Tinh Hoa

Thắng hòa thượng một gánh củi, cậu bé không ngờ đã mất đi thứ đáng giá hơn nhiều

thang-hoa-thuong-mot-ganh-cui-cau-be-khong-ngo-da-mat-di-thu-dang-gia-hon-nhieu

Cậu bé bày trò cá cược với vị hòa thượng và đã thắng được một gánh củi. Cậu cho rằng mình thật thông minh, nhưng nào ngờ đã vô tình đánh mất đi thứ còn đáng giá hơn nhiều…

Thua và thắng

Có một hòa thượng lên núi chặt củi, trên đường trở về, ông phát hiện cậu thiếu niên nọ đã bắt được một con bướm và đang cố gắng khom hai bàn tay lại để giữ cho nó khỏi bay.

Thường thì vào những lúc chúng ta tự cho rằng mình đã thắng nhưng trên thực tế, có khi chúng ta đã thua nhiều hơn mà chẳng hay. (Ảnh: Pinterest)

Nhìn thấy người tu hành, cậu cất lời: “Hòa thượng, cháu và ngài đánh cược một ván được không?”

Hòa thượng hỏi lại: “Cược thế nào?”

“Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, bó củi sẽ thuộc về cháu”, cậu thiếu niên trả lời.

Vị hòa thượng nọ đồng ý và đoán: “Con bướm trong tay cháu chết rồi”.

Cậu thiếu niên cười lớn đáp: “Ngài đoán sai rồi”. Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ trong bay lên.

Hòa thượng nói: “Được, gánh củi này thuộc về cháu”. Nói xong, ông đặt gánh củi xuống, vui vẻ bước đi.

Cậu thiếu niên không biết vì sao hòa thượng lại có thể vui vẻ đến như vậy, nhưng nhìn gánh củi trước mặt, cậu ta cũng không để tâm lắm mà vui vẻ gánh củi về nhà.

Nhìn thấy con về, người cha liền hỏi số củi đó ở đâu ra, cậu mới đem chuyện kể lại cho cha nghe.

Nghe hết câu chuyện của con trai, đột nhiên ông giơ tay tát con một cái, giọng giận dữ: “Con ơi là con! Con hồ đồ quá rồi! Con nghĩ là mình đã thắng sao? Ngay cả khi con đã thua, con cũng không hề biết mình đã thua đấy!”

Lời cha nói khiến cậu con trai ngơ ngác, không hiểu gì. Người cha liền bắt cậu gánh bó củi lên vai, hai cha con mang củi đến trả cho nhà chùa.

Nhìn thấy vị hòa thượng nọ, người cha liền cất tiếng: “Thưa thầy, con trai tôi đắc tội với thầy, xin thầy lượng thứ”.

Hòa thượng gật đầu, mỉm cười nhưng không nói gì.

Trên đường trở về nhà, cậu thiếu niên sau một khoảng thời gian băn khoăn cuối cùng cũng đã nói ra những nghi vấn trong lòng.

Người cha thở dài, nói: “Vị hòa thượng đó cố ý đoán con bướm chết, như thế con mới thả nó ra và thắng được gánh củi. Nếu ông ấy nói con bướm còn sống, con sẽ bóp chết con bướm và con cũng sẽ thắng cược. Con cho rằng vị hòa thượng đó không biết con tính toán gì sao?

Người ta thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi. Còn con, con đã thua, đã để mất thứ quý giá đó mà chẳng hề hay biết”.

Cảm ngộ: Thắng, thua, thành, bại là những chuyện thường xuyên giày vò cuộc sống của con người. Thường thì vào những lúc chúng ta tự cho rằng mình đã thắng nhưng trên thực tế, có khi chúng ta đã thua nhiều hơn mà chẳng hay.

Lương thiện là thứ quý giá nhất trên đời mà chúng ta cần nắm giữ. (Ảnh: Pinterest)

Công Tôn Nghi từ chối nhận ba ba

Công Tôn Nghi là Tể tướng của Lỗ Mục Công – vua nước Lỗ dưới thời Chiến Quốc. Ông có một sở thích đặc biệt với các món chế biến từ ba ba. Biết điều này, người người mang ba ba đến nhà tặng cho ông, tuy nhiên Công Tôn Nghi đều nhất loạt từ chối.

Em trai ông lấy làm lạ, liền hỏi: “Huynh vốn thích ăn ba ba, tại sao người ta có lòng tốt mang đến tặng, huynh lại không nhận?”

“Chính vì huynh thích ba ba nên mới không thể nhận. Ăn vài con thì không sao nhưng nếu thường xuyên nhận quà của người khác, chẳng phải huynh tự bôi nhọ thanh danh của mình, mang tiếng nhận hối lộ sao. Đến lúc đó, chức tể tướng sẽ không thể giữ được.

Khi đó, có thèm ăn ba ba đến cỡ nào cũng khó mà được ăn. Bây giờ, không nhận của người khác, huynh có thể yên ổn làm tể tướng, tận hưởng các món ăn yêu thích thêm vài năm nữa là điều có thể”.

Cảm ngộ: Trong 6 điều hối hận lớn trong đời mà Tể tướng thời Bắc Tống – Khấu Chuẩn lưu lại cho hậu thế, có câu đúc kết từ trí tuệ và trải nghiệm của người xưa:

“Làm quan tư lợi, mất rồi mới tiếc”, ý rằng phàm là những người gánh vác trên vai quyền và trách nhiệm với dân, hãy bỏ qua tư lợi để làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình, kẻo có ngày hối hận cũng đã muộn.

Sưu tầm