Tây An, thành Trường An xưa, nằm trên đồng bằng Quan Trung là cái nôi của nền văn minh lưu vực sông Hoàng Hà, nơi 13 vương triều Trung Quốc như Tây Chu, Tần, Tây Hán, Tùy, Đường, Minh… chọn làm kinh đô trong suốt 1.100 đến 1.500 năm lịch sử.
Cố đô đầu tiên
Thành phố Tây An, xưa là thành Trường An, là kinh đô đầu tiên trong số bốn kinh đô cổ đại của Trung Quốc, gồm Tây An, Lạc Dương, Nam Kinh và Bắc Kinh, với hơn 3.100 năm lịch sử.
Ghi dấu nhiều biến thiên trong lịch sử Trung Quốc, thành Trường An gắn liền với những nhân vật như Tần Thủy Hoàng, Đường Minh Hoàng, Võ Tắc Thiên… Nơi đây còn là điểm xuất phát phía Đông của Con đường tơ lụa huyền thoại.
Trường An có nghĩa là “bình yên bền lâu”. Trong suốt thời kỳ làm kinh đô, Trường An là một đô thị phát triển, có vai trò tương tự như Rome của La Mã. Tuy nhiên, sau khi nhà Đường suy vong, kinh đô Trung Quốc được dời về Lạc Dương ở phía đông vào năm 904. Mặc dù Tây An vẫn là điểm đầu phía đông của Con đường tơ lụa nhưng nó không bao giờ lấy lại được vị thế chính trị và văn hóa của mình.
Qua nhiều năm, nó trở thành một thành phố tỉnh lẻ, bao quanh là những nông trang khô cằn. Những công trình kiến trúc cổ, những tự viện và chùa chiền đã bị phá hủy nghiêm trọng trong sự tàn phá của cuộc Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến năm 1976.
Mãi cho đến năm 1974, sau khi những người đào giếng tình cờ phát hiện ra đội quân đất nung thì Tây An một lần nữa lại nổi lên trên bản đồ quốc tế. Ba thập niên sau, thành phố này đã trở thành một trung tâm gia công phần mềm và thực hiện dịch vụ cho các nơi khác; chính quyền địa phương cũng đã đổ tiền của vào để phát triển du lịch.
Các công trình cổ và các viện bảo tàng được khôi phục. Người ta cũng phục dựng các di sản Phật giáo và các công trình từ thời Đường, nhưng chủ yếu để phục vụ mục đích du lịch. Một trong những công trình này là Đại Nhạn Tháp – ngôi chùa linh thiêng nhất ở Tây An – do Đường Tăng, vị hòa thượng đã 18 năm rong ruổi đến xứ Thiên Trúc ở Ấn Độ để thỉnh kinh, xây dựng vào năm 652. Đây là nơi lưu giữ những áng kinh Phật cổ.
Tòa tháp có 7 tầng, cao 64,5 m, bằng đất nện, thiết kế hình nón vuông, và từ đỉnh có thể nhìn bao quát thành phố Tây An. Công trình này nằm trong quần thể Đền Đại Từ Ân. Ngay mặt trước quần thể này là bức tượng sư Huyền Trang lớn.
Hồi năm 1966, Hồng vệ binh đã thiêu hủy các kinh văn, các bức tranh lụa treo tường và các cổ vật khác trong một đám cháy lớn kéo dài suốt đêm. Nhưng giờ đây, người ta gần như đã quên lãng sự tàn phá đó và các du khách vẫn kéo về ngôi chùa đã được trùng tu trong thời gian gần đây với những đền và điện thờ Đức Phật. Di tích nguyên thủy còn lại là ngôi tháp bảy tầng được thắp sáng hằng đêm và nổi bật trên nền trời thành phố.
Công viên chủ đề
Tây An còn sở hữu những công trình có từ thời Đường với công viên chủ đề Nhà Đường rộng 165 mẫu được du khách lui tới thường xuyên. Tất cả những kiến trúc trong công viên này đều là phục dựng với quang cảnh các hồ nước khu vườn, cây cầu và đền đài lầu các.
Ngồi trên một chiếc xe chơi golf đi hết khu công viên rộng lớn này, bạn có thể lên xuống xe ở đâu tùy thích để xem diễn tuồng từ thời Đường hay xem múa hát trên hồ hay chiêm ngưỡng những thác nước nhân tạo công phu và tượng các nhân vật lịch sử, các bậc thánh hiền và các thi nhân.
Đi 36 cây số về phía đông bắc các bạn sẽ đến danh thắng nổi tiếng nhất ở Tây An: Đội quân đất nung. Vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh đắp đội quân này vào năm 221 TCN. Ông đã huy động số phu 70 vạn người để tạo ra đội quân canh giữ lăng mộ.
Khách viếng thăm chỉ có thể thấy được một phần nhỏ của đội quân dưới lòng đất đã được khai quật này (chỉ khoảng 1.900 trong số 7.000). Mộ của Tần Thủy Hoàng vẫn chưa được khai quật nhưng các nhà khoa học đang thăm dò xem trong đó có gì, bằng cách dùng các công nghệ cảm ứng từ xa.
Họ tin rằng trong mộ Tần Thủy Hoàng còn có những thứ còn vĩ đại hơn đang chờ được khám phá, trong đó có tượng đất nung đội ngũ hầu hạ lao dịch, các cỗ xe ngựa bằng đồng và những thứ khác mà vị hoàng đế này cho rằng mình sẽ cần ở thế giới bên kia.
Trở lại Tây An, đi qua những vườn đào và vườn lựu gần đến thành phố thì quang cảnh đầy những tòa nhà chọc trời. Bức tường cổ chạy dài không dứt bao quanh thành phố là một trong những hệ thống phòng thủ cổ đại lớn nhất trên thế giới.
Được bắt đầu xây dựng dưới thời Đường và sau đó được Chu Nguyên Chương, vị vua khai quốc của triều Minh, mở rộng, bức tường đá này kéo dài hơn 13,7km và là bức tường thành còn nguyên vẹn nhất vẫn còn tồn tại ở Trung Quốc.
Du khách có thể vào thăm ở nhiều cổng khác nhau mặc dù Nam Môn là cửa lớn nhất và dễ vào nhất. Leo lên những bậc thang cao bằng đá và đi bộ hay đạp xe trên tường thành, bạn sẽ có thể ngắm nhìn thành Tây An trải rộng dưới tầm mắt.
Theo BBC