Người Nhật thích ăn cá nóc, Fugu theo tiếng Nhật dùng để chỉ cá nóc và món ăn chế biến từ loại cá này, 1 trong những sơn hào hải vị danh bất hư truyền của Nhật Bản. Nó nổi tiếng bởi mức giá cao ngất trời và cả sự độc hại có thể gây chết người ẩn bên trong.
Lịch sử
Người Nhật vào thời kỳ xa xưa, vào Thời kỳ Heian có ghi chép rằng cá nóc có thể ăn được. Về sau khoảng thời cận đại, thường có các sự kiện những võ sĩ ăn cá nóc tự vẫn. Vỉ vậy Chính phủ khi đó đã ban hành lệnh “cấm ăn cá nóc”
Sau đó vào thời Minh Trị, Chính phủ quyết liệt hơn ra rất nhiều sắc lệnh trong việc cấm dân ăn cá nóc. Vào năm 1888, chính khách Itō Hirobumi (Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản) vô tình được thưởng thức món cá nóc, cảm thấy rất ngon, và lệnh cấm được dỡ bỏ từ đó.
Về sau, giáo sư các trường đại học ở Nhật Bản nghiên cứu chất độc của cá nóc, nhằm tìm ra cách loại bỏ chất độc trong cá nóc. Vì vậy họ nghiên cứu kỹ lưỡng các loài cá nóc khác nhau về lượng chất độc, thuộc tính và cách giải độc… tất cả được tìm hiểu kỹ lưỡng dưới góc độ khoa học. Đến năm 1892 từ Tokyo đến các khu vực khác bắt đầu thưởng thức món cá nóc một cách có khoa học.
Hiện nay, trong luật an toàn thực phẩm Chính phủ Nhật Bản có quy định chặt chẽ về việc chế biến món cá nóc, đồng thời cấp chứng chỉ cho đầu bếp có khả năng chế biến món cá nóc, đảm bảo thực khách không bị trúng độc, đồng thời còn liệt những loài cá nóc, cũng như bộ phận nào của cá nóc mới được phép chế biến.
Cá nóc chứa độc tố vị trí nào
Cá nóc trung bình có chiều dài khoảng 15 cm đến 40 cm khi trưởng thành, với trọng lượng từ 1 đến 4 lbs (0.450 – 2.0 kg) và có hình dáng tròn bầu như trái lê. Đây là một trong những loại cá có lượng độc tố rất lớn, lượng độc tố trong cá nóc phần lớn tích tụ trong phần nội tạng của cơ thể, nhiều nhất là trong buồng trứng, lá gan, tụy tạng, ruột …và một phần nhỏ trong máu, da và bắp thịt.
Chất độc tố này có tên gọi là Tetrodotoxin, và độc hại gấp 1250 lần chất độc của Cyanide. Người ăn cá nóc khi bị trúng độc, bắp thịt bị co cứng, đầu óc cảm thấy choáng váng, cơ thể rã rời, nhức đầu, nôn mửa, khó thở, khoảng 60 – 80 % nạn nhân sẽ tử vong trong vòng 4 – 6 giờ.
Fugu – Nghệ thuật chế biến
Dưới bàn tay của những người đầu bếp tài hoa và có trình độ, cá nóc được loại bỏ hoàn toàn độc tố và tạo thành nhiều món ăn khác nhau, trong đó món thông dụng nhất là Fugu Sashimi, hay còn được gọi tắt là Fugu – sashi. Những miếng thịt cá nóc màu trắng trong sẽ được thái mỏng và xếp đặt như nghệ thuật cắm hoa Ikebana trên một đĩa vân màu đậm, và bạn có thể nhìn thấy những vân màu trang trí đẹp mắt, xuyên qua lớp cá mỏng đó. Do đó, khi gắp miếng cá ra, bạn sẽ thấy rõ ràng, đường nét chi tiết của chiếc dĩa đựng cá. Đây chính là nét độc đáo trong nghệ thuật ăn uống của Nhật Bản, khách hàng vừa thưởng thức vị giác của lưỡi đi kèm với màu sắc của thị giác.
Trong video của Great Big Story, đầu bếp Yutaka Sasaki đã chỉ ra những kỹ năng cần thiết để trở thành một bậc thầy fugu. “Món ăn đích thực đòi hỏi không chỉ nguyên liệu đích thực mà còn cần kỹ năng đích thực”, đầu bếp Yutaka Sasaki nói. Ông Sasaki là 1 đầu bếp chuyên gia món Fugu trong 45 năm. Ông nói phải mất ít nhất 10 năm học nghề để xử lý đúng quy trình làm cá.
Vậy tại sao người Nhật Bản lại chuộng món ăn độc hại như vậy? Ông Sasaki gọi đó là một sự xa xỉ.
“Có rất nhiều người chưa bao giờ thử nó, nhưng họ muốn được nếm nó ít nhất một lần trong đời”.
“Nó bí ẩn, nó ngon…thực sự rất ngon”.
Fugu – Nghệ thuật dùng món
Cá nóc sống Fugu được dọn ra cùng với những gia vị gồm những chén nhỏ như nước chấm làm từ dầu mè, nước tương, củ cải muối dầm, giấm ponzu, chanh, ớt và phải có rượu nồng Sake hâm nóng đi kèm mới là thú vị. Mở đầu để khai vị, khách sẽ nhấp uống một chén Sake nhỏ, sau đó gắp một miếng thịt cá nóc sống đi kèm với những món gia vị vừa kể trên, tất cả đưa vào miệng nuốt vào thật khoan thai, nhẹ nhàng như những cánh hoa anh đào đang rơi trước cơn gió nhẹ, để cảm nhận và thưởng thức hương vị ngọt ngào, lành lạnh của món cá nóc sống, xen vào đó là những vị cay cay, đăng đắng, nồng nàn, ngây ngất đến xé lưỡi, của những gia vị đi kèm.
Tuy nguy hiểm, Fugu vẫn là một đặc sản được yêu thích của người Nhật. Những thực khách sành ăn ở Tokyo sẵn sàng chi tới hơn 200 USD để được thử qua món ăn được mệnh danh là “thách thức tử thần” này. Những người là “fan” của món cá nóc cho biết cảm giác ngưa ngứa, kích thích nơi đầu lưỡi khi ăn là một phần trong sự quyến rũ mà món cá nóc mang tới. Tuy vậy nhiều người tin rằng chính cảm giác “cận kề cái chết” phần nào làm nên sức lôi cuốn mãnh liệt cho món ăn nguy hiểm này.
Tổng hợp