Rất nhiều người chúng ta không nhận ra một sự thật rằng, cát là nguồn tài nguyên lớn thứ 2 bị con người khai thác và buôn bán chỉ sau nước. Việc tiêu thụ quá mức và khai thác nguồn tài nguyên này một cách không khoan nhượng đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về cát cho thế giới chúng ta.
Tháng 5/2019, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, việc khai thác cát quy mô lớn từ các con sông đã làm tăng tình trạng ô nhiễm nước, hạ thấp tầng nước ngầm, gây lũ lụt và khiến tình hình hạn hán nghiêm trọng hơn. Theo đó, Liên Hợp Quốc lên tiếng cảnh báo cát là một trong những thách thức lớn về tính bền vững của thế kỷ 21.
Hiện tại, nhu cầu về cát và sỏi toàn cầu đang ở mức khoảng 40 đến 50 tỷ tấn mỗi năm. Giao dịch thương mại quốc tế đối với loại tài nguyên này dự kiến mỗi năm sẽ tăng 5,5%.
Theo thông tin từ Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, “Các mô hình tiêu thụ thay đổi, dân số ngày càng tăng, đô thị hóa và sự phát triển của cơ sở hạ tầng đã làm tăng nhu cầu về cát gấp 3 lần trong hai thập kỷ qua. Hơn nữa, việc xây đập và khai thác cát đã làm giảm việc vận chuyển trầm tích từ các con sông đến nhiều khu vực ven biển, dẫn đến giảm trữ lượng cát ở vùng đồng bằng ven sông và gây xói mòn các bãi biển nhanh chóng”.
Sự cạn kiệt nguồn tài nguyên cát sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Theo một số ước tính, mực nước biển do khai thác cát dự kiến sẽ tăng khoảng 0,9m vào năm 2100. Bên cạnh đó, việc khai thác cát từ bờ biển sẽ khiến nhiều khu vực ven biển có thể bị nhấn chìm.
Ngoài ra, một báo cáo đã cho thấy việc khai thác cát khiến ảnh hưởng của trận sóng thần ‘Ấn Độ Dương’ vào năm 2004 ở Sri Lanka trầm trọng hơn. Tại Hoa Kỳ, cơn bão Harvey năm 2017 đã gây ra thiệt hại lũ lụt lên đến 125 tỷ đô la (~ 2875 tỷ VNĐ). Con số này có thể sẽ ít hơn nếu việc khai thác cát trên sông San Jacinto bị hạn chế.
Việc khai thác cát từ đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đe dọa sự bền vững của đồng bằng này. Nó còn dẫn đến sự xâm nhập mạnh hơn của nước mặn vào các con sông, cuối cùng đe dọa đến chất lượng nước và thực phẩm trong khu vực.
Ngoài ảnh hưởng về môi trường sống, các vấn đề về sức khỏe cũng là một hệ quả chủ yếu khác của việc khai thác cát quá mức.
Theo tờ Business Standard, các hoạt động khai thác cát đang tạo ra những đầm nước đứng mới có thể trở thành nơi sinh sản của muỗi mang mầm bệnh sốt rét. Các đầm này cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm lây lan các bệnh mới xuất hiện như loét Buruli ở Tây Phi hay nhiễm trùng da do vi khuẩn.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng gợi ý việc hoạch định chính sách và quy định phù hợp ở cấp độ toàn cầu để giải quyết các vấn đề về khai thác cát. Theo đó, việc thực hiện và mức độ khai thác cát hiện nay phải được cập nhật và tùy chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh mỗi quốc gia. Vì vậy nên thiết lập một hệ thống giám sát chính xác cho việc sản xuất, tiêu thụ và quản lý cát.
Tại Hội nghị Môi trường Liên Hợp Quốc, nơi báo cáo được trình bày, các nhà hoạch định chính sách cũng đã thông qua nghị quyết Quản trị tài nguyên khoáng sản kêu gọi việc sử dụng cát bền vững.
Thiên Hoa (Theo Vision Times)