Người ta thường nói: “Chuyện thầm thì ở thế gian, trời nghe tựa sấm; lòng tà ngõ tối, Thần thấy rõ ràng”. Tức là mọi lời nói và hành vi của con người, Thần hay Trời đều nắm rõ như lòng bàn tay, không gì là không biết. Vậy con người sao có thể hiểu được ý Trời?
Câu hỏi này vào hơn 3.000 năm trước, tức là năm 1044 TCN đã có đáp án rất rõ ràng.
Năm đó, Chu Vũ Vương phát binh đánh chiếm thành Triều Ca, ép Ân Trụ Vương tự thiêu. Vũ Vương chặt đầu Trụ Vương treo trên cờ trắng. Sau đó Vũ Vương phóng thích chú của Trụ Vương là Cơ Tử, người từng bị Trụ Vương nhốt trong ngục. Khi đó, Cơ Tử vì khuyên can Trụ Vương hãy làm một quân vương nhân đức, đừng có vui chơi phóng túng, hoang dâm vô đạo, thậm chí ông còn giả vờ điên dại, tự hành hạ chính mình để cảm hóa Trụ Vương, mong Trụ Vương tỉnh ngộ, chớ làm một bạo chúa hôn quân.
Tuy nhiên, Trụ Vương không tỉnh ngộ, lại còn nhốt Cơ Tử vào ngục. Vũ Vương biết Cơ Tử là người thông hiểu trời đất, liền đến thỉnh giáo Cơ Tử: “Chiểu theo ý Trời thì cuộc sống của người dân sẽ ổn định, nhưng ta không biết những phép tắc luân thường, nên thỉnh tiên sinh chỉ giáo”. (Sử Ký – Tống vi tử thế gia đệ bát)
Cơ tử nói: “Thời trước có ông Cổn muốn ngăn chặn đại hồng thủy, do không hiểu về tính chất của nước, nên đã làm đảo loạn Ngũ hành, vì thế mà Trời phẫn nộ, khi đó chín loại thiên pháp mà ông Cổn sử dụng để trị quốc an dân chỉ như thùng rỗng kêu to, xã hội trở nên bại hoại. Vì thế mà ông ta bị Trời diệt. Vua Vũ kế nghiệp cha, nhờ trị thủy thành công mà hưng khởi, được Trời ban cho chín loại thiên pháp trị quốc an bang. Từ đó, những phép tắc đã ra đời”.
Chín phép tắc lớn mà Cơ Tử nói đến: Một là ngũ hành; hai là ngũ sự; ba là bát chính; bốn là ngũ kỷ; năm là hoàng cực; sáu là tam đức; bảy là kê nghi; tám là thứ trưng; chín là hướng dụng ngũ phúc, úy dụng lục cực (Sử ký – Tống vi tử thế gia đệ bát). Trong đó, chúng ta cần nói loại thứ tám “thứ trưng”, gồm: mưa, nắng, âm u, lạnh, gió, thời gian.
Cơ Tử nói: “‘Thứ trưng’ chính là các điềm báo thiên tượng mà trời ám thị cho con người, những điềm báo này chính là ngôn ngữ mà Thiên Đế nhắn nhủ với quân vương của chúng ta, tức là thiên tử hay hoàng đế. Những điềm báo này chủ yếu bao gồm năm loại hiện tượng tự nhiên: mưa, nắng, nóng, lạnh, gió. Khi quân vương tuân theo những quy luật tuần hoàn của tự nhiên thì nhất định có mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở. Nếu một trong các hiện tượng đó xảy ra quá nhiều, thì đó chính là hung tượng; nếu như một trong các hiện tượng đó xảy ra quá ít, thì đó cũng là một loại hung tượng“.
“Khi hoàng đế ứng xử tốt tại nhân gian thì Trời sẽ làm ra thiên tượng để biểu thị sự hài lòng; khi thiên tử có thể khấu bái trời đất một cách cung kính, trang trọng, thì mưa thuận gió hòa; khi thiên tử có thể trị vì quốc gia trật tự và an định, vậy sẽ có cảnh sắc tươi đẹp khắp nơi; nếu thiên tử có trí huệ, xử lý công việc công bằng, trời nóng sẽ đến đúng lúc; nếu thiên tử biết lắng nghe lời phải, suy tính sâu xa, vậy thì khí lạnh cũng sẽ đến đúng lúc; khi thiên tử có thể lấy đức mà cảm hóa dân chúng, người dân sống thiện lương, khi đó thời tiết cũng trở nên mát mẻ“.
“Khi thiên tử làm điều không tốt tại nhân gian, trời sẽ làm ra những thiên tượng để biểu thị sự không đồng tình. Nếu như thiên tử ngông cuồng, ngỗ ngược, đảo lộn trắng đen, bức hại người lương thiện, làm bách tính oán hận, thì sẽ xuất hiện mưa lớn và lũ lụt; nếu như thiên tử làm trái với kỷ cương, lệnh ban ra không thuận lòng dân, nhân tâm giả tạo, đen tối, dùng hình phạt bừa bãi, khinh sư diệt tổ, lạm sát vô cớ, thì sẽ có nắng nóng gay gắt, đại hạn triền miên; nếu làm quan mà không chăm lo việc nước, không chính trực với dân mà ăn chơi xa xỉ, thì trời nóng khắc nghiệt kéo dài; nếu trị quốc mà không có chính sách lâu dài, sớm nắng chiều mưa, khiến người dân ai oán kêu than, thì giá rét bao trùm khắp nơi; nếu quân thần không phân rõ chính tà, mê muội dâm loạn, thì sẽ có cuồng phong không ngớt, bão cát xuất hiện liên tiếp”.
Có thể thuật lại ý chỉ của Thần linh một cách cụ thể, rõ ràng, chính xác như vậy, Cơ Tử quả thực không phải người tầm thường.
Lật lại lịch sử Trung Hoa cổ, năm xưa Chu Thành Vương (1020-996 SCN) đã hãm hại Chu Công, người tên thật là Cơ Đán, em trai Chu Vũ Vương, tức chú của Chu Thành Vương), ép Chu Công phải bỏ đi. Khi đó trời xuất hiện mưa lớn và cuồng phong, hiện tượng vô cùng lạ thường. Chu Thành Vương thấy thiên tượng lạ thường này, biết việc mình hãm hại chú là sai lầm lớn. Biết sai liền sửa, ông tắm gội, thay y phục nghênh đón Chu Công trở lại triều nhiếp chính. Chu Công giúp đỡ Thành Vương dẫn quân đông chinh, bình định phản loạn, phong chư hầu trên diện rộng, củng cố vững chắc vương triều Tây Chu, Thành Vương nhờ thuận thiên ý, trọng dụng Chu Công mà được hưởng thành quả, ngày càng phồn thịnh.
Hay chuyện thời Khang Hy, năm nọ xảy ra một trận động đất mạnh tại Tử Cấm Thành, người dân đều hoang mang lo sợ, Khang Hy nói với văn võ quần thần: “Trẫm thấy mình vô đức, việc nước chưa lo chu toàn, cho nên trận động đất này là lời cảnh tỉnh đối với trẫm, đợi khi mọi người bớt sợ hãi, trẫm sẽ mau chóng tìm nguyên nhân dẫn đến thiên tai này. Là do quan phủ sách nhiễu chiếm đoạt của cải của dân để lấy lòng quan trên chăng? Hay do đại thần kéo bè kết đảng làm mưa làm gió? Hay mỗi lần dẫn quân đều không quản được việc quan binh đốt nhà, cướp của nhà dân? Hay thu thuế không đúng chăng? Do quan viên xử án gây bất mãn và oan sai cho người dân chăng? Hay do vương công đại thần không quản thúc thuộc hạ để chúng làm hại người dân? Chỉ để xảy ra một trong các việc trên, cũng đủ dẫn đến tai họa rồi. Phải chú trọng phép tắc mà vẫn thanh liêm, thi hành phép nước công bằng mà vẫn có đạo lý, trừ bỏ hung tàn, mới không hổ thẹn với Trời. Cho nên, trẫm bảy tỏ lòng mình, để cho các quần thần lớn nhỏ trong ngoài triều cùng nhau cố gắng làm tốt”. (Thanh Sử Cảo – Thánh Tổ bản kỷ nhất)
Lời nói này khiến người ta có cảm nhận sâu sắc rằng Khang Hy đại đế từ đáy lòng mình luôn yêu dân kính Trời, ông có thành tâm thành ý tự xem xét và quy chính lại bản thân. Một vị vương giả nhân từ, thương dân như thế, lập nên một triều đại Khang Hy thịnh vượng cũng là điều tất nhiên, cũng không uổng công người đời ca tụng ông là vị hoàng đế nhân đức: “Đạo thịnh đức chí thiện, dân chi bất năng vong” (Người sống có đạo, có đức, có thiện tâm, thì nhân dân sẽ không quên).
Lật lại lịch sử bao đời, chúng ta thấy rằng ở mỗi triều đại, lòng tín Trời kính Thần là quy luật chính bất di bất dịch trong đời sống tinh thần của người dân. Sự phẫn nộ của Trời cao có quan hệ trực tiếp đến những hành vi tà ác và đạo đức bại hoại của con người. Những thiên tượng như động đất, lũ lụt, hạn hán, nạn châu chấu, bão cát, thời tiết nóng như thiêu đốt, thời tiết lạnh bất thường, chính là lời cảnh cáo của Trời đối với con người, mỗi khi gặp phải những thiên tượng tiêu cực và đại tai nạn giáng xuống, hoàng đế đều phải ban bố “Tội kỷ chiếu” (Tự trách tội bản thân) để tạ tội với trời.
“Vua Vũ, vua Thang biết trách tội bản thân, vì thế nên triều đại của họ mới thịnh vượng” (Tả Truyện – Trang Công thập nhất niên).
Tô Thức trong Khất Hiệu Chính Lục Chí tấu thượng tiến Trát Tử nói rất chí lý rằng: “Trách tội mình để thu phục lòng người, sửa sai để làm đúng với thiên Đạo”.
Từ xưa đến nay, người thuận ý Trời thì hưng, người trái ý Trời thì vong. Thời nhà Thương, Vũ Ất Đế (1147–1113 TCN) thường ngày khi vui đùa, hay lấy gỗ và bùn đất để nặn ra một số búp bê, đặt tên là “Thiên thần”. Ông sai người nhấc búp bê lên để cùng chơi với ông. Nếu như “Thiên thần” chơi thua, Vũ Ất liền nghĩ cách làm nhục “Thiên thần”. Ông ta lấy một cái túi da bên trong đựng đầy máu tươi, treo trên cao, rồi tự mình nằm trên mặt đất ngửa mặt lên trời, dùng kéo đâm vào cái “túi máu” đó, Vũ Ất gọi là “xạ thiên”. Không lâu sau, khi Vũ Ất Đế đến Hoàng Hà, vùng sông Vị Thủy để săn bắn, thì bị sét đánh chết. Một đế vương mà hành vi đạo đức suy đồi như vậy, trời cao nhất định không bỏ qua.
Thời gian gần đây, nắng nóng tại Ấn Độ lấy đi sinh mạng của hơn 2 nghìn người. Nepal cũng lại vừa trải qua cơn động đất làm thiệt mạng hơn 7 nghìn người. Tại Trung Quốc, thiên tai liên tiếp, hơn nữa tần suất ngày một tăng, lại thêm nhiều dị tượng xuất hiện, ví như tuyết rơi vào mùa hè Tháng 5 ở Nội Mông, Nam Kinh mưa to khiến thành phố thành sông, tôm cá bơi lội; tại Việt Nam, mưa đá rơi ở nhiều nơi. Dịch Ebola hoành hành tại châu phi, nay đến dịch MERS làm rối ren châu Á.
Hiện tượng thời tiết xem ra có vẻ “kỳ dị”, thực ra lại là điều tất nhiên. Những thiên tai này là sự cảnh cáo của Trời đối với con người, cũng là sự trừng phạt đối với con người.
Cũng lại nói thêm, nhiều người cho rằng Thần Phật Thiên Địa là từ bi, sao có thể lấy mạng con người dễ dàng như vậy. Thực ra, Trời có pháp lý của Trời, thiện ác đều phân minh, từ bi cũng không đồng nghĩa với việc dung túng cho con người thế gian làm chuyện trái đạo đức. Thiên Địa từ bi nhưng vô cùng uy nghiêm, không thể để con người khinh lờn muốn gì làm nấy.
Nói đến thiên tượng cũng không phải dùng để dù dọa bất kì ai, đây cũng đơn thuần là một lời nhắc nhở, người nghe tự mình có thể chọn quyền tin hoặc không tin.
Theo Chánh Kiến