Cổ nhân nói: “Một thiện niệm có thể mang đến phúc lành, một ác niệm có thể mang đến tai ương”. Một người với tấm lòng lương thiện chấn động đất trời, yêu thương kính trọng dân chúng nhất định sẽ nhận được sự phù hộ của thiên thượng.
Trời cao thường thông qua sự biến hóa của thiên tượng để cảnh tỉnh người đời, trước khi giáng thiên tai đại họa sẽ xem xét ý niệm của con người ra sao. Ý niệm thiện lương có thể hóa giải tai họa, trong lịch sử không thiếu những ví dụ để chứng minh.
Tống Cảnh Công gặp đại nạn
Theo ghi chép trong “Sử ký”, vào thời kỳ Xuân Thu, khi Tống Cảnh Công 37 tuổi thì xảy ra thiên tượng hung hiểm hiếm gặp “Huỳnh hoặc thủ tâm”.
Lúc đó Chu Thiên tử phân đất phong hầu cho chư hầu, đất phong của chư hầu được chia tương ứng với các tinh tú khác nhau, mà Tâm tú tương ứng chính là bờ cõi của nước Tống. Vị vua tại vị của nước Tống lúc bấy giờ chính là Tống Cảnh Công.
Xuất hiện thiên tượng như vậy chứng tỏ đại nạn đang treo trên đầu Tống Cảnh Công. Vì thế Tống Cảnh Công rất ưu sầu, sợ rằng ông trời sẽ giáng đại họa xuống nước Tống.
Ngày hôm sau, khi Tống Cảnh Công thượng triều, quan Thái sử bẩm báo: “Đêm hôm qua, như thường lệ hạ quan quan sát thiên tượng, thì thấy xuất hiện Huỳnh hoặc thủ tâm, đây là tinh tượng hung hiểm nhất, xin đại vương triệu tập văn võ bá quan để bàn luận đối sách”.
Tống Cảnh Công liền hỏi bá quan xem có cách gì không? Quan viên văn võ chỉ biết nhìn nhau ngơ ngác.
Lúc này chiêm tinh gia Tử Vi tiến lên nói: “Huỳnh hoặc thủ tâm là tinh tượng hung hiểm nhất, Tâm tú tương ứng là lãnh thổ của nước Tống, chứng tỏ quân chủ đang gặp nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, đại vương có thể thông qua di cung hoán số, chuyển đại họa này sang cho Tể tướng, đại vương có thể may mắn thoát nạn”.
Cảnh Công nói: “Làm vậy sao được! Tể tướng là đại thần phò tá quốc gia, giống như chân tay của ta nâng đỡ toàn bộ hoạt động của cơ thể, làm sao có thể để ông ấy gánh chịu tai họa được?”.
Tử Vi nói: “Vẫn còn có một cách, hôm nay vào giờ Ngọ ba khắc, đại vương có thể lên linh đài để tế trời, chuyển đại họa này cho bách tính”.
Cảnh Công nghe xong rất không vui nói: “Ngươi đùa ta đó sao! Bách tính chết hết rồi ta còn làm quốc vương với ai? Hơn nữa thân làm quốc vương đáng ra nên dùng tình yêu thương để làm bách tính được yên lòng, sao có thể để bách tính phải chịu đại họa?”.
Tử Vi sau một hồi suy ngẫm nói: “Vậy thì không chuyển sang cho người khác nữa, mà đổi thành mùa màng năm nay thất bát, thì cũng coi như qua được ải này”.
Cảnh Công tức giận nói: “Mùa màng thất bát chắc chắn sẽ có nạn đói, dân chúng sẽ phải chịu đói. Vì bản thân mình mà làm hại bách tính, ta đâu xứng làm vua? Lão Tử nói: ‘Ai dám gánh chịu tai họa của quốc gia, mới có thể làm vua thiên hạ’.
Ngươi không cần nói nữa, tất cả sẽ do mình ta gánh vác! Chỉ cần bách tính được sống yên ổn, quả nhân chết cũng không nuối tiếc, không cần mấy ý kiến bậy bạ của các ngươi”.
Thiện tâm cảm động trời cao
Tử Vi cảm động trước suy nghĩ của Cảnh Công, ông lùi lại mấy bước, cùng các đại thần nhất tề lễ bái Cảnh Công, rồi nói: “Đức hạnh tự nguyện gánh vác kiếp nạn một mình, không đẩy họa sang cho thần dân của đại vương, nhất định sẽ truyền lên thiên đình, thiên đế không những miễn họa mà còn tăng thêm tuổi thọ cho người”.
Cảnh Công nói: “Sao các ngươi biết là như vậy?”. Tử Vi đáp: “Mặc dù trời ở trên cao nhưng có thể nghe thấy được những âm thanh nhỏ nhất ở hạ giới. Ba thiện ngôn mà đại vương vừa nói, chính là minh chứng cho ba chủng bác ái nhân hậu của người. Ông trời nhất định sẽ ban thưởng cho đại vương.
Đêm nay nhất định Huỳnh hoặc tinh sẽ cách xa Tâm tú ba xá. Một xá có thể hành Thất tinh, một tinh ứng với một năm, ba bảy hai mươi mốt, đại vương sẽ được kéo dài tuổi thọ 21 năm. Đêm nay hãy phái người theo dõi thiên tượng, nếu Hoả tinh không rời đi, hãy ban cho thần tội chết”.
Đêm hôm đó, quan Thái sử cùng Cảnh Công và Vi Tử chăm chú quan sát Hoả tinh, quả nhiên thấy Hoả tinh di chuyển 3 độ, ra khỏi phạm vi của Tâm tú, đúng như lời Tử Vi nói.
Mọi người nói rằng Cảnh Công một lòng nghĩ cho dân, đức hạnh cảm động trời xanh, nước Tống cũng tránh khỏi diệt nạn.
Tống Cảnh Công tại vị 60 năm, thi hành chính sách nhân nghĩa. Ông vô cùng sùng kính Lão Tử và Khổng Tử, đích thân đi thỉnh giáo sách lược trị quốc của họ, coi trọng lễ nghĩa đạo đức, bách tính an cư lạc nghiệp, thiên hạ thái bình, từ đó về sau mọi sự đều yên ổn.
Tâm sinh tướng, vận mệnh cũng có thể thay đổi theo thiện ác. Tất cả mọi chuyện đều có khả năng xoay chuyển, chỉ là chúng ta nhìn nhận ứng phó ra sao mà thôi.
Con người với bản tính lương thiện trời sinh, mới là con người đúng nghĩa. Dù làm bất cứ điều gì con người cũng là vì bản thân mình, thiện có thiện báo, ác có ác báo, đó là lẽ trời. Mọi việc làm trong hiện tại chính là lựa chọn cho tương lai.
Lựa chọn cái thiện, là hợp với đạo lý, hợp với lẽ trời, là trở về với bản tính của con người, là lựa chọn khôn ngoan và không bao giờ phải hối hận.
Tuệ Tâm biên dịch