Tiền ảo được đánh giá là phương thức thanh toán tiện lợi và có thị trường giao dịch nở rộ. Song nguy cơ, mặt trái, và mục đích thật sự của loại tiền này là gì thì không phải ai cũng nắm bắt được(*).
1. Giá trị thật của tiền ảo? Mục đích cuối cùng của những người tạo ra tiền ảo là gì?
Tiền ảo là gì?
Tiền ảo, còn gọi là tiền mã hóa (cryptocurrency), ra đời vào năm 2008 dựa trên nền tảng công nghệ khối chuỗi blockchain. Sở dĩ gọi là tiền mã hóa vì khi mã hóa được một “khối” (block) thì người mã hóa (hay còn gọi người đào tiền – Mine) sẽ được thưởng một lượng tiền theo đơn vị nhất định, người đào tiền được xác định quyền sở hữu của mình với lượng tiền ảo đó. Mỗi loại tiền ảo chỉ có một số lượng nhất định. Ví dụ như đồng Bitcoin bị giới hạn bởi 21 triệu bitcoin. Số lượng giới hạn này do thuật toán lập trình tạo ra.
Ai tạo ra tiền ảo và mục đích cuối cùng của tiền ảo?
Rõ ràng việc sở hữu tiền ảo chỉ đơn giản là sở hữu một mã hóa trên không gian mạng, mã hóa đó vốn không có chút giá trị gia tăng, giá trị sử dụng nào, cũng như không mang lại lợi ích kinh tế, xã hội. Thế nhưng tại sao con người lại có thể mang xác nhận sở hữu mã hóa của mình (là tiền ảo) để chuyển thành tiền thật, còn dùng để thanh toán, chuyển tiền?
Trong một nền kinh tế hoạt động bình thường, các giao dịch thanh toán, chuyển tiền đều phải thông qua các trung gian tài chính (như ngân hàng). Qua đó, mục đích, nguồn tiền và loại tiền giao dịch đều được ghi nhận. Có như vậy, các chính phủ mới bảo vệ được quyền lợi của người giao dịch, ngăn chặn các giao dịch chuyển tiền phi pháp từ tài trợ khủng bố, buôn bán vũ khí, ma túy, tham nhũng…
Tuy nhiên, luôn có một nhóm thế lực muốn tạo ra các công cụ tài chính độc lập không giao dịch qua ngân hàng, độc lập với chính phủ và nằm ngoài sự kiểm soát của luật pháp các quốc gia. Một trong số các công cụ đó là TIỀN ẢO.
2. Tiền ảo có nguy cơ gây hại tới nền kinh tế và thế giới này như thế nào?
Vì không thông qua ngân hàng nên tiền ảo là công cụ lý tưởng để các nhóm tội phạm, các nhà đầu cơ tài chính rửa tiền bẩn và đầu cơ, lừa đảo tài chính đa cấp. Ngoài ra, đào tiền ảo còn vô cùng có hại với môi trường.
Thứ nhất, là phương tiện rửa tiền bẩn
Khi tiền ảo được giao dịch, có thể quy đổi bằng tiền thật, khi đó tiền ảo trở thành phương tiện hoàn hảo để các tổ chức tội phạm quốc tế, các chính phủ tham nhũng rửa tiền bẩn. Chỉ cần đầu tư vào tiền ảo, thậm chí đăng ký đào tiền ảo, mua đi bán lại trong các tài khoản (được gọi là ví), tiền bẩn từ tham nhũng, buôn bán vũ khí, ma túy, tiền ăn cắp từ tài khoản tín dụng sẽ nghiễm nhiên trở thành tiền sạch, nguồn thu nhập chính đáng.
Thứ hai, là phương tiện đầu cơ bong bóng
Đầu cơ là tìm kiếm lợi nhuận từ việc tạo ra nguồn cầu tăng ảo, khiến giá cả tăng quá mức so với giá trị thực. Khi đó, lợi nhuận do kẻ đầu cơ kiếm được hoàn toàn bất chính, mang tính “lừa đảo tài chính”. Hầu hết các cuộc khủng hoảng tài chính đều xuất phát từ đầu cơ, có những nhà đầu tư không có mục đích đầu cơ nhưng lại bị dẫn dắt bởi những kẻ đầu cơ lớn, chuyên nghiệp và có thể dẫn dắt thị trường. Như ai cũng biết, tiền ảo hiện nay đã trở thành một phương tiện đầu cơ.
Thứ ba, lừa đảo tài chính đa cấp bằng tiền ảo
Tiền ảo còn được tạo để trở thành công cụ huy động vốn đa cấp trên thị trường tài chính.
Trên thị trường chứng khoán, nơi các công ty niêm yết kêu gọi vốn nhàn rỗi của các nhà đầu tư để mua cổ phiếu, trái phiếu của công ty mình, các công ty sẽ sử dụng số tiền huy động được để quay lại đầu tư mở rộng kinh doanh.
Để bảo vệ các nhà đầu tư, thì các sàn giao dịch chứng khoán cần phải đảm bảo công khai, minh bạch thông tin tài chính, quản trị của doanh nghiệp niêm yết. Dựa vào các thông tin được thẩm định này, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc việc bỏ vốn đầu tư vào doanh nghiệp nào có uy tín, mức sinh lời tốt.
Bên cạnh đó, để đảm bảo việc giá cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết không bị chính những ông chủ doanh nghiệp đó (những người cần huy động tiền) thao túng, đảm bảo tiền huy động từ thị trường tài chính được các ông chủ đó dùng hợp pháp, đúng mục đích, các cơ quan quản lý đã đưa ra hàng loạt yêu cầu khắt khe với các ông chủ doanh nghiệp khi họ huy động vốn. Ví dụ như: doanh nghiệp phải công khai tài chính, chiến lược kinh doanh, các hành vi mua bán, trao đổi, chuyển nhượng cổ phần trên thị trường…
Rốt cuộc, tất cả các yêu cầu này với doanh nghiệp muốn huy động vốn nhằm đảm bảo “minh bạch thông tin” để bảo vệ nhà đầu tư tài chính, bảo vệ tính liêm chính, đạo đức của thị trường tài chính. Mặc dù bề mặt khá chặt chẽ như vậy, nhưng đã có rất nhiều vụ án làm tăng giá cổ phiếu ảo kiếm lời bất chính hoặc kinh doanh giả nhưng huy động vốn thật trên TTCK đã bị phanh phui, bị hình sự hóa, và ngày càng phức tạp.
Thế nhưng, bởi nhiều lý do, tiền ảo không có một hệ thống bảo vệ chặt chẽ và hợp pháp. Ngoài ra, sở hữu tiền ảo không gắn liền với bất kỳ một doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cho xã hội giống như sở hữu cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán.
Người huy động vốn từ tiền ảo (công ty phát triển tiền ảo) sẽ không bị ai quản lý, không phải công khai, minh bạch bất cứ thông tin gì. Do vậy, việc các công ty tạo ra tiền ảo để huy động vốn thường bắt tay với các sàn giao dịch để tạo ra đội “cá mập”. Đội này sẽ mua bán trao đổi với nhau, tạo ra các giao dịch ảo, mức giá ảo để khiến người đầu tư bên ngoài, ít thông tin nhìn vào thấy rằng đồng tiền ảo A có thể nhiều người muốn đầu tư, mình có kiếm lời từ việc mua đi bán lại.
Nhưng điều đó cũng không đủ để huy động vốn vào những đồng tiền ảo thứ hạng thấp hoặc các dự án tiền ảo còn mới bắt đầu, đặc biệt tại một sàn giao dịch uy tín thấp. Do vậy, đối với các coin rác (những loại tiền ảo có giá trị nhỏ và nằm ở đáy bảng xếp hạng), để có thể huy động tài chính thành công, thì phải dùng đến hình thức “đa cấp tài chính” để hấp dẫn nhà đầu tư.
Thực ra, ngay cả với đồng Bitcoin – đồng tiền ảo hấp dẫn giới đầu tư nhất thế giới – cũng được nhiều chuyên gia tài chính nhận định là giống như một chương trình đa cấp, cụ thể là đa cấp tài chính, lý do là các giao dịch Bitcoin vô cùng đắt, tất cả các giao dịch tài chính đều bị ẩn đi qua cơ chế tiền ảo (Theo CNBC). Như vậy, mô hình đa cấp tài chính dường như không chỉ đặt nghi vấn riêng cho Flash coin – loại blockchain được thiết kế cho các giao dịch nhỏ và nhanh – mà dưới góc nhìn chuyên gia tài chính, là với mọi đồng tiền ảo đang phát hành hiện nay.
Trong mô hình “đa cấp tài chính”, người ta sẽ tạo ra cầu ảo để hấp dẫn nhà đầu tư. Chính doanh nghiệp phát hành coin sẽ vay lại coin từ người đào coin, người sở hữu coin, hoặc mua quyền sở hữu coin trong tương lai (giống như mua căn hộ chung cư nhưng chung cư chưa xây). Khi cho vay, người sở hữu coin hiện tại hoặc trong tương lai sẽ ngay lập tức nhận được một khoản tiền lãi, đồng thời vẫn giữ quyền sở hữu coin.
Như vậy, nhà đầu tư không chuyên sẽ có cảm giác nhu cầu về loại coin họ sở hữu rất cao, hiệu quả sinh lời rất lớn, bản thân họ sẽ dùng tiền thật để đầu tư thêm vào tiền ảo, thậm chí có thể kêu gọi bạn bè đầu tư thêm vào vì lợi nhuận quá cao. Thực tế, vì không có bên thứ 3 giám sát, nên các nhà đầu tư sẽ không biết được trong các giao dịch tiền ảo, dòng tiền đi như thế nào. Thế nên, cầu về tiền ảo thực sự vô cùng ẢO, ngay cả đối với cầu của đồng Bitcoin.
Vậy doanh nghiệp phát hành coin này vay lại coin để làm gì? Có phải là để quay vòng coin cho các nhà đầu tư mới? Thực chất là để tăng cầu ảo về coin của chính họ, dùng chính tiền của nhà đầu tư để trả lãi cho họ, từ đó tạo một cảm giác ảo rằng lợi nhuận từ kinh doanh tiền ảo rất lớn. Các nhà đầu tư thấy thế sẽ nỗ lực lôi kéo bạn bè, gia đình tham gia. Càng nhiều người tham gia, thị trường càng sôi động, giá tiền ảo càng cao và thời gian mà đồng tiền ảo đó có thể “sống” trên thị trường càng lớn.
Dĩ nhiên, toàn bộ tiền huy động (lượng tiền vốn hóa trên sàn) sẽ rơi vào nhóm “cá mập” – liên kết giữa doanh nghiệp phát hành tiền ảo và sàn giao dịch tiền ảo. Vì không thể mãi mãi trả tiền lãi vay coin cho nhà đầu tư, nên tiền ảo chỉ có thể tăng giá đến một mức nhất định. Sau đợt huy động mang tính đa cấp này, giá trị tiền ảo sẽ lao dốc không phanh, biến thành tiền rác, thành tiền ảo chết. Những người mua coin khi giá coin đang lên mà đến lúc đó vẫn còn giữ tiền ảo trong tay sẽ là nhóm người bị thiệt hại nhiều nhất.
Cuối cùng, tiền ảo tiêu tốn một nguồn năng lượng điện khổng lồ.
Một giao dịch bitcoin cần lượng điện năng bằng 9 ngôi nhà ở Mỹ dùng trong 24 giờ. Theo một nghiên cứu trước đây, việc đào Bitcoin (quá trình sản xuất Bitcoin) hiện nay tiêu tốn một lượng điện bằng với lượng điện mà cả nước Đan Mạch tiêu thụ trong vòng một năm. Việc khai thác Bitcoin thậm chí còn sử dụng nhiều điện hơn các quốc gia như Ireland, Serbia hay Bahrain.
Năm 2020, khai thác mỏ Bitcoin tiêu thụ lượng điện gần tương đương với lượng điện dùng cho cả thế giới. 60% thu nhập của người đào Bitcoin sẽ trả cho các chi phí hoạt động, bao gồm cả hóa đơn tiền điện.
Ngoài ra, nền kinh tế thế giới đang còn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng hóa thạch nên việc Bitcoin tiêu thụ điện nhiều như vậy chắc chắn sẽ làm tăng lượng khí CO2 và mức tiêu thụ than đá, dầu mỏ… Đó chính là thảm họa đối với Trái Đất.
(*) Một số tiền ảo để làm công cụ như đánh dấu tín chỉ, trao đổi tín chỉ thay cho tiền mặt và sau này hãng phát hành chuyển thành tiền mặt sau (không có đầu cơ, như đồng tiền Facebook sắp phát hành) thì không nằm trong phạm vi bài viết.
Thiên Bảo