Tinh Hoa

Tháng Giêng cố đô Huế – Tháng Giêng đau thương

51 năm qua, tháng Giêng ở Cố đô Huế có lẽ là tháng buồn nhất trong năm mặc dầu người ta vẫn nói “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Thời tiết càng mưa lạnh, nỗi buồn càng thấm thía. Buồn và khắc khoải nhớ thương.

Đống đổ nát sau chiến dịch Tết Mậu Thân ở Huế. (Ảnh tư liệu)

Tôi chưa bao giờ quên được – và có lẽ tất cả những người dân Huế sau tuổi 50 cũng vậy – cái tết đau thương ấy. Tết Mậu Thân.

Lúc ấy tôi vừa lên 11, cái tuổi đã bắt đầu biết quan sát và ghi nhớ những gì diễn ra chung quanh. Năm ấy, sau đêm giao thừa và ngày mồng một bình yên, tối đến chúng tôi nghe râm ran tiếng nổ lách tách rất gần, không phân biệt được tiếng pháo hay tiếng súng, cho đến khi nghe tiếng nổ lớn hơn thì ba tôi la lên: “Pháo kích! Có đánh nhau rồi!”.

Cả nhà đang xúm xít trên chiếu bài tới bỏ chạy tán loạn, núp sau vách nhà, dưới bộ ván, dưới gầm giường… núp vào đâu mà theo chúng tôi nghĩ là an toàn. Mẹ tôi và bà ngoại tôi chia nhau canh giữ 8 anh em tôi, đứa nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi và đứa lớn nhất học đệ tứ. Ba tôi chạy vô chạy ra xem xét tình hình và chỉ huy.

Đạn vẫn réo ở trên đầu, chúng tôi nghe tiếng đạn bay ngang qua nóc nhà rồi rơi xuống đâu đó trong đồn Mang Cá, theo sau là một tiếng nổ lớn. Sân bay Tây Lộc và đồn Mang Cá là hai địa điểm hứng chịu nhiều quả đạn pháo nhất. Gần sáng, ba tôi sau khi xem xét tình hình rồi ra lệnh cho cả nhà ra sân núp sau dãy bờ lô dày mà ba tôi chuẩn bị để xây nhà. Trời mưa phùn và lạnh thấu xương. Chúng tôi mặc đủ ấm nhưng hai hàm răng vẫn đánh vào nhau run lập cập, không biết vì lạnh hay vì quá sợ hãi.

Cửa Thượng Tứ. (Ảnh tư liệu)

Với kinh nghiệm trong quân đội trước đó, Ba tôi vội vã làm một cái hầm nổi ở ngoài sân bằng vật liệu sẵn có để gia đình tôi trú đạn. Ngày mồng hai tết đã có nhà sập, đã có người chết. Tiếp theo là những ngày chúng tôi sống trong kinh hoàng với tiếng đạn réo trên đầu, tiếng súng nổ giao tranh, tiếng đại bác ì ầm… Tôi nghe tiếng bước chân ai đó trên đường, tiếng nói trong đêm…

Ban ngày tôi thấy người ta bồng bế con nít gánh gồng chạy đi rồi lại chạy về… Người ta chẳng biết chạy đi đâu. Ba tôi lẫn vào trong đoàn người đi nắm tình hình đến khi về nhà ra quyết định không chạy đi đâu hết, chỗ nào cũng không an toàn, chỗ nào cũng có nhà sập, người chết, có chết thì chết cùng nhau, khỏi sợ thất lạc.

Đạn bay, súng nổ, nhà sập, người bị dẫn đi, người chết… nhưng trong nỗi hãi hùng ấy tuyệt đối tôi không nghe được tiếng khóc than. Có lẽ sự sợ hãi lên đến cực điểm thì con người hoá câm lặng?

Ngày qua ngày, cả gia đình tôi chen chúc trong căn hầm ẩm thấp tối tăm chật chội ấy, thỉnh thoảng anh tôi được phép lên nhà lấy một ít thức ăn (mà bà Ngoại tôi kín đáo nấu) đem vào hầm cho cả nhà. Tôi nghe thấy tiếng thì thào của ba mạ tôi: “Cầu sập rồi!” Mạ tôi thở dài: “Chừ biết chạy đi mô nữa…”. Rồi nỗi kinh hoàng ấy dần dần qua đi sau gần một tháng.

Hết tháng Giêng!

Sau những ngày tết hãi hùng đó, lần đầu tiên tôi được theo mạ tôi ra chợ Đông Ba, tôi ngơ ngác vì sự hoang tàn đổ nát của phố phường. Không có nơi nào là không có dấu vết của bom đạn để lại. Mọi người hỏi han nhau ai còn? ai mất? ai đi chưa về?… Lác đác đã có vành khăn tang trên đường và tiếng khóc than trong nhiều nhà. Tiếng chuông mõ cầu siêu đều đều vang vọng.

(Ảnh tư liệu)
Ngã giữa (nay là Phan Đăng Lưu).

Sang tháng hai, tháng ba Âm lịch mỗi ngày càng có nhiều gia đình nhận được hung tin sau một chuỗi ngày chờ đợi người thân chưa về. Người ta dắt díu nhau đến các hố chôn tập thể ở trường Gia Hội, ở Bãi Dâu, ở ven biển Điền Hải, Thuận An…để tìm xác người thân. Bây chừ thì tiếng khóc đã bật lên to hơn, người ta đau đớn kêu gào trong tận cùng nỗi tuyệt vọng. Huế là một thành phố tâm linh bây giờ lại càng ngập tràn trong hương khói.

Chiến tranh đã đi qua, 50 lần Tết kể từ năm ấy nhưng hình như người dân Huế chưa nguôi ngoai. Tôi không dám kết tội cho ai đó, vì chiến tranh là vậy. Ai thắng – Ai thua để lịch sử phán xét. Còn tôi, tôi thấy người dân lành là kẻ thảm bại vô cùng.

Bây chừ là tháng Giêng. Tháng Giêng Huế chìm trong hương khói suốt tháng để kỵ. Người ta kỵ mà không biết rõ người thân mình mất ngày nào để mời về hưởng với con cháu. Điều đó làm người sống không bao giờ nguôi ngoai.

Huế ơi…

DNGA

Đăng lại từ bài viết “Cố đô Huế – Tháng Giêng”
Đăng trên Fanpage Kết Nối Huế Thương
Mời độc giả yêu Huế ghé thăm

Theo Trithucvn