Não bộ là cơ quan bí ẩn, kì diệu nhất của con người. Và những hoạt động, thói quen thường ngày của chúng ta có ảnh hưởng rất lớn đến nó. Hãy cùng xem não bộ chúng ta sẽ biến đổi ra sao mỗi khi ta hoạt động nhé!
1. Đọc sách rèn luyện trí não rất tốt
Các nhà khoa học thuộc ĐH Oxford chỉ ra rằng, quá trình đọc sách không chỉ giúp rèn luyện khả năng nhận thức mà còn kích hoạt được nhiều khu vực của não bộ vốn đã bị bỏ quên – hay ít khi sử dụng tới.
Cụ thể, khi ta đọc sách, máu sẽ đi vào khu vực não bộ có nhiệm vụ tập trung và nhận thức từ đó kích thích, đẩy nhanh sự hoạt động. Nhưng bạn cần lưu ý rằng, điều này lại không xảy ra khi chúng ta chơi game hay xem TV.
2. Thiếu ngủ thường xuyên làm giảm trí nhớ
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH California tại Berkeley đã chỉ ra, thiếu ngủ có thể làm giảm trí nhớ và gây ra bệnh Alzheimer.
Trong khi đó, các tế bào sẽ loại bỏ những chất độc hại gây nguy hiểm cho não bộ khi bạn có được một giấc ngủ chất lượng, sâu vào ban đêm. Ngược lại, nếu không ngủ đủ giấc (khoảng 6 – 8 tiếng), các tế bào não bộ sẽ dần bị tàn phá.
3. Căng thẳng kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến não bộ
Cái hại trước mắt mà ai cũng nhận ra khi bạn bị căng thẳng kéo dài đó là sự suy giảm về trí nhớ, khả năng học tập, sự tập trung…
Ngoài ra, căng thẳng còn khiến bạn lúc nào cũng cảm thấy bồn chồn, khó chịu, cơ thể bị bứt rứt, dễ bị phân tâm.
4. Yêu và ghét – não bộ đều chi phối rất nhiều
Các nhà khoa học Anh phát hiện ra rằng, khi bạn đắm chìm trong tình yêu và sự thù hận thì chúng cũng khởi nguồn từ những vùng não tương tự.
Tuy nhiên, không giống như thù hận, tình yêu làm giảm đáng kể hoạt động của khu vực chịu trách nhiệm về phán đoán và tư duy logic. Thế mới nói, khi yêu con người ta trở nên mù quáng và mất lý trí quả là không sai.
5. Não bộ nhạy cảm với việc mất nước
Não chúng ta có gần 80% là nước. Do đó, việc mất nước, dù chỉ khoảng 2% cũng đủ để khiến sự tập trung và chú ý của ta tụt thảm hại. Điều này còn dẫn đến suy giảm trí nhớ ngắn hạn và ảnh hưởng các khả năng nhận thức khác.
6. Mang thai cũng làm thay đổi cấu trúc não bộ
Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra, việc mang thai ở phụ nữ làm giảm lượng chất xám trong khu vực não bộ, có nhiệm vụ nhận thức và thấu hiểu người khác.
Điều này thực sự cần thiết khi giúp cơ thể người mẹ tạo những mối liên kết với con, hiểu được nhu cầu của đứa trẻ và chú ý đến mối nguy có thể xảy ra từ bên ngoài.
7. Tình yêu của mẹ giúp trẻ thông minh hơn
Theo nhận định từ các nhà thần kinh học, cách đối xử, chăm sóc của người mẹ có tác động đến kích thước não bộ của trẻ. Họ nhận thấy rằng, những đứa trẻ được chăm sóc, nâng niu vỗ về thì bộ não phát triển đầy đủ và lớn hơn. Còn những đứa trẻ có bộ não teo nhỏ hơn là do bị bỏ bê trong thời gian dài.
Trong tương lai, những đứa trẻ có não trái lớn hơn có thể sẽ thông minh hơn, nhiều khả năng phát triển khả năng xã hội và cảm thông với người khác. Ngược lại, những đứa trẻ có não bị teo nhỏ lại có nhiều khă năng phát triển các vấn đề tâm thần nghiêm trọng.
8. Chế độ ăn nhiều đường cũng ảnh hưởng đến não bộ
Ăn quá nhiều đường fructose khiến não hoạt động trì trệ, giảm khả năng học tập, ghi nhớ thông tin và tập trung. Điều này xảy ra là bởi việc dư đường trong cơ thể sẽ tàn phá những kết nối thần kinh trong não bộ.
Ngoài ra, giới chuyên gia nhấn mạnh lượng đường trong đồ uống có gas, nước ngọt, kẹo bánh… còn gây hại nhiều hơn cả đường trong tinh bột.
Chính vì lẽ đó, để não bộ khỏe mạnh, bạn cần giảm lượng đường, mà bổ sung nhiều axit béo omega 3 trong cá, dầu cá… rau củ quả.
9. Vẽ giúp cải thiện hoạt động của não bộ
Kết luận này được đưa ra sau khi các chuyên gia tiến hành nghiên cứu ở những người trong độ tuổi 62 – 70. Một nửa tham gia khóa lịch sử nghệ thuật và nửa còn lại tham gia khóa học vẽ.
Kết quả là, não bộ của các học viên lớp vẽ được kích hoạt nhiều hơn, cũng nhanh nhạy hơn.
TinhHoa tổng hợp