Cơ duyên tu đạo tuy thấy đơn giản mà lại khó được, cửa Phật luôn rộng mở nhưng không mấy người có thể bước chân vào, ai cũng viện cho mình một lý do, nhưng thực ra đó chỉ là tâm phàm chưa dứt.
Vào triều đại nhà Đường có một vị tiến sĩ tên là Thôi Sinh. Có một ngày, anh ta cưỡi lừa đến núi Thanh Thành để dạo chơi. Lúc nghỉ ngơi, anh thả con lừa ra bãi cỏ xanh, bởi vì không có người hầu trông nom, con lừa kia liền thừa cơ bỏ trốn, Thôi Sinh không tài nào đuổi kịp được.
Đuổi ước chừng hơi 20 dặm đường thì đi tới một sơn động, lúc này trời đã tối rồi, con lừa lại chạy vào trong động. Thôi Sinh có chút sợ hãi, hơn nữa cơ thể mệt mỏi, nên nằm ở ngay cửa động mà thiếp đi.
Thôi Sinh cùng tiên nữ kết duyên
Đến khi trời sáng, Thôi Sinh tỉnh dậy thì phát hiện ở trong động có ánh sáng liền đi vào trong xem thử. Đi ước chừng được mười dặm, thì thấy có cây cỏ, núi đá, đều không phải là những thứ ở nhân gian nữa.
Vào sâu hơn thì thấy trước mặt xuất hiện một tòa thành màu vàng cùng với cửa cung điện sơn đỏ, có mấy trăm vệ sĩ mặc giáp đứng ở đó. Vệ sĩ trông thấy Thôi Sinh liền lớn tiếng quát, hỏi anh ta đến đây làm gì. Thôi Sinh vội vàng đáp: “Tôi là người thế tục, muốn được bái kiến tiên ông“.
Quan coi thành lập tức bẩm báo vào trong, một lúc lâu sau mới cho mời Thôi Sinh vào. Chỉ thấy một người ngồi ở trên ngọc điện, mặc áo kết từ lông chim, thân cao hơn một trượng, tóc mai trắng như tuyết, hai bên có rất nhiều thị nữ.
Thôi Sinh được dẫn đến trước điện, vị tiên ông nói chuyện rất vui vẻ, giữ Thôi Sinh ở lại, bày yến tiệc cực kỳ phong phú để khoản đãi.
Ngày hôm sau, vị tiên ông kia mới nói với Thôi Sinh: “Nơi đây không phải là nhân gian, mà là tiên phủ. Con lừa sở dĩ chạy vào đây, là do ta muốn mời cậu tới. Ta chỉ có một cô con gái, sẵn lòng gả cho cậu. Đây cũng là thiên ý, không thể trái được”.
Thôi sinh nghe xong, vội vàng bái tạ. Tiên ông liền ra lệnh cho tả hữu mang ra một cái hộp màu xanh, lấy từ trong đó ra hai viên thuốc đưa cho Thôi Sinh.
Thôi Sinh sau khi uống hai viên thuốc đó, chợt cảm thấy tạng phủ dễ chịu. Một lát sau anh lấy tay sờ lên người, làn da tươi mới cứ như là ve sầu lột xác. Lại soi gương xem xét, thấy dung mạo của mình giống như đứa trẻ.
Trời nhá nhem tối, chợt thấy có cờ quạt đủ màu sắc tung bay bốn phía, tiên nhạc tấu lên tiên khúc, một cỗ xe được trang trí bằng lông chim, chậm rãi tiến đến. Thôi Sinh vui mừng được gặp mặt tân nương của mình.
Lúc này có rất nhiều tiên nhân từ không trung đi đến để chúc mừng, cười đùa nói chuyện với Thôi Sinh. Trong thời gian hơn một năm, Thôi Sinh cả ngày du ngoạn, thong dong tự tại, vui cười không ngớt.
Có một ngày, Thôi Sinh nói với tiên ông: “Con muốn trở lại nhân gian tạm biệt mọi người, cũng không phải là lưu luyến gì, chỉ tạm thời trở về nhà mấy ngày thôi”. Tiên ông nói: “Không được ở lâu, như vậy sẽ tạo tội rất lớn”.
Dứt lời liền đưa cho Thôi Sinh một lá bùa hộ mệnh. Đồng thời nói cho anh biết: “Sợ con gặp phải tai họa, bùa này có thể giúp con tàng hình, nhưng nhất định không được vào trong cung vua để dạo chơi”.
Trước khi chia tay, lại cho Thôi Sinh thêm một lá bùa rồi nói: “Lúc đặc biệt nguy cấp, lập tức mở nó ra”. Cũng mang con lừa trả lại cho Thôi Sinh.
Không nghe lời khuyên bảo, Thôi Sinh thiếu chút nữa bị đánh chết
Thôi Sinh trở lại kinh thành, thử đi vào nhà của người khác, quả nhiên không ai nhìn thấy anh ta, vì vậy liền lẻn vào trong vườn thượng uyển ở trong cung. Ngay lúc đó ở khu Kiếm Nam đang chúc mừng sinh nhật của Dương Quý Phi, quà tiến dâng có một xấp vải lụa, Thôi Sinh liền đánh cắp để xem thử.
Kết quả bị hoàng thượng phát hiện, nói: “Giữa ban ngày kẻ trộm không thể nào vào trong cung được”. Vì vậy mời đạo sĩ La Công Viễn có đạo thuật cao siêu thi triển pháp thuật, lại lấy chu thư chiếu vào cửa điện, quả nhiên bắt được Thôi Sinh. Thôi Sinh kể lại tường tận mọi việc, nhưng hoàng thượng không tin, ra lệnh dùng gậy đánh cho tới chết.
Tại thời khắc nguy hiểm này, Thôi Sinh chợt nhớ tiên ông khi đi đã cho một lá bùa, liền vội vàng mở ra. Chỉ thấy La Công Viễn cùng những người bắt anh ta lập tức té trên mặt đất bất tỉnh nhân sự, phải nửa ngày sau mới tỉnh dậy.
La Công Viễn nói với Đường Huyền Tông: “Danh phận người này đã ở tiên giới rồi, giết không được nữa. Nếu như giết hắn, bọn thần sẽ gặp tai họa, cũng làm ảnh hưởng đến phúc phận của quốc gia”.
Đường Huyền Tông lúc này mới thả Thôi Sinh, gọi anh ta đến nói: “Ngươi không nên tùy tiện ở lại đây”. Vì vậy lệnh cho 100 binh sĩ cùng với khí giới, hộ tống Thôi Sinh trở về. Mọi người đi vào trong cửa động, quả nhiên trông thấy tòa thành màu vàng, cùng với các thị vệ uy nghiêm.
Tiên ông đi khỏi thành và lớn tiếng nói: “Con rể không nghe lời khuyên của ta, thiếu chút nữa là gặp nạn rồi!”. Thôi Sinh hành lễ và chuẩn bị đi vào, khi đó những người được Đường Huyền Tông phái đi tiễn Thôi Sinh cũng muốn đi vào theo.
Lúc này, tiên ông dùng quải trượng vẽ lên mặt đất một cái khe rộng đến mấy trượng, sai người gọi vợ của Thôi Sinh đến. Vợ của Thôi Sinh từ bên này khe ném qua một cái khăn, lập tức hóa thành một cây cầu ngũ sắc để cho Thôi Sinh đi qua. Cây cầu cũng thuận theo bước chân của Thôi sinh mà nhanh chóng biến mất.
Thôi Sinh sau khi đã qua được cái khe, quay đầu lại nói với những người đưa tiễn kia: “Các ngươi có thể trở về được rồi”. Trong khoảnh khắc, mây mù nổi lên bốn phía, trước mắt không nhìn thấy gì nữa, chỉ nghe thấy tiếng chim loan, chim hạc kêu, cả buổi mới hết. Những người đưa tiễn kia nhìn về phía trước, chỉ thấy một ngọn núi, tất cả mọi thứ đều đã biến mất.
Thôi Sinh vẫn còn sợ hãi nói: “Ta có hạnh được đắc đạo, nhưng lại không đoạn dứt được tình, chợt quay đầu nhìn lại, thấy thật là nguy hiểm! Sau này sẽ chỉ biết có đạo, dũng cảm tiến tới, bay trở về trời!”
Chân Chân biên dịch