Trong quan niệm truyền thống, người xưa cho rằng văn hóa nghệ thuật chân chính là do Thần truyền cấp cho con người, bao gồm cả hội họa, điêu khắc, viết chữ… Vì do Thần truyền, nên khi người nghệ nhân, họa sĩ có tín ngưỡng vào Thần Phật, tâm ý thuần chính, kết hợp tài năng thiên bẩm của họ, thì có thể sáng tạo ra những tác phẩm không chỉ có giá trị thưởng thức rất cao, mà thậm chí còn có thể biến hóa thành thật, lưu lại Thần tích cho hậu thế.
Vẽ rồng điểm mắt
Thành ngữ “Vẽ rồng điểm mắt” xuất phát từ cuốn “Lịch đại danh họa ký” do Trương Ngạn Viễn đời Đường biên soạn. Trong đó có kể về danh họa Trương Tăng Dao, từng vẽ bốn con rồng trên bức tường của Kim Lăng An Lạc Tự, nhưng ông không vẽ mắt.
Có nhiều người hiếu kỳ hỏi vì sao, ông thường đáp rằng: “Vẽ mắt rồng sẽ bay mất”.
Mọi người cho rằng lời nói của ông là hoang đường, vô căn cứ, nên kiên quyết thỉnh mời ông vẽ thêm mắt. Trương Tăng Dao bèn vẽ mắt cho hai trong bốn con rồng.
Sau khi vẽ xong, đột nhiên sét đánh đổ tường, hai con rồng được vẽ thêm mắt lập tức cưỡi mây bay lên trời. Chỉ còn lại hai con rồng không vẽ mắt vẫn ở lại trên tường.
Lúc này mọi người mới tin lời Trương Tăng Dao nói, thành ngữ “Vẽ rồng điểm mắt” là từ câu chuyện này mà ra.
Ngoài ra, cũng trong “Lịch đại danh họa ký”, còn có hai câu chuyện khác về tài năng “vẽ tranh thành thật” vô cùng thần kỳ của Trương Tăng Dao:
Trước kia, khu Ngô Tào thỉnh thoảng lại rộ lên phong trào vẽ “Thanh Khê Long” (Rồng suối xanh), Trương Tăng Dao bèn vẽ rất nhiều hình rồng tại đình Long Tuyền của Lương Vũ Đế. Bản vẽ phác thảo lưu tại mật phòng, người thời đó còn chưa coi trọng nó. Tới những năm Thái Thanh, sấm sét làm rung động đình Long Tuyền, rồng trên vách tường đột nhiên biến mất, mọi người mới biết rằng rồng mà Trương Tăng Dao vẽ nhân lúc mưa gió sấm sét đã bay đi mất, mới biết nó thần kỳ huyền diệu thế nào.
Trương Tăng Dao còn vẽ hai vị hoà thượng ngoại quốc nước Thiên Trúc (Ấn Độ), do xảy ra cuộc chiến tạo phản của Hầu Cảnh nên bức họa hai vị hoà thượng bị chia cắt làm hai và thất lạc. Sau này, bức hình của một trong hai vị hoà thượng được viên quan Lục Kiên lấy được. Khi Lục Kiên lâm trọng bệnh, mơ thấy một vị hoà thượng ngoại quốc bảo với ông rằng: “Ta có một người bạn ly biệt đã lâu, hiện ở nhà họ Lý tại Lạc Dương, nếu ông tìm được bạn của ta, giúp chúng ta tái hợp, ta sẽ dùng pháp lực giúp ông”. Lục Kiên quả nhiên mua được bức tranh vẽ vị hoà thượng kia tại đó, bệnh của ông liền khỏi. Mới biết rằng hai vị hòa thượng do Trương Tăng Dao vẽ không những đã hóa thành thật, mà còn có pháp lực thần thông!
Theo ghi chép, Trương Tăng Dao là người thành kính đối với Phật Pháp, thường vẽ chư Phật và Thần Tiên, những bức hoạ ông vẽ gồm có: “Hành đạo Thiên vương đồ”, “Tượng Như Lai”, “Bồ tát”, “Hán đại xạ giao đồ” (Bức hoạ bắn giao long thời Hán), “Côn Minh Nhị Long Đồ” (Bức hoạ hai con rồng ở Côn Minh), “Hoành Tuyền Văn Long đồ”,…
Có lẽ vì là người sùng bái Phật, nên ông mới được ban cho khả năng thần kỳ, không những vẽ đẹp, mà còn có thể biến tranh vẽ thành sự thật.
Rồng đất hóa rồng thật
Theo sách “Tuyên thất chí”, năm cuối Nguyên Hòa thời Đường, trong chùa Pháp Hỷ có một hòa thượng liên tiếp nằm mộng gặp một con rồng trắng từ sông Vị đến, dừng lại trên cột phía Tây của điện Phật, uốn lượn ở đó thật lâu, rồi sau đó nhằm thẳng phía đông mà rời đi.
Mỗi lần hoà thượng nằm mộng xong sáng hôm sau sẽ đều có mưa. Việc này đã lặp lại nhiều lần. Hòa thượng thấy rất kỳ lạ, bèn quyết định xây một tượng rồng đất, ông liền triệu tập thợ thủ công, dùng đất để chế tác rồng.
Hòa thượng đem hình dáng của con rồng trong mơ nói cặn kẽ cho đội thợ thủ công. Sau khi làm xong, rồng được đặt ở bên dưới cây cột phía Tây của điện Phật, vảy bờm sinh động, động thái uyển chuyển, tựa như đang lượn mình trong mây mù, hết sức sống động.
Đến năm Trường Khánh đầu tiên, một hôm có người nằm ở ngoài cửa chùa, thấy có một vật từ cửa sổ đi ra, nhẹ nhàng bay bổng, giống một đám mây, bay ra khỏi chùa, bay về hướng sông Vị. Đến khi trời tối, vật kia mới trở lại cửa sổ phía Tây. Nhìn kỹ, quả nhiên là một con rồng trắng.
Ngày hôm sau anh ta bèn nói cho hòa thượng trong chùa. Hòa thượng cũng rất ngạc nhiên. Lại qua vài ngày, tất cả hòa thượng trong chùa đều đi hóa duyên, đến xế trưa mới về. Khi vào tới trong điện, thì không thấy con rồng làm bằng đất kia đâu.
Các hòa thượng vừa kinh ngạc vừa kỳ lạ nói với nhau: “Đây nhất định là rồng. Dù nó làm bằng đất, vẫn còn có thể biến hóa không chừng. Đi, không biết nó đi về đâu; đến, không biết nó từ đâu đến. Quả nhiên là linh vật chăng?”
Đến buổi tối, từ sông Vị bay tới đám mây đen, không bao lâu đã đến gần điện thờ. Bỗng nhiên có một vật từ trong mây nhảy ra, từ cửa sổ phía Tây bay vào. Các hòa thượng vừa kinh vừa sợ. Đến gần mà nhìn, thì thấy con rồng làm bằng đất kia đã bám lên cột phía Tây. Nhìn kỹ, bờm, râu, vảy, sừng của con rồng kia hình như tất cả đều ướt.
Từ đó, chùa bèn dùng xích sắt khóa rồng đất lại, vì sợ nó sẽ bay ra ngoài gây rối. Về sau nơi đó có hạn hán hoặc ngập úng gì mà cầu đảo rồng thì hết sức linh nghiệm.
Thần Tiên bước ra từ trong tranh
Vào thời Vạn Lịch nhà Minh, ở huyện Hoa Đình có người họ Chử sống bằng nghề bán bút, chẳng may lâm bệnh nặng, không cách gì chữa khỏi, sinh mệnh chỉ còn trong sớm tối.
Lúc ấy có một đạo sĩ mặc áo choàng lam, đầu quấn khăn xanh đi ngang qua nhà họ Chử, động lòng thương xót, liền tiến đến nói rằng chỉ cần đưa ông 20 quan tiền là có thể chữa hết bệnh cho anh. Gia đình Chử vốn rất kính tăng trọng đạo, bèn vui mừng mời đạo sĩ vào trong, chuẩn bị tiền đưa cho ông.
Đạo sĩ không giữ tiền ấy cho mình, mà mang ra phân phát cho những người ăn xin nghèo khổ, rồi từ móng tay cắt ra bảy viên thuốc màu đỏ, to bằng hạt cải, đưa cho người họ Chử. Ông nói: “Uống hai viên thuốc này cùng với nước sẽ thấy hiệu nghiệm. Nếu không có tác dụng thì uống thêm hai viên nữa, tinh thần sẽ phấn chấn ngay.”
Người họ Chử làm theo lời, quả nhiên hiệu nghiệm phi thường, không bao lâu liền khỏe lại. Cả nhà đều cảm kích khôn cùng, khi hỏi đạo sĩ sống ở đâu, thì ông đáp: “Ta trước nay luôn sống trong nhà của Diêu Liêm Sát, không có nơi ở nào khác.”
Ngày hôm sau, vợ của người họ Chử đến nhà Diêu Liêm Sát hỏi chuyện về vị đạo sĩ. Ban đầu vợ chồng Diêu Liêm Sát rất kinh ngạc, cho rằng mình không hề quen biết vị đạo sĩ nào như vậy cả, nhưng sau đó họ chợt nghĩ ra: “Liệu có phải là Lã Động Tân mà chúng ta đang thờ cúng ở tòa nhà phía sau không?”
Thế là hai người bèn dẫn vợ của người họ Chử lên tầng trên. Khi vừa thấy bức chân dung của Lã Động Tân, người vợ liền nhận ra đó chính là hình ảnh của vị đạo sĩ với chiếc áo choàng màu lam, đầu quấn khăn xanh.
Vậy là, Thần Tiên Lã Động Tân đã hiện thân, bước ra từ tranh vẽ để cứu mạng người họ Chử!
Lời kết
Những câu chuyện trên đều là Thần tích do cổ nhân truyền lại. Rất nhiều người am hiểu văn hóa truyền thống đều hiểu rằng, hội họa và nghệ thuật điêu khắc, thậm chí thi từ ca phú đều là một bộ phận của văn hóa Thần truyền, có thể khởi tác dụng giáo hóa đối với thế nhân. Do đó nếu dùng tốt thì không chỉ dừng lại ở mức độ thưởng thức nghệ thuật, mà còn có thể khơi gợi thiện niệm và các giá trị đạo đức tốt đẹp của con người, giúp con người nhận thức được sự tồn tại của Thần Phật, thậm chí còn có thể triển hiện thần uy bảo hộ người lương thiện.
Trái lại, nếu dùng không tốt, thì cũng sẽ gây ra tác dụng phản diện. Có người ưa thích điêu khắc những thứ bất hảo, thậm chí là các hình tượng ma quỷ tà ác, vẽ những bức tranh yêu ma quỷ quái, hoặc các tác phẩm báng bổ Thần Phật,… những điều này tương ứng cũng sẽ mang đến tai họa cho cả tác giả lẫn người xem, thậm chí gây tác dụng xấu cho toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức thế nhân.
Thế Di