Thời cổ đại thường xuất hiện rất nhiều kỳ nhân dị sĩ, cũng lưu lại trong lịch sử vô số thần tích. Những thần tích này vốn là để điểm ngộ cho thế nhân, nhưng con người ngày nay đã không còn tin nữa rồi.
Trong “Tiên truyện thập di” có ghi lại câu chuyện về một kỳ nhân tên là Địch Càn Hựu, là người Vân An. Ông có lông mày dày, trán rộng, mắt lớn, cằm vuông, thân cao sáu xích (gần 2m), tay dài hơn một xích (0,3m), gặp ai cũng đều chắp tay thi lễ trước ngực.
Ông từng ở núi Hoàng Hạc bái Lai Thiên Sư làm thầy, đã học được toàn bộ đạo thuật của Thiên Sư, trên mặt đất có thể thu phục được hổ báo; dưới nước có thể trị được giao long. Ông hay nói chuyện tương lai, nói tới đâu ứng nghiệm tới đó.
Có một lần ông đến Quỳ Châu và nói với người ở đó: “Tối hôm nay sẽ có tám người đi qua nơi này, cần phải đề phòng cẩn thận”. Đêm đó xảy ra hỏa hoạn thiêu rụi hơn 100 nhà. Có người thông minh liền hiểu được rằng: “Tám người” chính là chữ ‘Hỏa’ (chữ “Hỏa – 火”, nhìn giống chữ “Bát – 丷” và chữ “Nhân – 人” tạo thành, ‘bát nhân’ tức là tám người).
Ông mỗi lần đi vào núi đều có một đám hổ đi theo. Ông từng ở trên sông ngắm trăng cùng với mười mấy người, có người hỏi: “Ở bên trong của mặt trăng có gì?”. Địch Càn Hữu cười nói: “Hãy nhìn theo tay của ta!”. Thế là mọi người liền nhìn thấy mặt trăng to như một nửa bầu trời, phía trên là lâu đài ngọc các tráng lệ, rất lâu sau mới biến mất.
Nhánh sông từ Vân An đến Trường Giang kéo dài 30 dặm, đoạn 15 dặm gần Vân An, nước trong như gương, thuyền qua lại đều rất thuận lợi. Đoạn 15 dặm gần Trường Giang, đều là ghềnh đá nhấp nhô rất nguy hiểm, thuyền bè khó đi lại.
Địch Càn Hựu thấy thương nhân đi lại buôn bán khó khăn, liền đi lên núi Hán Thành, xây một cái pháp đàn, dùng phép triệu hoán, để cho quần long tụ họp tới đây. Tổng cộng 14 con rồng ở địa phương, đều biến thành lão nhân để đi đến.
Địch Càn Hựu liền đem chuyện ghềnh đá nguy hiểm như thế nào, gây khó khăn cho người đi lại ra sao nói cho bọn họ biết, để cho bọn họ làm cho bằng phẳng lại.
Trong vòng một đêm, bão táp nổi lên dữ dội, 14 đường thủy đều biến thành bằng phẳng yên ổn hết cả, chỉ riêng có một bãi ghềnh nguy hiểm là không thay đổi, rồng ở đó cũng không tới. Địch Càn Hữu lại nghiêm khắc để triệu hoán.
Qua ba ngày thì có một cô gái đi tới. Địch Càn Hựu liền trách cứ cô không tới triệu tập. Cô gái nói: “Tôi sở dĩ không đến, là muốn giúp cho công lao của ngài càng lớn hơn mà thôi. Những đại phú thương kia, mỗi người đều có thừa tài lực. Mà những người lao động vận chuyển bằng chân tay lại rất thiếu thốn.
Dân ở Vân An nghèo khổ, từ Giang Khẩu gánh hàng hóa đến đây, lấy việc này để kiếm tiền nuôi sống rất nhiều người. Bây giờ nếu có thuyền đi lại thuận tiện. Đường sông bằng phẳng không có bất cứ nguy hiểm gì, như vậy dân nghèo không có chỗ để kiếm tiền nữa, đã chặn đứt con đường kiếm cơm của bọn họ rồi, khó khăn sẽ ngày càng nhiều hơn.
Tôi thà để cho bãi ghềnh nguy hiểm như vậy nhưng lại có thể giúp được cho những người nghèo làm nghề vận chuyển, cũng không thể để cho thuyền bè đi lại thuận lợi mà bảo hộ phú thương. Tôi sở dĩ không đến chính là như vậy”.
Địch Càn Hựu cho rằng cô nói có lý, bởi vậy lại để cho nhóm rồng trở về khôi phục lại con sông nguyên dạng như cũ. Một trận giông tố nổi lên, bãi ghềnh lại trở lại như ban đầu.
Trong năm Thiên Bảo triều đại nhà Đường, hoàng đế lệnh cho ông đến kinh thành. Ông đã được hoàng thượng tiếp đãi rất long trọng, đãi ngộ rất hậu hĩnh. Hơn một năm sau, ông lại trở về núi cũ, không lâu sau liền đắc đạo thành tiên, bay lên trời rời đi.
Video: Cả đời bái Phật nhưng vẫn không được toại nguyện, là do đâu?
Chân Chân (Theo SOH)
Xem thêm: