Được mệnh danh là “hòn đảo ngoài hành tinh”, Socotra là một quần đảo vô cùng huyền bí và cô lập trên biển Ả Rập. Tới đây mà tưởng chừng như đã rời khỏi trái đất để đến sống ở một hành tinh xa xôi. 

“Hòn đảo ngoài hành tinh” Socotra với phong cảnh lạ lùng.

Trên biển Ả Rập tại Trung Đông có một hòn đảo nhỏ, nơi thời gian tưởng chừng như ngừng lại từ cách đây rất lâu, rất lâu rồi. Đến với nơi đây, người ta sẽ nhầm tưởng hoặc là được bước chân vào một bức tranh của họa sĩ Salvador Dalí, hoặc là được bước vào một phim trường phục vụ cho những cảnh quay đổ nát tiêu điều trong một bộ phim khoa học viễn tưởng diễn ra cách Trái Đất hàng tỷ năm ánh sáng.

Vâng, hòn đảo có một không hai ấy nằm ngay tại chính hành tinh của chúng ta, ở giữa vùng Sừng châu Phi và bán đảo Ả Rập. Trên thế giới hiếm có nơi nào khiến người ta có cảm giác như thể nó được mang từ một thời không khác tới như nơi này. Thậm chí có người còn cảm thấy run sợ vì e  rằng khủng long vẫn đang rình rập đâu đây trên hòn đảo. Với cảnh vật như thể đến từ một thế giới khác, cùng thiên nhiên đa dạng với nhiều loài sinh vật kỳ lạ, không khó hiểu khi nơi này được mệnh danh là “vùng đất ‘ngoài hành tinh’ nhất trên Trái Đất”. Rất nhiều thần thoại và truyền thuyết cũng đã được người đời thêu dệt nên hòng giải thích cho sự tồn tại của nơi này.

Bầu trời đêm ở Socotra.

Sống giữa những bãi biển đỏ thắm và những đụn cát trắng pha lê là 800 loài sinh vật khác nhau, một số trong đó thậm chí đã tồn tại được hơn 20 triệu năm. Chúng cùng nhau sinh sống trên bề mặt bị che phủ bởi đá cháy nắng của hòn đảo mang tên Socotra, có nghĩa là “Hòn đảo của Hạnh phúc” trong tiếng Phạn cổ.

Cây dưa chuột đặc hữu họ Dendrosicyos socotrana.

Chúng sinh trưởng trong một môi trường khô cằn dưới những điều kiện hết sức khắc nghiệt và ít nhất ⅓ trong số chúng là độc nhất vô nhị trên thế giới. Một vài loài trong số chúng mang đến cho hòn đảo một dáng vẻ siêu thực. Nào là loài cây mọng nước cực kỳ quý hiếm Dorstenia gigas, thường được biết đến với cái tên cây sung Socotra, nào là cây bao báp trông to như một cái chân voi, nào là loài Sứ Sa Mạc với những bông hoa màu hồng đẹp mắt mọc ở trên cao.

Vị trí của quần đảo Socotra, thuộc Yemen, trên Ấn Độ Dương.

Nhưng đặc biệt nhất trong số các loài thực vật ở đây là cây Huyết Rồng Socotra, loài cây đã tạo cảm hứng cho rất nhiều truyền thuyết, cũng chính là loài cây đã làm nên sự nổi tiếng cho hòn đảo này.

Một trong rất nhiều các truyền thuyết ấy kể lại như sau. Sáng Thế Chủ tạo ra một thế giới mới tươi đẹp từ thinh không giữa một đại dương to lớn sâu thẳm rồi đưa những sinh vật xinh đẹp quyến rũ tới sống. Nhưng kỳ lạ nhất trong tất cả là loài Rồng. Nó là một sinh vật và mạnh mẽ với thân hình tao nhã. Truyền thuyết kể lại rằng phần phía trên của cơ thể nó được che phủ bởi lớp da có vảy và những hàng gai nhỏ hình cái quạt chạy dọc xuống theo xương sống. Tất cả kết hợp với với cái đầu dài có nhiều gai nhọn và một cặp mắt màu xanh da trời luôn động đậy tạo nên một sinh vật với dáng vẻ rất hăm dọa.

Nhưng trái ngược với vẻ ngoài dữ tợn, con vật này thực ra không hề nguy hiểm. Nó trầm tĩnh và duyên dáng, hoặc trông có vẻ như vậy. Cả ngày nó chẳng làm gì ngoài việc nằm dài trên những tảng đá ở đỉnh của thế giới, sưởi nắng dưới ánh mặt trời mùa hè và ngủ im lìm hết giờ này tới giờ khác, hết ngày này qua ngày khác. Đó là cách nó hưởng thụ hạnh phúc, được nằm dài nghỉ ngơi và nhìn ngắm đường chân trời ở xa xa. Sáng Thế Chủ cho loài sinh vật mạnh mẽ nhưng hòa bình này làm chúa tể của tất cả sinh vật trong thế giới của Ngài và là người bảo vệ nơi này một khi Ngài rời đi.

Nhưng rồi, sau khi Sáng Thế Chủ quay trở lại sau nhiều năm vắng mặt, Ngài không còn nhìn thấy thế giới tráng lệ mà Ngài để lại, mà thay vào đó là một thế giới hoang tàn và cháy rụi. Ngài không còn nhìn thấy bất cứ một sinh vật đẹp đẽ nào mà Ngài đã tạo ra không lâu trước đây. Chỉ còn duy nhất con rồng, vẫn nằm trên đỉnh của ngọn núi cao nhất, nghỉ ngơi như thường lệ, nhưng xung quanh nó chẳng còn gì cả ngoài một vùng đầm lấy chết chóc. Đấng Sáng Thế rất tức giận. Con rồng chắc hẳn đã ăn thịt tất cả các sinh vật và hủy hoại thiên đường của Ngài. Vậy nên Ngài đã biến con rồng thành một cái cây và bắt nó phải chịu tội. Mỗi khi vỏ cây bị cắt ra, con rồng sẽ chảy máu trong đau đớn.

Hang Halah ở phía Đông hòn đảo sâu hàng trăm mét, bên trong hoàn toàn tối tăm. Các măng đá và thạch nhũ cho thấy chiều cao của hang lớn đến thế nào khi so sánh với một người cao 1.7m đang cầm đèn pin.

Loài cây kỳ lạ ấy chính là cây Huyết Rồng, chỉ  có điều trong thực tế thứ nhựa chảy ra từ cái cây hiển nhiên không phải là máu rồng. Mặc dù chúng ta phải thừa nhận rằng truyền thuyết thật sống động và cứ như thuật lại một câu chuyện có thật vậy.

Cây Huyết Rồng – Dracaena cinnabari – loài cậy đặc hữu ở Socotra, Yemen.

Loài cây hình nấm nhìn trông giống như một bộ rễ chổng ngược lên trời với một rừng lá xanh mọc ở phía trên là cây Dracaena Cinnabari, một loài cây mãi xanh nhưng phát triển chậm. Trong thực tế cây này cho ra một loại nhựa cây màu đỏ đặc, người đời thường gọi nó là huyết rồng. Cây có thể mọc cao từ 4,5 tới 6m. Những ghi chép về nó xuất hiện lần đầu tiên năm 1835 từ Trung Uý Wellsted. Ông bị hấp dẫn trước dáng vẻ kỳ lạ của loài cây này khi tham gia một chuyến khảo sát do công ty Đông Ấn Anh (British East India) tổ chức thực hiện. Công ty này là công ty thương mại lớn nhất thế giới thời bây giờ. Ông đã đặt tên nó là Pterocarpus Draco.

Những người dân bản địa dùng nhựa của loại cây này như một thứ thuốc thần chữa bách bệnh. Họ dùng chúng để chữa tất cả mọi bệnh từ tiêu chảy, sốt, virut, bệnh lỵ, loét, thương tổn và một loạt các loại bệnh ngoài da và phát ban, như Eczema. Họ đã dùng huyết rồng như thế hàng thế kỷ rồi. Trên thực tế, người ta đã phát hiện được một dụng cụ đồ đá có niên đại 1,5 triệu năm trước Công Nguyên ở gần Hadibo, khu vực có người ở lớn nhất tại Socotra. Phát hiện này cho thấy hòn đảo có thể là một trong những cái nôi sinh ra loài người, và người dân trên đảo tin vào một truyền thuyết rằng khoảng 1.000 năm TCN, nơi đây đã từng đóng một vai trò rất quan trọng với người Ai Cập cổ.

Theo những người dân địa phương, những người Phoenician cổ đại có một niềm tin vững chắc rằng Socotra là một vùng đất thiêng, là tổ của chim Phượng Hoàng trong truyền thuyết. Bên cạnh đó, nơi đây còn có rất nhiều loại nguyên liệu quý hiếm mà họ khao khát – có thể kể đến vài cái tên trong số đó như trầm hương, mộc dược và lô hội.

Huyết rồng cũng là một liều thuốc chữa bệnh thần bí. Nơi đây đúng là một thiên đường thực sự cho những nhà thảo dược học, những pháp sư shaman  và những người chữa bệnh tinh thần. Thậm chí một số nhà ngôn ngữ/lịch sử học còn cho rằng sau khi dịch sang tiếng Ả Rập cổ, từ Socotra có nghĩa là Suq (chợ) và Qutra (huyết rồng).

Socotra, Yemen – tháng 2, 2013: một cây Huyết Rồng và các bé gái trên đảo.

Tuy nhiên, tất cả những câu chuyện truyền kỳ này đều không có bằng chứng chứng minh hoặc xuất phát những nguồn không thực sự tin cậy. Những người Socotra chưa bao giờ cần một bảng chữ cái trong ngôn ngữ của họ và cũng chưa bao giờ muốn viết lại lịch sử của mình.

Quang cảnh của đảo Socotra, Yemen đầy những cây huyết rồng.

Truyền thuyết, truyện ngụ ngôn và những câu chuyện cổ, cùng những trích dẫn trong biên niên sử của các quốc gia khác là những cột trụ cho lịch sử của Socotra. Tuy nhiên, nhưng chữ khắc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau tìm thấy bên trong các hang động nằm tại các cao nguyên đá vôi lớn của hòn đảo này cho thấy một đời sống văn hóa sung túc của một vùng đất đã từng có vai trò rất quan trọng với các nền văn minh khác nhau qua các thời đại khác nhau.

Những ghi chép đầu tiên về Socotra và tầm quan trọng của nó được đề cập tới vào khoảng năm 330 trước Công Nguyên trong thời kỳ diễn ra cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế. Sau đó nó được sử dụng làm căn cứ quân sự để từ đó ông ấy có thể triển khai quân đội tới Ấn Độ. Cuộc chinh phục của ông thất bại, nhưng hòn đảo có mộc dược và huyết rồng cho những người bị thương, vậy nên nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Hy Lạp và được đề cập đến hết lần này tới lần khác trong nhiều thế kỷ sau đó. Sử gia Hy Lạp Diodorus Siculus đã viết: vào thế kỷ thứ 1 TCN, Socotra cung cấp mộc dược cho cả thế giới, còn trầm hương của nơi đây tỏa hương khắp các đền thờ và nhà tắm của Hy Lạp, Ai Cập và La Mã.

Cây bình hoa là một loài cây đặc hữu của đảo Socotra.

Tuy nhiên, sự thay đổi đột ngột trong xu hướng tiêu dùng và văn hóa đã tác động tới nhu cầu của thị trường đối với các nguyên liệu đặc biệt kia, và vì vậy tầm quan trọng của hòn đảo này cũng theo đó mà giảm sút. Socotra nhận được sự chú ý của các tàu buôn trên tuyến đường hàng hải đi qua Ấn Độ Dương và biển Ả rập. Trong các thế kỷ sau đó, nó trở thành nơi tiếp dầu, nơi nghỉ ngơi của thủy thủ hoặc căn cứ cho các cuộc viễn chinh. Vào giữa thế kỷ 20, ngay sau khi kết thúc Thế Chiến thứ 2, nó trở thành một phần lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yemen và nằm dưới chế độ cộng sản cho tới tận cuối những năm 1990.

Có hơn 40.000 nghìn dân đang sống trên hòn đảo này. Rất ít người bên ngoài tới thăm nơi này hoặc thậm chí là không biết đến sự tồn tại của nó. Nó đã bị chia tách khỏi thế giới bên ngoài và khỏi lục địa châu Phi trong hàng triệu năm. Những người dân trên đảo đã sống ở đây cả cuộc đời mình. Họ nói ngôn ngữ riêng của mình, có phong tục tập quán riêng của mình. Họ vẫn dùng cây huyết rồng làm phương thuộc diệu kỳ cho mọi căn bệnh mà không cần nhà khoa học nào tới xác minh công dụng của nó.

Hình ảnh người dân Socotra.

Tuy vậy, Socotra được xem là một trong những khu vực có sinh thái đa dạng nhất trên biển Ả Rập, nếu không muốn nói là trên toàn bộ Ấn Độ Dương. UNESCO đã công nhận hòn đảo này là Di sản Thế giới và đưa khu vực này thành một Khu dự trữ Con người và Sinh quyển. Ở đây không có khách sạn, và đường nhựa cũng mới chỉ được trải gần đây. Tuy nhiên vẫn còn đó những cái cây chảy máu –  chảy máu vì không muốn bị chặt.

Cây Huyết Rồng chảy máu.

>>> Top 10 hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh

Quốc Hùng, theo Thevintagenews