Theo quan niệm dân gian, tháng 7 còn được gọi là tháng cô hồn, đây là thời điểm mọi người sẽ bày mâm cỗ cúng cô hồn tránh xui xẻo, đồng thời cũng để an ủi các vong linh được no nê, đỡ tủi phận.
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 Âm lịch hàng năm được coi là tháng “cô hồn”. Vào thời gian này, người Việt thường có tập tục cúng cháo, gạo, muối… cho các vong hồn đã khuất. Phong tục này có từ lâu đời và xuất phát từ quan niệm xa xưa.
Theo đó, dân gian cho rằng, con người bao gồm hai phần là phần hồn và phần xác. Khi con người mất đi, phần hồn vẫn tồn tại, có người được đầu thai kiếp khác, có người bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian.
Video: Lời cầu cứu của 2 con quỷ đói!
Hàng năm, vào ngày 2 tháng 7 Âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan, “thả cửa” cho ma quỷ túa ra tứ phương. Đến ngày 14/7 Âm lịch thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Việc cúng “cô hồn” trong dân gian không chỉ để bị quấy phá mà còn xuất phát từ nghĩa cử cao đẹp muốn làm phúc, giúp những cô hồn có một ngày được no nê, đỡ tủi phận.
Trong tháng 7 Âm lịch hàng năm, ngoài lễ cúng “cô hồn” còn có lễ Vu lan vào rằm tháng 7, là dịp để báo hiếu với mẹ cha, tìm về với nguồn cội, tưởng nhớ về những người đã khuất. Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị một mâm cỗ cúng để báo ơn cha mẹ 7 kiếp. Tại các chùa Việt Nam, vào ngày lễ Vu lan thường có nghi thức “Bông hồng cài áo”, là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người.
Ở Nhật Bản, người dân xứ sở Phù Tang cũng có một lễ hội mang ý nghĩa tương tự Vu Lan, đó chính là lễ Obon. Đây là lễ hội được mong chờ nhất trong mùa thu của người Nhật Bản. Lễ hội này mang ý nghĩa chào đón sự ghé thăm của những linh hồn tổ tiên đã khuất, thể hiện lòng biết ơn và cầu an cho các linh hồn. Ngày nay, lễ hội này cũng trở thành dịp để sum họp gia đình và thể hiện tình yêu thương đối với những người còn sống.
Lễ Vu Lan còn trùng với ngày “Xá tội vong nhân” của phong tục Á Đông. Theo Đạo giáo, ngày này gọi là “Quan Âm phủ xá tội”, bởi vào rằm tháng 7, quan Âm phủ phải từ bi xá tội. Theo phong tục dân gian, vào ngày này, mọi người thỉnh cầu quan Âm phủ xá tội cho vong nhân, sau này lại trở thành phổ độ cho các vong linh cô hồn dã quỷ.
Tại Việt Nam, việc cúng Rằm tháng 7 bao giờ cũng phải cúng ở chùa (thờ Phật) trước, rồi mới đến cúng tại gia. Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm, khi Mặt Trời đã lặn.
Trong văn hóa Trung Hoa, lễ Vu lan cũng trùng với tiết Trung Nguyên và được gọi là “tiết quỷ”. Người Trung Quốc có câu “vịt giữa tháng bảy, không biết sống chết”, ngụ ý người đời không biết đại nạn ập xuống. Vì sao nói như vậy? Đó là do trong tiết này có phong tục “Trung nguyên phổ độ”, giữa tháng 7 cũng là thời điểm con vịt phát triển đến kích thước thích hợp, thịt ngon nhất, nên đúng dịp trở thành vật tế phổ độ, từ đó có câu nói này.
Từ các phong tục truyền thống trên, ta có thể thấy tháng 7 âm lịch là tháng tràn đầy từ bi hỉ xả. Trong tháng 7 âm lịch, khắp nơi một mảnh hiếu tâm chăm sóc cha mẹ và thiện tâm phổ độ cô hồn dã quỷ. Trong lúc thiện tâm thiện hạnh tràn ngập khắp nơi như vậy, sao không đối nhân xử thế tốt hơn để thêm phúc?
Tú Văn (t/h)