Một ngôi sao nhỏ cách Trái đất không xa bỗng dưng phát nổ dữ dội ngoài dự kiến, trong khi trước đó các nhà khoa học đang coi nó là một trong những ứng viên tiềm năng nếu phải tìm nơi sinh sống cho con người thay cho địa cầu.
Chuỗi phun trào mạnh mẽ với cường độ gấp 10.000 lần so với các vụ nổ từng được biết trong hệ Mặt trời. Chỉ trong chớp nhoáng, ngôi sao này phát sáng hơn bình thường gấp nhiều lần. Một số vụ nổ tiếp diễn và kết thúc vào hai tuần sau đó. Nhưng đám mây hình thành sau vụ nổ dường như nóng lên, năng lượng mạnh và lâu hơn so với dự kiến của các nhà khoa học.
Đây chắc chắn không phải là tin tốt lành cho những hành tinh quay gần ngôi sao đang “nóng” này. Ngôi sao màu đỏ, kích thước khiêm tốn với khối lượng chỉ bằng ⅓ khối lượng Mặt trời. Đây là một phần của cặp sao lùn có tên là DG Canum Venaticorum (DG CVn), cách Trái đất 60 năm ánh sáng. Sao lùn đỏ là loại sao chiếm đa số trong thiên hà, nhiều hơn các loại khác gấp 3 lần. Nhỏ, lạnh và tuổi thọ khá dài, đó là lý do loại sao này được các nhà khoa học nhìn nhận là ứng viên tiềm năng khi tìm kiếm hành tinh tồn tại sự sống.
Nhưng vào ngày 23/4, chúng ta có lẽ sẽ không muốn đến gần ngôi sao nhỏ này. Tốc độ quay gấp 30 lần Mặt trời, sự khuếch đại vận tốc này khiến từ trường hành tinh thay đổi lớn. Khi áp lực bên trong tạo bứt phá, các vụ siêu nổ sẽ được phát phóng vào không gian. Hình ảnh quan sát từ vệ tinh Swift của NASA cho thấy vụ nổ ban đầu có nhiệt độ lên đến 200 triệu độ C (gấp 12 lần độ nóng tại trung tâm Mặt trời). Qua đó ngôi sao này giải phóng những tia X quang cao năng khiến nó nhanh chóng tỏa sáng và chiếu rọi luôn cho hàng xóm xung quanh.
Nếu đây là những vụ nổ diễn ra trên Mặt trời, sau đó hình thành đám mây tích điện, Trái đất có thể gặp rắc rối, theo nhận định của nhà thiên văn học Rachel Osten thuộc Viện khoa học Kính viễn vọng Không gian. Những cơn bão phân tử tích điện thường đi kèm với các vụ nổ còn được gọi là phát phóng vật chất vành biên. Khi tích lũy đủ năng lượng, các vụ nổ dạng này có thể phá vỡ đường truyền thông tin cả trên mặt đất lẫn không gian.
“Xét về phương diện khí tượng không gian chúng ta, đó là sự phóng thích vật chất và cấu tử tích trữ năng lượng có khả năng tàn phá mạnh mẽ nhất. Những tác động [của vụ siêu nổ này] tệ hơn thay đổi khí tượng không gian trầm trọng nhất mà chúng tôi từng biết”, bà cho biết, với ngụ ý về vụ nổ năm 1859 có tên là Sự kiện Carrington.
Tuy nhiên, ngoài việc gây rối loạn mạng năng lượng, tác động vào cơ cấu liên lạc vô tuyến sóng ngắn và hệ thống định vị toàn cầu, thì sự phát sáng từ một vụ siêu nổ như thế này cũng rất đáng chú ý: Cực quang ngoạn mục có thể được quan sát tại các vị trí có vĩ độ thấp chứ không chỉ ở các cực. Dĩ nhiên, siêu bứt phá của ngôi sao nhỏ này không nguy hiểm gì cho hành tinh của chúng ta. Nhưng bất kì hành tinh gần đó có thể chịu tác động.
“Đây chắc hẳn sẽ là thảm họa”, nhà vật lý thiên văn Stephen Drake của Trung tâm Du hành Không gian của NASA nhận định. Các hành tinh lùn có nhiệt độ thấp hơn Mặt trời, do đó, khi nhiệt độ tăng đến một mức nhất định, nước sẽ được hình thành tại bề mặt hướng vào ngôi sao, với khoảng cách bằng 1/10 khoảng cách Mặt trời – Trái đất. Chính vì điều đó, những hành tinh này bị khóa quỹ đạo thủy triều nên lúc nào cũng chỉ có một mặt hướng về ngôi sao chủ.
Nói cách khác, một nửa bề mặt hành tinh chìm đắm trong bóng đêm vĩnh viễn trong khi nửa kia tỏa sáng vô tận. Một vụ siêu nổ có quy mô như thế này, xuất hiện do sự phóng thích vật chất vành biên, rất nguy hiểm cho bất cứ hành tinh nào tiến lại gần DG CVn, đặc biệt là bề mặt hành tinh hướng vào nó.
“Bất kì tầng ozone nào trên bầu khí quyển của mặt hướng về ngôi sao sẽ luôn bị hủy diệt, bầu không khí bên trên sẽ bị tác động bởi luồng sóng bức xạ xung kích mạnh mẽ, và sau vài giờ, nếu vị trí trong không gian đã cố định, việc phóng thích vật chất vành biên sẽ công phá từ quyển của hành tinh, gần như có thể khiến từ quyển này sụp đổ hoàn toàn, thâm nhập đến cả vùng khí quyển bên dưới tại bề mặt hướng vào ngôi sao. Tôi hình dung rằng, nếu có sự sống trên hành tinh đó, thì sự kiện này sẽ gây tuyệt chủng quy mô lớn như từng diễn ra trên Trái đất”.
Nhiều nhà thiên văn học rất hứng thú với khả năng tìm thấy hành tinh có sự sống xung quanh ngôi sao lùn đỏ. Ngoài việc nằm gần ngôi sao và tương đối dễ phát hiện, những hành tinh này còn thu hút do sự già cỗi. Những ngôi sao lùn đỏ già đến mức độ tuổi có thể lên đến hàng tỉ tỉ năm; do đó theo lý thuyết, bất kì dạng thể sự sống ngoài Trái đất nào gần đó đều có nhiều thời gian để tiến hóa. Tuy nhiên, các sao lùn đỏ này thường có xu hướng ưa bạo lực với các vụ nổ lớn đe dọa đến sự sống có thể có trên các hành tinh lân cận.
Mặt khác, vụ nổ tương tự của DG CVn trong năm nay là sự kiện hiếm thấy. Trong khi đó, hiện tượng này phổ biến hơn đối với các ngôi sao rất trẻ. Các nhà khoa học ước tính DG CVn khoảng 30 triệu năm tuổi, bằng 1% so với độ tuổi của Mặt trời. Do đó, những hành tinh được hình thành xung quanh ngôi sao này vẫn còn rất trẻ để tạo nên môi trường có thể sinh sống.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo National Geographic.