Sở Trang Vương thời Xuân Thu (770-476 TCN) nổi tiếng là người nhân đức. Ông là vị vua thứ 25 của nước Sở và là một trong những vị quân vương thành tựu nhất triều nhà Chu, trong 22 năm trị vì của ông, nước Sở luôn hưng thịnh và yên ấm.
Một lần vào dịp Tết cổ truyền, Sở Trang Vương cùng Vương phi Từ Tế cho bày yến tiệc thết đãi các đại thần ở trong sân vườn thượng uyển. Khi bữa yến tiệc đang diễn ra thì bỗng nhiên có gió lớn nổi lên và tất cả các đèn nến đều bị tắt.
Lợi dụng hoàn cảnh tối om và lộn xộn ấy, lại đang rượu ngà ngà say, một viên võ tướng đã kéo tay áo và chọc ghẹo Từ Tế. Từ Tế đã giật đứt dây giải mũ của vị võ tướng này. Sau đó, Từ Tế liền tâu với Sở Trang Vương: “Có kẻ muốn lợi dụng bóng tối để trêu ghẹo thiếp. Thiếp đã giật đứt dây giải mũ của hắn, Bệ hạ hãy nhanh chóng ra lệnh thắp đèn, nếu ai không có giây mũ thì chính là hắn, sẽ bắt được hắn và xử lý”.
Nhưng không ngờ là Sở Trang Vương liền vứt giải mũ xuống gầm bàn và nói với mọi người: “Hôm nay là ngày Tết, các khanh hãy vui hết mình, nhưng uống rượu cùng ta mà không say đến đứt dây giải mũ thì chưa phải là thực bụng vui đâu!”.
Thế là các đại thần văn võ đều giật đứt hết giải mũ của mình và hò reo chúc rượu nhau, không khí rất là vui vẻ và cũng nhờ thế vị võ tướng kia không bị lộ mặt và xử tội.
Từ Tế thấy vậy vừa ngạc nhiên vừa tức giận. Yến tiệc kết thúc, nàng đến than thở với Sở Trang Vương. Lúc này, Sở Trang Vương nói: “Hôm nay ta mời mọi người uống rượu. Việc mọi người uống rượu say, quên cả lễ phép, rồi xảy ra chuyện này cũng là chuyện có thể lượng thứ, không nên trừng phạt, kẻ sĩ đều vì nước, làm sao có thể sỉ nhục tướng sĩ của mình để tỏ lòng trong trắng?“ Nghe xong lời Sở Trang Vương, vị phi tần gật đầu đồng tình và cũng bằng lòng bỏ qua chuyện này.
Ba năm sau, nước Tấn xâm lược nước Sở. Sở Trang Vương thân trinh ra trận chỉ huy. Trong trận chiến, ông nhận thấy một vị tướng trong đội quân của mình luôn liều lĩnh, xông lên tuyến đầu, bất khả chiến bại. Dưới sự chỉ huy của vị tướng này, các binh lính đã rất dũng cảm lao lên chiến đấu chém giết quân Tấn. Quân Sở nhờ vậy mà đánh bại quân Tấn, giành thắng lợi vẻ vang.
Sở Trang Vương rất vui mừng nhưng cũng lấy làm lạ về người võ tướng này, bèn cho gọi anh ta đến để hỏi ngọn ngành và ban thưởng: “Quả nhân thấy khanh chiến đấu dũng cảm khác thường, quả nhân đâu có ân huệ nào đặc biệt nào với khanh, tại sao khanh lại liều chết chiến đấu hăng hái thế?”
Vị tướng quân quỳ xuống, cúi đầu đáp: “Bẩm bệ hạ, 3 năm trước, thần sau khi uống rượu trong vườn thượng uyển đã bất lịch sự, lẽ ra phải xử tử, nhưng bệ hạ không truy cứu hỏi tội, ngược lại còn tìm cách giữ thể diện cho thần. Thần vô cùng cảm động, luôn khắc sâu ân đức của bệ hạ trong tâm, từ thời khắc đó thần đợi từng giờ từng phút để có cơ hội báo đáp ân đức của bệ hạ.
Lần này ra chiến trường thần có cơ hội để thực hiện điều đó, vì thế mà thần không quản sống chết xông lên chiến đấu giết giặc, dẫu chết cũng không ân hận. Thần là Tưởng Hùng, chính là tội đồ bị vương phi giật đứt dây mũ 3 năm trước!”
Lời nói đó khiến Sở Trang Vương và quân lính có mặt vô cùng xúc động. Sở Trang Vương bước xuống bậc thềm để đỡ vị tướng quân đang khóc.
Ở đời mấy ai được như Sở Trang Vương, người có lòng hào hiệp, không chút hẹp hòi, nhỏ nhen. Nếu ông không tha thứ cho võ tướng Tưởng Hùng lỗi lầm trên bàn rượu đêm hôm ấy thì hôm nay ai là người tiên phong, xông vào trận tiền mà chiến đấu hết mình cho ông đây?
Vậy nên, người xưa đã có câu: “Tha thứ không phải là ban phát ân huệ cho kẻ khác mà tha thứ chính là món quà cho chính mình.” Tha thứ là dòng suối nguồn tưới mát ngọn lửa hận thù thiêu cháy tâm can. Hãy hiểu rằng: Cái gốc của tha thứ chính là tâm từ bi, thiện lương. Để có thể tha thứ cho người khác dễ dàng hơn, mỗi người hãy luôn nuôi dưỡng cho mình một tấm lòng lương thiện, nhân hậu.
Thiện Thành (sưu tầm)