Trong lịch sử đã từng xuất hiện rất nhiều bậc kỳ tài có thể nhìn thấu được bức màn sương mờ của tương lai, để lại cho hậu thế những lời tiên đoán chuẩn xác. Nhưng vào thời điểm đó thì con người ta lại không tin, cho đến khi nó thật sự xảy ra thì mới cảm thấy bàng hoàng.
Sau đây là một vài ví dụ về những tiên đoán vô cùng chuẩn xác của những bậc kỳ tài trong lịch sử Trung Quốc:
Lời tiên đoán của cháu ngoại Đỗ Tông
Có một câu chuyện được viết trong cuốn “Thái Bình Quảng Ký” như sau: Vào thời Đường, Đỗ Tông và Lý Đức Dụ đều cùng làm quan ở Trung thư tỉnh.
Một hôm, Lý Đức Dụ nói với Đỗ Tông rằng:
“Nghe cao nhân nói rằng nhà của ngài có kỳ nhân, sao không đưa người đó đến đây để ta xem thử?”
Đỗ Tông đáp: “Nhà của ta làm gì có kỳ nhân nào?”.
Lý Đức Dụ tiếp lời: “Ngài nghĩ kỹ lại xem!”
Đỗ Tông ngẫm một lúc rồi quả quyết: “Gần đây nhà ta chỉ có đứa cháu ngoại mới đến, nó tự xưng là từ phương xa đến để cầu quan”.
Lý Đức Dụ gật gù: “Vậy là đúng rồi!”.
Sau cuộc trò chuyện với Lý Đức Dụ hôm đó, đợi ông ta ra về rồi, Đỗ Tông bèn cho người gọi cháu trai của mình đến nhà của Lý Đức Dụ một chuyến, chủ yếu là để cho Lý Đức Dụ từ bỏ cái ý nghĩ kia đi.
Khi về đến nhà, Đức Dụ thấy cháu trai của Đỗ Tông ghé thăm thì tỏ ra vui mừng lắm. Không lòng vòng, ông đi thẳng luôn vào vấn đề, hỏi cậu ta về vận mệnh làm quan của mình thế nào?
Cháu ngoại của Đỗ Tông đáp:
“Thái úy địa vị cực cao, điều này còn phải hỏi sao? Phàm những chuyện rất nhỏ cũng đã có sẵn định số, huống hồ công huân tước vị? Trưa mai có một con bạch thú sẽ chui từ căn phòng phía Nam chui vào, lại có một đứa trẻ cột tóc hai đuôi mặc đồ tím, khoảng bảy tuổi, cầm theo gậy trúc dài năm thước chín đoạn đánh đuổi con bạch thú;
Bạch thú vẫn chui ra từ căn phòng phía Nam như cũ, đứa trẻ không phải người nhà của tướng công. Nếu tướng công không tin, xin trưa mai hãy nấp một bên âm thầm quan sát”.
Trưa hôm sau, Lý Đức Dụ nghe lời ẩn thân quan sát, quả nhiên có một con mèo trắng chui vào căn phòng phía Nam và một đứa trẻ mặc đồ tím, cột tóc hai đuôi đang đuổi theo con mèo đang chạy ra khỏi căn phòng phía Nam.
Lúc bấy giờ, Lý Đức Dụ từ chỗ núp đi ra, gọi đứa trẻ lại rồi hỏi nó bao nhiêu tuổi.
Đứa trẻ đáp: “Bảy tuổi”.
Sau đó, Lý Đức Dụ thử ước lượng chiều dài cây gậy trúc mà đứa trẻ mang theo, quả nhiên là năm thước chín đoạn. Đứa trẻ này là con của người hàng xóm tên là Nguyên Tòng. Lời của cháu ngoại Đỗ Tông nói không sai chút nào, hóa ra thật sự chuyện gì cũng đều có định sẵn từ trước!
Ngay cả những chuyện nhỏ nhặt cũng đã được trời xanh an bài theo thứ tự chặt chẽ đến như thế, vậy những chuyện đại sự liên quan đến an nguy của tính mạng, sự thịnh suy của triều đại, lẽ nào lại không tồn tại vấn đề thiên ý? Cổ nhân từng nhiều lần nhắc nhở chúng ta rằng cần phải thuận theo ý trời mà làm, xem ra đây không phải là việc mê tín.
Lời tiên đoán của ‘bảo chất đồng tử’
Theo “Sưu Thần Ký”, nước Ngô vào thời Tam Quốc vì mới lập nước không lâu, không dám tin vào các triều thần nên bất kỳ ai đảm nhận vai trò bảo vệ biên giới thì đều phải để vợ và các con mình ở lại đô thành làm con tin.
Những đứa trẻ bị giam lỏng trong thành này được gọi là “bảo chất đồng tử”. Mỗi ngày đều có khoảng mười mấy đứa trẻ như vậy tụ họp cùng nhau chơi đùa rất vui vẻ.
Đến tháng 2 năm Vĩnh An thứ 3, tức là những năm do hoàng đế Tôn Hưu nhà Đông Ngô cai trị, có một đứa trẻ khác thường đột nhiên chạy vào trong đám trẻ ấy cùng nhau vui đùa. Đứa trẻ bề ngang khoảng bốn thước, tầm sáu bảy tuổi, mặc đồ màu xanh, không ai biết cậu bé là ai.
Đám trẻ thấy lạ bèn nhao nhao hỏi: “Ngươi là con của nhà ai, sao hôm nay đột nhiên đến làm bảo chất đồng tử?”
Đứa trẻ ấy cười đáp: “Ta thấy các ngươi chơi cùng nhau vui như vậy nên ta đến chơi cùng thôi!”.
Đám trẻ hiếu kỳ lại gần quan sát kỹ hơn thì phát hiện trong mắt của đứa trẻ lạ này có hào quang lấp lánh phát ra. Bọn trẻ trong làng thấy điều khác thường nên cũng bắt đầu hoảng sợ, nhao nhao truy hỏi đứa trẻ rốt cuộc là con của ai?
Đứa trẻ lạ này liền đáp: “Các ngươi sợ ta sao? Ta không phải là người, ta là Huỳnh Hoặc Tinh trên trời, ta muốn nói cho các ngươi biết một chuyện, rằng: Tam công sẽ quy về Tư Mã”.
Lúc này đám trẻ con vô cùng kinh ngạc, có đứa chạy về nhà nói với người lớn, thế là rất đông người đã nhanh chóng kéo đến xem.
Đứa trẻ nói: “Thôi ta không chơi với các ngươi nữa!”
Dứt câu, đứa trẻ lạ bay thẳng lên trời, lập tức hóa thành tia sáng vụt mất. Mọi người ngước lên nhìn, phía sau hào quang đó kéo thành một vệt dài, tựa như một cuộn vải trắng bay lên trời. Những người lớn khi chạy đến xem cũng chứng kiến được sự kỳ lạ ấy. Hào quang càng bay càng cao, dần dần thì không nhìn thấy được nữa.
Lúc ấy, do lo sợ bị vua trách phạt nên người dân cũng không ai dám bàn về chuyện kỳ lạ này nữa.
Bốn năm sau, quả thật nước Thục bị diệt vong, 6 năm tới thì nước Ngụy, 21 năm tiếp là đến Ngô. Ba nước quy về thời đại của dòng họ Tư Mã, quả thật ứng nghiệm lời tiên đoán của cậu bé tự xưng là Huỳnh Hoặc Tinh.
Trong lịch sử, triều đại nào cũng từng tung hô “vạn tuế” nhưng thật sự chẳng có triều đại nào kéo dài đến “vạn tuế” được. Rốt cuộc chuyện thay triều đổi đại vẫn luôn luôn xảy ra.
Như vào năm 2002, người ta phát hiện có một hòn đá khổng lồ kỳ lạ ở huyện Bình Đường tỉnh Quý Châu Trung Quốc. Một vết nứt vỡ được hình thành từ 500 năm trước đây trên tảng cự thạch đã để lộ ra 6 chữ Trung Quốc, khắc nổi trên mặt đá như thể được viết bằng bút lông, “Trung Quốc Cộng sản Đảng vong” (nghĩa là “Đảng Cộng sản Trung Quốc diệt vong”).
Riêng chữ “vong” trông đặc biệt lớn, và chữ “đảng” là từ viết tắt của từ “Cộng Sản Đảng”. Khối đá “Tàng Tự Thạch” này từng được giám định bởi các chuyên gia Trung Quốc, đó là do thiên nhiên tạo thành cách đây 270 triệu năm, và 6 chữ trên tảng đá này cũng có cùng niên đại. Thời gian đó, lẽ nào lại có Cộng sản Đảng, đây chẳng phải là ý trời?
Lời tiên đoán của ni cô thời Đường
Theo “Tân Đường Thư”, vào thời của Võ Tắc Thiên, tể tướng Ngụy Huyền Đồng đã nhắm được con trai của Bùi gia làm rể quý, nhưng do con gái ông còn nhỏ, vẫn chưa đến tuổi kết hôn nên đành đợi cho đến khi đủ tuổi sẽ gả cho nhà họ Bùi.
Tuy nhiên, chuyện vẫn chưa kịp thành thì Ngụy Huyền Đồng bị ác quan bịa đặt hãm hại phải vào nhà lao, cả nhà ông cũng bị đày đến Lĩnh Nam. Đến khi được miễn xá trở về phía Bắc thì con gái đã lớn, cũng nên gả đi rồi.
Người trong nhà lúc này mới bàn bạc với nhau rằng, ngay cả quần áo lương thực cũng không đủ dùng, làm sao gả con gái đi được đây? Ác quan làm càn, lòng người thì chỉ biết a dua nịnh bợ, liệu thế gian vẫn còn có chính nhân quân tử không? Bùi gia sẽ làm sao để tuân thủ hôn ước? Chi bằng để con gái làm ni cô ở Lĩnh Nam, thì không cần phải bận tâm nữa rồi.
Nghĩ vậy, cả nhà ông liền chuyển hướng dự tính xem liệu có ni cô nào nguyện nhận con gái họ làm đệ tử không, thì từ đâu có một ni cô bên cửa bước vào nói: “Vị cô nương này phúc đức rất hậu, nhất định sẽ có được đấng quân lang như ý, con cháu đầy khắp thiên hạ, cô nương nên trở về Lĩnh Bắc”.
Người nhà thấy cao nhân Phật môn đã chỉ ra sai lầm cho mình thì từ đó không ai dám bàn đến chuyện cho con gái xuống tóc làm ni cô nữa.
Ngụy gia sau đó chuyển đến Kinh Môn thì quả thật Bùi gia đã mang theo lễ vật chờ họ từ rất lâu rồi. Con gái của Ngụy gia được gả vào Bùi gia quả thật con cháu đầy đàn, Bùi gia cũng trở thành một danh gia vọng tộc.
Có thể thấy, con người mê lạc nơi thế gian nên sẽ rất khó nhìn thấy được tương lai, khiến con đường nhân sinh phải rẽ sang hướng khác. Những dự ngôn có thể giúp con người đưa ra những lựa chọn đúng đắn vào thời khắc then chốt, để họ không phải ôm giữ hối tiếc trọn đời.
Lời tiên đoán của đạo sĩ Minh triều
Theo cuốn “Minh Sử” ghi chép lại, những năm cuối của triều Minh, có một vị đạo sĩ ca xướng náo nhiệt cả kinh thành, ông xướng rằng: “Ủy quỷ đương đầu tọa, gia hoa biến địa sinh”. Khi ấy, mọi người đều cảm thấy đó là những lời rất khó hiểu.
Sau đó, Minh Hy Tông kế vị, Hy Tông thường đi cùng nhũ mẫu Khách Thị và thái giám Ngụy Trung Hiền, ông vô cùng tín nhiệm hai kẻ gian thần này. Kết quả Ngụy Trung Hiền và Khách Thị thừa cơ trộm quyền loạn chính, tạo ra Yêm Đảng khiến giang sơn Đại minh hỗn loạn đến chướng khí mù mịt.
Những nơi mà Ngụy Trung Hiền đi qua, đều ép các sĩ phu phải quỳ xuống xếp thành hàng, cùng tung hô “cửu thiên tuế”. Cả nước khắp nơi đều khởi công xây dựng đền thờ Ngụy Trung Hiền, ca ngợi công đức của hắn, đâu đâu cũng có những việc làm mất hết liêm sỉ.
Tương truyền rằng, có một bức tượng của Ngụy Trung Hiền mà đầu được khắc lớn hơn một chút nên chuỗi ngọc trên mũ miện không gắn lên được. Người thợ trong tình huống cấp bách đã gọt cái đầu tượng nhỏ hơn một chút. Chuyện sau đó bị Ngụy Trung Hiền phát hiện, người thợ lo sợ bị trách phạt nên đã phải đau khổ khóc lóc quỳ trước mặt ông ta ba ngày ba đêm liền, mới được coi là “ăn năn” hợp cách, bảo vệ được tính mạng cả nhà.
Mọi người lúc bấy giờ mới chợt hiểu ra: “Ủy quỷ đương đầu tọa” là chỉ Ngụy Trung Hiền độc tài triều chính.
Còn vế sau “Gia hoa biến địa sinh”, có người nói là để chỉ “Khách Thị”, khi đó chữ “Khách” (ke) còn được đọc là “Giai” (jie), mà chữ “Gia” (jia) vào lúc đó lại đồng âm với chữ “Giai”; lại có người nói 2 chữ “Khách Thị” (客 氏) viết ra nhìn rất giống chữ “Gia Hóa” (加 化), mà chữ “Gia Hóa” lại giống như chữ “Gia hoa” (茄 花).
Khi đó hoạn quan đầy cả triều, khắp nơi đều có, thật sự là “Ủy quỷ làm đầu ngồi, hoa cà tím nở khắp nơi”. Đạo sĩ tiên đoán vỏn vẹn vài từ nhưng lại có thể biểu thị được thời cục, có thể nói là vô cùng xảo diệu.
***
Cả trong và ngoài Trung Quốc đều có rất nhiều người tu đạo để lại vô vàn lời tiên đoán cực kỳ chuẩn xác, như “Mai Hoa Thi” của Thiệu Ung, “Thôi Bối Đồ” của Lý Thuần Phong, dự ngôn của Nostradamus, sách Khải Huyền, v.v. đều có tiên đoán về những ác bang loạn đảng làm loạn Trung Hoa, mê hoặc nhân gian, cuối cùng phải chịu diệt vong.
Trong lịch sử, những kẻ tàn ác bức hại người dân, bức hại chính quyền chính tín, mặc dù hung hăng nhất thời nhưng cuối cùng cũng sẽ bị ông trời trừng phạt.
Chúc Di (Theo Secret China)