Tinh Hoa

Thánh tỳ bà linh thiêng – Lời nói đùa của vị tăng nhân bị hiểu lầm tai hại

Thờ phụng Thần Phật là một tín ngưỡng tâm linh có từ muôn đời nay. Tuy nhiên, con người nhiều khi vì lợi ích trước mắt cho bản thân mà hồ đồ nhầm lẫn. Câu chuyện “bức tranh tỳ bà” dưới đây chính là một lời nhắc nhở.

(Ảnh minh họa)

Xưa nay, có không ít truyền thuyết Thần Phật hiển linh tới cứu độ chúng sinh hoặc diệt trừ quỷ quái; từ chuyện không có chứng cớ minh xác cho đến minh xác, nhưng kỳ thực đều là đại biểu cho lòng sùng kính Thần Phật của dân chúng.

Trong “Thái Bình quảng ký” có kể một câu chuyện “bức tranh tỳ bà”, là một bài học giáo huấn cho người đời:

Chuyện kể rằng, có một vị thư sinh đi thuyền, thừa dịp thuyền bỏ neo cập bờ ở Giang Tây, bèn lên núi tản bộ. Anh cứ theo con đường núi mà đi, bỗng thấy sườn dốc có một ngôi chùa cửa mở, bèn đi vào. Ngôi chùa khá rộng, vắng lặng không có ai, bên cạnh là hành lang dài, trên đó có để sẵn bút và nghiên mực. Vị thư sinh có sở trường hội họa, vì thế ngẫu hứng, anh mượn bút vẽ một cây đàn tỳ bà lớn lên vách tường màu trắng, bức vẽ giống như hệt như chiếc tỳ bà thật vậy. Thư sinh sau khi vẽ xong, lại xuống thuyền lên đường.

Vị tăng nhân trong chùa trở về, thấy trên tường có hình vẽ cây đàn tỳ bà, không biết là ai vẽ, liền nói với mọi người trong thôn: “Chi e đây là tỳ bà thiêng ở Ngũ Đài Sơn”. Đây vốn là câu nói đùa của tăng nhân, nhưng được mọi người trong thôn truyền tai nhau. Chỉ mấy ngày sau, tất cả mọi người đều rỉ tai nhau nói, nếu hướng đến thánh tỳ bà mà khẩn cầu thì rất linh nghiệm.

Vị thư sinh vẽ cây tỳ bà kia đi tới nước Ngô, hơn 2 năm sau, nghe người ta nói ở Giang Tây có một ngôi chùa nào đó có một thánh tỳ bà, vô cùng linh nghiệm, thư sinh trong lòng không khỏi âm thầm hoài nghi.

Một lần thư sinh có dịp về Giang Tây, anh lập tức đi thuyền tới địa phương nọ rồi đến ngôi chùa kia. Lần này, tăng nhân cũng không ở trong chùa. Thư sinh nhìn thấy đúng là bức tranh mình đã vẽ trước kia, nhưng giờ đây phía trước còn đặt cờ hoa và lư hương. Thư sinh lấy nước, đem tẩy rửa sạch sẽ bức vẽ. Xong việc, vị tăng nhân vẫn chưa trở về. Đêm đó, thư sinh liền ngủ lại trên thuyền, đến hôm sau anh lại đi vào chùa.

Tăng nhân đêm qua trở về, phát hiện thánh tỳ bà trên tường đã biến mất, liền nói với mọi người chuyện này. Người dân trong thôn tập trung đến, thấy thánh tỳ bà đã biến mất, ai nấy đều thở dài buồn bã. Mọi người đều nói trước đây thánh tỳ bà rất linh nghiệm, chắc là có ai đó làm phật ý, nên thánh tỳ bà mới rời đi.

Thư sinh nghe xong thì cười to, sau đó mới nói ra sự thật, rằng tỳ bà là do anh ta tự mình vẽ lên, sau đó cũng là do anh ta lau chùi sạch sẽ. Vị tăng nhân cùng mọi người trong thôn nghe thư sinh nói thì mới tin. Từ đó về sau, không còn ai kể về chuyện thánh tỳ bà linh nghiệm nữa.

***

Có thể thấy rằng, chuyện tương tự như câu chuyện “bức tranh tỳ bà” trên, kỳ thực trong xã hội ngày nay có rất nhiều, đều là vì con người lợi dụng tín ngưỡng tâm linh để trao đổi lợi ích cho bản thân mình.

Một số vị thầy bói, thầy cúng… bởi vì ban đầu có một vài khả năng được cho thần kỳ, khiến người ta cúng bái cho ông ta một đống đồ, rồi điên cuồng làm theo lời ông ta. Ví như, mua vật phẩm gì đó để tiêu tai giải nạn phát tài, công hiệu rất lớn, thậm chí ông ta còn bán cả dược liệu. Mua xong cảm thấy tinh thần phấn chấn, tất cả ốm đau bệnh tật đều tiêu tan.

Nào ngờ đến một ngày, vị thầy kia đột nhiên bị vạch trần, nói hắn chỉ là lừa tiền bịp bợm. Lúc này mọi người mới tỉnh ngộ, đấm ngực dậm chân kêu trời, nói mình hồ đồ, sao lại có thể tin tưởng người như vậy, hao phí không ít tiền. Khi đó, người nghe theo kẻ bịp bợm kia mua vật trừ tà hoặc ‘thuốc’ chữa bệnh, đều đột nhiên mất tác dụng, thì ra cảm giác phiêu phiêu sảng khoái tinh thần chỉ là nhất thời mà thôi.

Đáng sợ hơn, có không ít những kẻ bịp bợm lừa người kia đều là có phụ thể bám trên thân. Vậy nên, vật trừ tà kia cũng là bám theo phụ thể các loại cáo chồn quỷ rắn, ai mua phải nó rước về nhà chẳng phải là càng xúi quẩy hay sao!

Những chuyện giống như vậy quả thực đang đầy rẫy trong xã hội ngày nay.

Ở câu chuyện “bức tranh tỳ bà” trên, hậu quả không nhiều lắm, nhưng quả thực đã khiến dân tình tỉnh ngộ.

Người thật sự có tín ngưỡng Thần Phật, sẽ không dễ mà tín ngưỡng của mình bị đánh lừa như vậy. Họ nhất định sau khi nge các loại sự tích thần kỳ sẽ tìm hiểu sự thật, có hay không thực sự là Thần Phật mới đi theo thờ phụng. Hơn nữa, tín phụng Thần phật phải thành tâm, không phải chỉ vì nghe nói Thần Thánh linh thiêng, có thể ban cho mình sức khỏe, tiền tài… mới đi thờ phụng. Hy vọng đọc “bức tranh tỳ bà”, ít nhiều sẽ cảnh tỉnh cho bạn về điều này.

Phụ chú: Ngũ Đài Sơn, nằm ở huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, là một trong tứ đại danh sơn Trung Quốc. Trên Ngũ Đài Sơn có nhiều chùa chiền, được coi là Thánh địa Phật giáo, Phật gia xưng nó làm “Núi Thanh Lương”, Đạo gia cho rằng nó là thần tiên phủ, xưng nó làm “Tử Phủ sơn” .

Bảo An, theo secretchina