|
Ông Khuất Việt Hùng – Ảnh: Nguyễn Quang |
“Việc này chúng tôi đề nghị vì bức xúc qua nhiều vụ tai nạn, vì chết nhiều người lắm rồi. Ủy ban An toàn giao thông đã có nghiên cứu kỹ chứ không phải tự dưng lại đi đề xuất như thế” – ông Hùng nói.
* Ông nói có cơ sở pháp lý mới đề xuất, vậy cơ sở pháp lý là những quy định nào, thưa ông?
– Chúng tôi hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý chứ không thể tự ý đưa ra được. Cụ thể hiện nay theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, tại điều 26 đã quy định rõ:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước tang vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại điều 82 của luật này (quy định rõ về loại tang vật, thủ tục xử lý tang vật bị tịch thu…).
|
Chiếc ôtô này tông vào dải phân cách trên đường Võ Văn Kiệt (Q.5, TP.HCM) do tài xế say rượu – Ảnh: Hữu Khoa |
* Ai, cơ quan đơn vị nào sẽ đứng ra tịch thu xe trong trường hợp tài xế say xỉn nặng?
– Liên quan tới thẩm quyền của người tịch thu, Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rõ là chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện được phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Trong đó, điều 38 quy định rõ cấp xã không được phạt tiền và tịch thu tang vật trị giá vượt quá 5 triệu đồng, cấp huyện không được phạt tiền và tịch thu tang vật trị giá vượt quá 50 triệu đồng.
Riêng chủ tịch UBND tỉnh được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không giới hạn về giá trị. Điều này thể hiện rõ trong điểm D, khoản 3 điều 38 của luật này.
* Có nhiều ý kiến thắc mắc sao không đề xuất mức phạt thật nặng đối với tài xế say xỉn mà lại đề xuất tịch thu xe?
– Nếu quy định thế thì đại gia lắm tiền nhiều của, ý thức chấp hành pháp luật kém sẽ vô tư vi phạm, sau đó sẵn sàng vung tiền ra nộp phạt. Và phạt bao nhiêu là nặng, bao nhiêu cho đủ được?
Trong văn bản đề xuất chúng tôi nêu rất rõ đầu tiên là tước giấy phép lái xe 2 năm, tịch thu phương tiện với trường hợp tài xế say xỉn nặng.
Còn tài xế vi phạm mức độ bình thường thì cứ chiếu theo quy định hiện hành xử lý, vi phạm nghiêm trọng gây chết người thì xem xét xử lý, truy tố hình sự.
|
Cũng cần nói thêm hiện nay tại một số quốc gia việc lái xe khi say xỉn người ta khép vào vi phạm hình sự như ở Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Ở Nhật, nếu lái xe uống rượu, lực lượng chức năng có thể phạt lái xe tới 5 năm tù, người cho mượn xe cũng bị phạt tương đương, thậm chí người cung cấp rượu cho lái xe say xỉn kia bị phạt tới 3 năm tù.
Mục tiêu của Ủy ban An toàn giao thông là đưa ra chế tài mạnh nhằm răn đe nghiêm, ngăn ngừa người dân vi phạm chứ không phải mục tiêu là đi tịch thu xe hay bán đấu giá để sung vào công quỹ.
Thông điệp chúng tôi muốn cảnh báo cho người dân là mức độ nghiêm trọng và hậu quả trước mắt, lâu dài của hành vi lái xe khi say xỉn.
Người lái xe khi say xỉn không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có nguy cơ đe dọa tới an toàn tính mạng, tương lai bản thân và gia đình mình, đe dọa tới tính mạng của người xung quanh.
* Nhiều ý kiến cho rằng tịch thu ôtô khi tài xế say xỉn nặng là không đúng vì nhiều trường hợp tài xế và chủ xe là hai người khác nhau. Ý kiến của ông thế nào?
– Việc tịch thu xe được áp dụng trực tiếp đối với người điều khiển xe vi phạm. Còn việc mượn xe là giao dịch dân sự, cá nhân người mượn xe (tài xế) là người chịu trách nhiệm dân sự với người cho mượn xe (người sở hữu).
Ví dụ một người mượn tài sản nhưng để xảy ra mất mát, hư hỏng thì việc thỏa thuận đền bù tài sản đó là giữa người mượn và người cho mượn.
Với việc xe bị tịch thu cũng vậy, nếu xe bị tịch thu vì hành vi vi phạm của người mượn xe thì chủ xe bảo vệ tài sản đó bằng thỏa thuận với người mượn xe, chứ không phải giải quyết với người thuộc lực lượng chức năng tịch thu xe.
Còn trong quy định tịch thu xe sẽ có việc bán đấu giá xe sung công quỹ. Người mượn xe nếu muốn đền xe cho chủ xe thì có thể bỏ tiền mua lại chiếc xe bán đấu giá đó.
* Theo ông, khi nào đề xuất trên có thể áp dụng vào thực tế?
– Quan điểm của chúng tôi là phải cùng nhau xây dựng, ủy ban chỉ là nơi kiến nghị giải pháp, còn việc quyết định là của Chính phủ. Trong văn bản kiến nghị chúng tôi đã nêu rõ: “Đề nghị Chính phủ đồng ý và giao các bộ ngành hướng dẫn thực hiện”. Nếu trong cuộc họp Chính phủ, các bộ ngành đồng ý thì Chính phủ sẽ quyết luôn.
Sau khi đồng ý, Chính phủ sẽ giao các bộ GTVT, Công an, Tư pháp hoàn thiện, đưa ra cơ chế, quy định cụ thể về xây dựng hướng dẫn và triển khai vào thực tế…
Còn quy định chi tiết về lực lượng tuần tra, kiểm tra, xử lý, hình thức cưỡng chế, tịch thu, tạm giữ phương tiện… sau khi có quyết định thực hiện sẽ có hướng dẫn cụ thể. Việc triển khai đồng loạt hay thí điểm, sau đó mở rộng sẽ do các bộ ngành căn cứ vào điều kiện cụ thể đề xuất với Chính phủ.
Một số nước đã tịch thu xe
Quy định về xử lý tài xế uống rượu rồi vẫn lái xe ở mỗi nước khác nhau. Điểm khác nhau cơ bản nhất là mức độ cồn trong máu như thế nào thì được xác định trong điều kiện cho phép. Theo đó, mức phạt cũng khác nhau.
Việc thu giữ xe trong trường hợp này chưa được áp dụng phổ biến tại các nước, nhưng cũng đã có nơi thực hiện.
Điển hình như ở Scotland, quy định tịch thu xe khi tài xế “quá chén” được áp dụng tại nước này từ năm 2009. Theo BBC, việc thu giữ phương tiện tại Scotland được áp dụng với ba trường hợp: lái xe vi phạm nhiều lần, lái xe vi phạm lần đầu nhưng có nồng độ cồn vượt mức cho phép gấp 3 lần trở lên và các lái xe không chịu kiểm tra nồng độ cồn (trừ các trường hợp có lý do hợp lý).
Luật này bắt đầu triển khai rộng ở Scotland từ mùa hè năm 2010. Kể từ đó tới nay đã có hơn 1.000 xe bị thu giữ. Các xe bị tịch thu nếu có giá trị sẽ được cảnh sát bán đấu giá, số khác bị tiêu hủy. Tiền thu được sung vào công quỹ.
Ngoài ra, nếu lái xe khi nồng độ cồn vượt mức cho phép, tài xế ở Scotland sẽ bị tước bằng lái, phạt lên tới 5.000 bảng Anh và còn có thể nhận bản án 6 tháng tù.
Các lái xe vô trách nhiệm còn phải đối mặt với án tù tối thiểu 20 năm nếu vi phạm quy định lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn vượt mức cho phép.
Ở Mỹ, việc tịch thu xe trong trường hợp tài xế say xỉn được thực hiện tại một số bang như California, Wisconsin. Bang Wisconsin hiện là bang duy nhất tại Mỹ vẫn áp dụng quy định tịch thu phương tiện với người điều khiển lần đầu vi phạm nồng độ cồn cho phép.
Ngoài ra, Ý cũng là nước có quy định tịch thu xe trong trường hợp lái xe có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.
D.KIM THOA
|
Sửa nghị định là có thể tịch thu xe
Tôi đồng tình với ý kiến của ông Khuất Việt Hùng là Luật xử lý vi phạm hành chính đã có quy định về việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nên việc đề xuất tịch thu xe khi tài xế say xỉn nặng là có cơ sở.
Theo nghị định hướng dẫn số 81/2013 của Chính phủ thì hành vi vi phạm hành chính được các nghị định xử phạt trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước quy định cụ thể sao cho tương ứng, phù hợp với tính chất vi phạm của hành vi đó.
Và như thế, hành vi nào là vi phạm hành chính nghiêm trọng sẽ được từng nghị định xử phạt quy định. Chẳng hạn, trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì hành vi nào là vi phạm nghiêm trọng, có thể bị tịch thu phương tiện sẽ do chính nghị định xử phạt lĩnh vực này quy định.
Nói vậy để thấy rằng nếu tại nghị định 171/2013 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), Chính phủ không xác định hành vi lái ôtô khi có nồng độ cồn trên 80mg/100ml trong máu hoặc vượt quá 0,4mg/ml khí thở là vi phạm hành chính nghiêm trọng thì tới đây, căn cứ vào yêu cầu của thực tế và đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Chính phủ hoàn toàn có quyền xác định lại về tính chất nghiêm trọng của hành vi để trên cơ sở đó tịch thu ôtô của người vi phạm.
Việc thay đổi này (chủ yếu xác định lại vi phạm nghiêm trọng, chứ còn yếu tố cố ý phạm lỗi trong trường hợp tài xế lái xe khi đã say xỉn nặng là quá rõ).
Riêng ý kiến lo ngại ôtô vi phạm có thể không phải của người gây tai nạn thì cách giải quyết trong trường hợp tài xế mượn xe của người khác có thể giải quyết như ông Khuất Việt Hùng đã nói.
Ngoài ra, khoản 1 điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính còn quy định với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.
Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước.
Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM)
|
LÂM HOÀI thực hiện