Vào thời nhà Minh, một vị tiểu thương bán bút trong lúc bệnh tình nguy kịch, đã được một đạo sĩ ra tay cứu giúp, chữa khỏi trọng bệnh. Sau đó, mọi người phát hiện ra rằng đạo sĩ chính là Lã Động Tân trong bức tranh chân dung…
Ở huyện Hoa Đình có một người họ Chử, làm nghề bán bút để kiếm sống. Trong năm Mậu Tý thời Vạn Lịch, Chử chẳng may mắc bệnh, bệnh tình của anh ngày càng trầm trọng, vô phương cứu chữa, các thầy thuốc đều bó tay bất lực, thuốc thang cũng vô hiệu. Anh ta vô cùng gầy gò, chỉ còn da bọc xương, hơi thở thoi thóp, đau đớn từng ngày. Bất kể ai nhìn thấy tình cảnh của anh ta đều cảm thấy không thể cứu chữa được nữa, chắc mẩm rằng anh sẽ không qua khỏi.
Vào năm Vạn Lịch thứ mười lăm (1587), một ngày nọ, quan Thái thú Tùng Giang là Dụ Quân (1539-1605, tự là Bang Tương) đi du ngoạn. Đội cận vệ danh dự của quan phủ rất hoành tráng và uy nghiêm. Khi đội cận vệ sắp đi qua, người họ Chử vẫn đang nằm phơi nắng ở ngoài cửa, vợ và chị dâu vội dìu anh dậy để tránh đường, nhưng trong nhất thời khó mà dìu nổi.
Dụ Quân nhìn thấy từ xa, trong lòng rất thương hại cho hoàn cảnh của người mắc bạo bệnh. Vì vậy, ông đã nói với các sai nha của huyện Thanh Đạo rằng đừng mắng chửi và bắt anh ta tránh đường, ông đổi sang đi đường khác cũng được!
Một hôm, có vị đạo sĩ nọ đi ngang qua nhà của người họ Chử, ông mặc áo khoác màu lam, đầu quấn khăn xanh. Khi đạo sĩ nhìn thấy bộ dạng xơ xác của anh, trong lòng trào dâng niềm xót thương, vì vậy ông đã nói với anh rằng: “Ngươi hãy mang cho ta 20 quan tiền, ta sẽ cứu mạng ngươi.” Vợ và chị dâu của người họ Chử vô cùng ngạc nhiên, nhưng sau đó vẫn thu vén chuẩn bị tiền đưa cho đạo sĩ.
Đạo sĩ lấy tiền phân phát cho những người ăn xin trước chùa, rồi từ móng tay cắt ra bảy viên thuốc màu đỏ, to bằng hạt cải. Ông nói: “Uống hai viên thuốc này cùng với nước sẽ thấy hiệu nghiệm. Nếu không có tác dụng thì uống thêm hai viên nữa, tinh thần sẽ phấn chấn ngay.” Cầm những viên thuốc trên tay, ông nói muốn vào nhà pha thuốc, chị dâu của người họ Chử vội vàng mời ông vào trong.
Đạo sĩ dùng nước để hòa tan viên thuốc rồi nhỏ vào miệng của người họ Chử. Chỉ một lúc sau, anh đã nhanh chóng ngồi dậy đòi ăn uống, còn có thể vịn tay vào đồ vật để tự mình đi lại. Một lúc sau, anh uống thêm hai viên thuốc nữa, liền có thể đi lại như bình thường, cũng không còn cảm giác uể oải mệt mỏi nữa.
Cả nhà vô cùng cảm kích trước ân cứu mạng của đạo sĩ, xúm xít lại cảm ơn, đồng thời hỏi đạo sĩ sống ở đâu. Đạo sĩ trả lời: “Ta trước nay luôn sống trong nhà của Diêu Liêm Sát, không có nơi ở nào khác.”
Ngày hôm sau, vợ của người họ Chử đến nhà Diêu Liêm Sát hỏi chuyện về vị đạo sĩ. Diêu Liêm Sát nghe xong hết sức ngạc nhiên, ngẫm nghĩ một hồi, khẳng định mình không hề quen biết với vị đạo sĩ nào như vậy, trong lòng trăm mối hoài nghi.
Đột nhiên, vợ của Diêu Liêm Sát bước ra từ phía sau tấm bình phong và nói: “Liệu có phải là Lã Động Tân mà chúng ta đang thờ cúng ở tòa nhà phía sau không?”
Thế là bèn dẫn vợ của người họ Chử lên tầng trên. Khi vừa thấy bức chân dung của Lã Động Tân, người vợ liền nhận ra đó chính là hình ảnh của vị đạo sĩ với chiếc áo choàng màu xanh lam, đầu quấn khăn xanh.
Vậy là, Thần Tiên Lã Động Tân đã hiện thân cứu người họ Chử thoát khỏi bệnh nặng, quả nhiên thuốc vào là hết bệnh. Sự việc này đã gây chấn động cư dân địa phương đương thời và trở thành câu chuyện được mọi người ca tụng, ai ai cũng ngạc nhiên và cảm phục trước việc Chân Nhân cảm thương người trần. Sau đó, gia đình của người họ Chử đã chuyển những viên thuốc còn lại cho Hứa Ngự sử.
Lã Động Tân là một nhân vật có thật trong lịch sử, sinh vào năm Đường Đức Tông Trinh Nguyên thứ mười hai (796, năm Bính Tý). Nhưng có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm ông đắc Đạo thành Tiên. Theo chính sử “Tống sử – Trần Chuyên truyện” ghi chép, đến thời nhà Tống, Lã Động Tân đã hơn 100 tuổi, nhưng gương mặt vẫn còn rất trẻ trung. Bước chân của ông nhẹ nhàng như không và có thể đi hàng trăm dặm trong tích tắc. Ông đã đến nơi ở của Trần Chuyên vài lần.
Đến thời nhà Minh, Lã Động Tân đã trở thành một vị Thánh Nhân hạ thế, cứu người bằng thuốc, khai sáng cho giới quan lại quyền quý, truyền bá phổ cập những câu chuyện Nho học,… Tất cả đều được mọi người ghi chép lại, và lưu truyền những Thần tích của ông cho muôn đời sau.
Lời bình
Vào thời xa xưa, đạo đức của con người còn cao thượng, ai ai cũng tin vào nhân quả báo ứng, có tâm kính sợ đối với Trời Đất, kính nể người tu Đạo, vì thế mà khắp nơi đều xuất hiện những Thần tích nhiệm màu, Thần Phật hiển linh cứu giúp người hoạn nạn không phải chuyện hiếm có vào lúc đó.
Ngày nay, đạo đức trượt trên dốc lớn, thói đời ngày càng sa sút, người ta không tin nhân quả, dám phỉ báng Thần Phật, việc ác nào cũng không từ, vì thế mà tạo nghiệp to lớn, thế gian trở thành nơi hiểm ác vô cùng, các Thần tích cũng không thể triển hiện ra được nữa. Con người chỉ có quay về truyền thống, hướng tới thiện lương, khôi phục tiêu chuẩn đạo đức vốn có của mình, thì mới cứu vãn được cục diện, và cũng chỉ khi đó những Thần tích cổ xưa mới một lần nữa xuất hiện trở lại.
Thế Di