởng thức, mà còn để chống chọi với cái lạnh khủng khiếp lên tới âm 40 độ, để tồn tại.
Ở Siberi có một món ăn là pelmeni, còn được gọi là “sủi cảo Nga” với các thành phần chính là thịt lợn, thịt cừu hoặc thịt hươu xay nhỏ cùng gia vị là tiêu, tỏi, sau đó được bọc trong vỏ bánh làm từ bột mỳ, trứng rồi đem hấp lên.
Người Siberi còn rất thích ăn cá, đặc biệt là cá hồi Omul vì nó là đặc sản của hồ Baikal ở đây. Họ có món “Cá hồi Omul hun khói” rất nổi tiếng.
Ngoài ra với người Siberi, trứng cá hồi không phải là một loại đặc sản, mà là thức ăn hàng ngày. Họ có thể chế biến món bánh trứng cá hồi, gồm hỗn hợp trứng cá hồi trộn hành tây, hạt tiêu và một chút bột mỳ rồi rán lên, ăn nóng.
Người dân Siberi còn có một món ăn kèm tên là Sauerkraut (tương tự như món dưa muối của Việt Nam), giúp họ có đủ vitamin, giúp tiêu hóa tốt, tăng cường sức đề kháng và khỏe mạnh hơn trong mùa đông.
Thành phần của món Sauerkraut bao gồm cải bắp, cà rốt, táo, dâu tây, dâu lingon, nam việt quất.
Mông Cổ
Là một thảo nguyên mênh mông bát ngát, Mông Cổ là một trong những nơi lạnh nhất thế giới, nên người dân nơi đây đã trữ sẵn bí quyết chống rét bằng đồ ăn từ bao năm nay.
Do điều kiện khắc nghiệt, rau là một thực phẩm hiếm hoi ở đây, vì thế, người Mông Cổ cho rằng “rau cỏ là để dành cho gia súc, thịt mới dành cho con người“. Vào mùa đông, họ ăn nhiều thịt, đặc biệt là thịt ngựa để có nhiều năng lượng.
Ngoài ra, bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc, họ cũng ăn bánh sủi cảo (buuz) và các món lẩu như lẩu cay, với các thành phần như thịt bò, cừu, nước dùng, mỳ, gia vị…. trong những ngày đông giá rét.
Ngoài ra, một số món ăn sau đây cũng có tác dụng giữ ấm cho cơ thể lại dễ thực hiện:
Bổ sung cho cơ thể những siêu thực phẩm giàu dưỡng chất, giàu chất chống oxy hóa và có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch. Cơ thể khỏe mạnh và có hệ miễn dịch tốt mới có thể chống đỡ giá rét tốt. Những đồ uống nóng hổi hay thực phẩm nấu chín sau sẽ giúp bạn ấm áp suốt cả một mùa đông dài.
Cháo bột yến mạch
Cháo bột yến mạch là thứ đồ ăn rất phù hợp khi thời tiết ngày càng lạnh dần. Loại cháo này được chế biến từ ngũ cốc nên giàu chất xơ, các loại protein từ thực vật. Do vậy mà chỉ cần ăn một bát cháo yến mạch cũng có thể giúp bạn có đủ năng lượng suốt một thời gian dài.
Khi nhắc đến thành phần của cháo bột yến mạch không thể bỏ qua tinh bột. Những nghiên cứu trong dinh dưỡng đều chỉ ra rằng: chỉ cần 3g tinh bột trong thành phần của cháo bột yến mạch mỗi ngày sẽ giúp cơ thể chúng ta giảm từ 5 – 10% lượng cholesterol xấu.
Để món cháo bột yến mạch trở nên dinh dưỡng hơn, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên dùng thêm một số thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như bơ hạnh nhân, hạt Chia –loại thực phẩm chứa nhiều khoáng chất, đạm nhưng không chứa cholesterol.
Cacao nóng
Một cốc cacao nóng cũng đủ khiến cơ thể ấm áp trong ngày đông giá rét. Bạn chỉ cần pha đường, kẹo dẻo marshmallow, 2 thanh socola đen với sữa hạnh nhân rồi khuấy đều.
Ngoài ra, nếu sử dụng socola đen trong các bữa ăn hàng ngày cũng cải thiện sức khỏe đáng kể. Một loại flavonoids có trong thành phần của cacao là chất chống oxy hóa có tác dụng làm giảm những nguy hại từ các gốc tự do – mầm mống của bệnh tim mạch, và bệnh ung thư. Cũng nhờ cacao có chứa flavonoid nên các tế bào máu ít bị ảnh hưởng bởi các gốc tự do.
Ớt
Qủa ớt, một gia vị được chế biến trong những món canh, hầm chứa hợp chất có tên là capsaicin giúp hương vị món canh nhà bạn thêm cay, nóng, đậm đà, thúc đẩy quá trình trao đổi chất cũng như hạn chế sự tích tụ chất béo.
Vị cay, nóng của quả ớt làm nóng cơ thể. Đối với những món ăn giàu chất béo thì capsaicin sẽ giảm trọng lượng cơ thể tới 8%. Theo các nhà nghiên cứu tại Hàn Quốc thì hạt trong quả ớt chứa protein nên nhờ đó mà các cơ luôn săn chắc.
Khoai lang
Một củ khoai lang nướng nóng hổi cũng có thể làm ấm cơ thể ngay lúc đó. Tương tự quả bí ngô, khoai lang đặc biệt giàu vitamin A. Chỉ cần 1 củ khoai nướng trung bình cũng mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể. Hơn thế nữa, trong thành phần của khoai lang còn có vitamin C, kali, canxi, và ít sắt.
Khoai lang nướng gần như lượng calo rất thấp. Nên tránh các loại bơ thực vât, các chất béo từ bơ rắc lên miếng khoai. Điều chắc chắn là ăn khoai lang chống ung thư rất hiệu nghiệm.
Trà gừng
Tính chất của gừng là sinh nhiệt nên giúp giữ ấm cho cơ thể. Cững từ đặc tính này nên gừng còn có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường lưu thông máu.
Thực tế cho thấy những người uống trà gừng nóng buổi sáng thấy không bị đói. Điều cuối cùng là trà gừng còn có tác dụng giảm đau nhức sau những lần tập luyện với cường độ cao.
Chúc Di (t/h)