Theo Kinh Thánh, hậu duệ của Noah sau Đại Hồng thủy đã xây dựng một ngọn tháp to lớn với tham vọng “chạm đến thiên đường”. Và theo truyền thuyết , đó cũng chính là điều khiến nhân loại không còn sử dụng chung một ngôn ngữ.
Babylon là một cái tên huyền thoại quen thuộc trong văn hóa phương Tây: nó gắn liền với vườn treo Babylon, một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại; nó gắn liền với Babylon, một nơi đã từng là thành phố lớn nhất trên thế giới trước Công Nguyên; và nó cũng gắn liền với ngọn tháp Babel cùng vọng tưởng chạm tới thiên đàng.
Câu chuyện về Babel (hay còn gọi là Babylon) được ghi lại trong sách Sáng Thế. Theo đó, sau trận Đại Hồng thủy, hậu duệ của Noah đã di cư về phía Đông và định cư tại một vùng đất có tên là Shinar. Thời bấy giờ, con người vẫn còn dùng chung một thứ tiếng. Họ dự định xây dựng nên một ngọn tháp cao lớn làm biểu tượng của loài người tên là tháp Babel, và vọng tưởng rằng thông qua đó có thể chạm tới Thiên đàng mà không cần nhờ đến ân huệ của Chúa.
Lúc đầu khi nhắc tới tháp Babel và thành phố Babylon, Kinh Thánh chỉ đơn giản nói là “thành phố ấy” và “ngọn tháp ấy”. Vì truyền thuyết này mà chúng mới mang tên là Babel hay Babylon. Babel trong tiếng Hebrew cổ còn có nghĩa là lung tung, lộn xộn, như một mớ bòng bong vậy.
Mặc dù Kinh Thánh không nhắc tới số phận của tháp Babel, nhưng trong rất nhiều kinh sách khác của người Do Thái, của học giả La Mã, Hy Lạp, thì Chúa Trời hay Thượng đế đã phá hủy ngọn tháp tội lỗi này bằng gió. Còn kinh Midrash thì nói rằng lửa đã thiêu rụi phần đỉnh tháp, phần chân tháp bị đất nuốt chửng, và những gì còn lại thì bị cát đá vùi lấp.
Đó là câu chuyện về sự kiêu ngạo của con người với Chúa Trời. Ban đầu, tất cả con người trên thế giới đều sử dụng chung một thứ ngôn ngữ, họ dễ dàng giao tiếp, dễ dàng hiểu nhau. Loài người đã cậy vào của cải vật chất được ban tặng mà thể hiện sự cao ngạo của mình.
Sự ngang ngược này khiến loài người phải trả giá, ban đầu tất cả nói chung một ngôn ngữ thì nay họ không thể hiểu nhau vì ngôn ngữ bị chia ra làm nhiều thứ tiếng. Con người cũng bị phân tán khắp nơi trên Trái Đất.
Theo các văn tự cổ, đó cũng là nguồn gốc của các ngôn ngữ khác nhau và sự phân bố của loài người. Thực tế, nhiều nhà ngôn ngữ học đã chỉ ra những đặc điểm chung của các ngôn ngữ cổ xưa – bao gồm cả tiếng Phạn, tiếng Latin, tiếng Hy Lạp.
Theo GS. Noam Chomsky, giáo sư ngôn ngữ học tại Viện công nghệ Massachusetts, các ngôn ngữ ấy chỉ là những biến đổi từ một nguồn ban đầu. Hiện nay có khoảng 6.900 ngôn ngữ riêng biệt còn tồn tại.
Như thường lệ, những tội lỗi của con người, kể từ việc ăn trái cấm trở đi, đều không tránh khỏi sự trừng phạt của Chúa Trời.
Vì thế, Babel không chỉ là một trong những câu chuyện về hành động thách thức của con người bị trả giá, mà còn là một truyền thuyết giải thích về nguồn gốc của các loại ngôn ngữ – các nền văn mình khác nhau.
Con người được tạo hóa ưu ái và luôn tự hào về tiềm năng và sức mạnh của mình nhưng câu chuyện tháp Babel, Đại Hồng Thủy,… cũng là bài học về sức mạnh vô hạn của tạo hóa và tự nhiên trước loài người bé nhỏ.
Hồng Liên (t/h)