Người xưa thường răn dạy con cháu phải “hành thiện tích đức”, dân gian cũng có câu rằng “có đức mặc sức mà ăn”, chính là nói người làm nhiều việc tốt thì sẽ tích được đức, có đức thì tất sẽ có phúc. Người đại đức chẳng những mang đến vinh diệu cho bản thân mà còn khiến bạn bè thân quyến hưởng lợi, thoát khỏi tai ương, hậu nhân cũng nhờ đó mà đắc công danh phú quý.
Trong cuốn sách cổ “Vi chính Thiện báo sự loại” của học giả Diệp Lưu có kể một câu chuyện như sau:
Vào thời Bắc Tống có một người tên là Trương Khánh, đảm nhiệm chức Hữu quân tuần viện chuyên quản việc tư pháp. Trương Khánh luôn nghĩ cho người khác, giữ thân mình trong sạch, làm việc cẩn trọng, không hề khinh suất và thường đích thân mình đi làm mọi việc.
Anh ta thường tự tay mình lau rửa các đồ dùng của phạm nhân trong nhà ngục. Vào những ngày nóng như thiêu đốt, anh ta thường nói với phạm nhân rằng: “Con người phạm pháp bị bắt giữ vào đây, việc này không ai mong muốn như thế cả nên mọi người phải chú ý vệ sinh, ăn uống ngủ nghỉ càng phải sạch sẽ và cẩn thận.”
Trương Khánh thích đọc kinh Phật và thường hay thành kính niệm kinh. Mỗi lần có phạm nhân lãnh án tử hình, anh ta thường ăn chay và niệm kinh cho người đó trong suốt một tháng.
Vào năm Cảnh Hựu thứ IV, kinh đô xảy ra đại dịch. Thê tử của Trương Khánh qua đời vì bị nhiễm bệnh nhưng ba ngày trôi qua vẫn chưa mang đi chôn. Không ngờ là sau đó, Viên thị đột nhiên tỉnh lại, điều này khiến người trong nhà vô cùng kinh ngạc.
Viên thị kể cho người nhà nghe, rằng cô đã nhìn thấy một người mặc y phục màu trắng, thân hình mảnh mai, nét mặt đoan chính và trang nghiêm nói chuyện với cô: “Phu quân của cô một đời hành thiện, tích nhiều âm đức, con cháu sẽ có người được hưởng vinh hoa phú quý. Cô còn chưa có con cái, thì đến nơi Âm gian này để làm gì?”
Giọng nói chưa dứt thì bàn tay của người mặc y phục trắng nắm lấy chân, và quăng cô ra khỏi chốn Âm gian. Nhờ đó mà Viên thị đã hồi tỉnh lại.
Năm sau, Viên thị hạ sinh một bé trai, đặt tên là Hanh (ý tứ là hanh thông, thông suốt). Ba ngày sau khi Hanh được sinh ra, có một vị Đạo sĩ vân du khắp nơi đi đến trước cửa nhà Trương Khánh. Trương Khánh nhiệt tình thỉnh mời ông vào nhà.
Vị Đạo sĩ ngồi xuống và nói với Trương Khánh: “Anh vốn không có con cháu nối dõi, hôm nay ta vân du đến trước cửa nhà anh nghe thấy có tiếng trẻ nhỏ, không biết đứa bé có phải là con trai của anh không?” Trương Khánh kể tường tận cho vị Đạo sĩ về chuyện thê tử sống lại sau ba ngày qua đời vì bệnh dịch.
Vị Đạo sĩ cảm thán nói: “Hóa ra là vậy. Con người hành thiện, công đức vô lượng. Hôm nay, ta nghe được tiếng đứa trẻ, cảm thấy kinh ngạc là anh không chỉ có con cháu nối dõi, mà còn chúc mừng anh là con cháu sẽ liên tục ghi danh lên bảng vàng. Anh phải giữ vững tiết tháo để chờ đợi mà nghiệm chứng.”
Trương Khánh hưởng thọ 83 tuổi, cuối đời không chút bệnh tật. Con trai là Hanh về sau đảm nhiệm chức quan võ, làm quan đến lục phẩm với chức vụ Phó sử nội tàng khố. Hanh có sáu người con đề tên lên bảng vàng vào năm Nguyên Lễ thứ V. Con trai của Hanh có một người tên là Hồng, Hồng lại có hai người con đều được đề tên lên bảng vàng.
Tầng lớp sĩ đại phu thời đó đều ca ngợi chuyện nhà của Trương Khánh, họ đều cho rằng đó là một câu chuyện vĩ đại. Người ta đều tin rằng ông Trời bảo hộ người thiện lương, thiện ác hữu báo như hình với bóng, quả không sai.
Thế Di