Cuốn tự truyện Con mắt thứ ba kể về những kiến thức thú vị và bất ngờ về xứ sở huyền bí, đời sống Lạt Ma viện và những bí ẩn trong Phật giáo Tây Tạng. Với rất nhiều người, cuốn sách sẽ mang đến sự mở rộng về thế giới quan và vũ trụ quan, đồng thời cũng mang đến nhiều câu hỏi lớn.
Ở bất kỳ nơi nào được phát hành, cuốn tự truyện “Con mắt thứ ba” (The Third Eye) cũng nhanh chóng xuất hiện trong danh mục các cuốn sách bán chạy nhất (best seller).
Thân thế của tác giả được giải thích là sự nhập hồn của Lobsang Rampa – một Lạt Ma của Phật giáo Tây Tạng – vào thân xác của Cyril Henry Hoskin (1910 – 1981) – một người đàn ông Anh Quốc.
Dày khoảng 300 trang, cuốn sách kể về cuộc đời của cậu bé Lobsang Rampa mới 7 tuổi đã tự mình vượt qua thử thách khó khăn để vào Lạt Ma viện. Tại đây, cậu đã trải qua những năm tháng được đào tạo và sát hạch vô cùng khắc nghiệt về giáo lý, kiến thức y học cùng những huyền môn của Phật giáo Tây Tạng.
Cậu bé đã xuất sắc vượt qua các kỳ sát hạch và được tấn phong Lạt Ma (Thượng nhân) cao cấp – một vị trí lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng khi mới hơn 10 tuổi. Cuốn sách cũng kể về cuộc phẫu thuật để mở thần nhãn – con mắt thứ ba của Lobsang Rampa, những huyền năng khi con mắt được khai mở, cuộc điểm đạo đầy huyền bí khiến cho linh hồn của vị Lạt Ma trẻ tuổi tiến nhập vào quá khứ và tương lai, phát hiện mình đã từng hóa thân thành một người khổng lồ…
Bao trùm toàn bộ tác phẩm Con mắt thứ ba là sự huyền bí về đất nước Tây Tạng với những cảnh vật, phong tục văn hóa khác biệt và những bí ẩn của Phật giáo Tây Tạng.
Thử thách khắc nghiệt cho cậu bé 7 tuổi
Lobsang Rampa là con trai của một vị quan đại thần Tây Tạng. Tuy vậy, cha ông là người vô cùng nghiêm khắc. Từ khi 4 tuổi, Lobsang Rampa đã phải học cưỡi ngựa, tập võ để mong sau này trở thành một vị quý tộc tài giỏi.
Lobsang Rampa được yêu cầu thực hiện thử thách ngồi tọa thiền bất động trong 3 ngày liền từ sáng đến tối để có đủ tư cách bước vào tu viện Chakpori. Đới với một đứa trẻ 7 tuổi, tọa thiền liên tục hơn 12 tiếng đồng hồ không ăn không uống mỗi ngày quả là một thử thách vô cùng khốc liệt.
Kể về thử thách, ông viết: “Ngày hôm sau, cuộc thử thách bước qua ngày thứ ba. Khi tôi ngồi dậy theo tư thế tọa thiền, tôi cảm thấy yếu sức hơn mọi ngày và đầu óc tôi choáng váng. Tôi thấy tu viện dường như xoay tít trong một khối xa mù gồm những tòa dinh ốc, những màu mè sặc sỡ, những đốm đỏ với những núi non và những sư sãi quay cuồng lẫn lộn với nhau một cách vô cùng hỗn độn… Tôi có cảm giác rằng những tảng đá mà tôi ngồi ở trên, lần lần đã trở nên bén nhọn cũng như dao cắt, nó làm cho tôi đau nhức ở những bộ phận nhạy cảm nhất trong mình tôi”.
Nhưng rốt cuộc, Lobsang cũng xuất sắc vượt qua thử thách và bước vào tu viện Chakpori. Điều này thể hiện phẩm chất tuyệt vời và ý chí vô cùng kiên cường của cậu bé 7 tuổi.
Khai mở thần nhãn
Tại tu viện Chakpori, Lobsang Rampa đã trải qua cuộc phẫu thuật để khai mở thần nhãn, còn gọi là con mắt thứ ba, hay là thiên mục:
“Vị Lạt Ma thứ hai mở một cái hộp và lấy ra một dụng cụ làm bằng thép sáng bóng. Nó giống như một cái dùi nhưng thay vì có dáng trục tròn thì cái dùi này có hình chữ “U”, và thay cho mũi nhọn là những chiếc răng nhỏ xung quanh cạnh của chữ “U”…
Vị Lạt Ma cầm dụng cụ trong tay nhìn quanh mọi người, và nói ‘Tất cả đã sẵn sàng chưa? Chúng ta hãy bắt đầu bây giờ, mặt trời vừa mới lặn xong’.
Ngài ấn dụng cụ vào giữa trán tôi và xoay tay cầm. Trong khoảnh khắc đó tôi có cảm giác như bị gai đâm. Thời gian với tôi như dừng lại. Không có cảm giác đau đặc biệt khi dụng cụ đó đâm xuyên qua da và thịt, nhưng tôi bị giật mình khi nó chạm vào xương. Ngài ấn mạnh hơn nữa, đu đưa nhẹ dụng cụ để những chiếc răng nhỏ khoan xuyên qua xương trán…”
Thông thường, việc khai mở thiên mục cho người tu luyện được thực hiện bởi Sư Phụ, nhưng có thể người đó cũng không được biết hoặc không diễn ra theo cách có thể nhìn thấy một cách tường tận… Còn với trường hợp của Lobsang Rampa, cuộc phẫu thật khai mở thần nhãn được tiến hành ngay tại thế giới hữu hình này. Điều này thể hiện sự khác biệt thú vị của Phật giáo Tây Tạng và khiến người đọc không khỏi bất ngờ về kiến thức yên thâm của xứ sở này.
Những điều nhìn được bằng thần nhãn
Sau khi thiên mục được khai mở, Lobsang Rampa có thể nhìn thấy hào quang, hay chính là trường năng lượng của những người khác. Ông cho biết:
“Thể xác con người được bao phủ bằng một lớp vỏ như sương mù muôn màu nghìn sắc, đó là hào quang. Những vị có thần nhãn nhìn vào hào quang của một người, có thể quan sát các màu sắc đó mà hiểu được tình trạng sức khỏe, đức hạnh và trình độ tiến hóa [tinh thần] của người ấy.
Hào quang ấy là sự phát huy, sự biểu hiện của một luồng khí lực từ bên trong, tức Chân ngã (nguyên thần/ý thức) của con người. Trên đầu con người cũng được bao trùm bởi một vòng hào quang xuất phát từ cái khí lực đó”.
Giải thích rõ hơn về mối quan hệ giữa ý thức và xác thịt của con người, Lobsang cho biết:
“Theo giáo lý huyền vi, thể xác con người chỉ là một lớp vỏ bên ngoài do chân ngã điều khiển, kể cả mọi tác động trong giấc ngủ và sau khi chết. Con người sinh ra trong một thể xác yếu đuối bất toàn để học hỏi kinh nghiệm và tiến bộ ở cõi trần. Khi ngủ, con người trở về một cảnh giới khác, thần thức (nguyên thần/ý thức) thoát ra ngoài thể xác vật chất và phảng phất trong cảnh giới vô hình, nhưng vẫn còn giữ mối liên hệ với thể xác bằng một “sợi chỉ bạc”. Mối liên hệ này chỉ dứt hẳn vào một giai đoạn sau khi chết”.
Giải thích về hào quang và thần thức của Lobsang đã gợi mở cho chúng ta biết về sự tồn tại của các trường vật chất phản ánh các đặc trưng của một sinh mệnh như sức khỏe, đức hạnh và cảnh giới tư tưởng của con người, đồng thời ông cũng khẳng định sự độc lập giữa thể xác và tinh thần của con người.
Quan niệm về cái chết và tục mai táng
Lobsang cho biết: “Thái độ của người Tây Tạng về sự chết hoàn toàn khác hẳn với người Tây phương. Họ quan niệm rằng thể xác con người chỉ là một “lớp vỏ” cái vỏ vật chất bên ngoài bao bọc một linh hồn bất tử bên trong. Vì thế, đối với họ thì một tử thi còn kém giá trị hơn một miếng giẻ rách.
Trong trường hợp chết tự nhiên… Thể xác mệt mỏi, già cỗi, trở nên bất tiện cho linh hồn đến mức không thể tiếp tục học tập được nữa. Đó là lúc cần phải rời khỏi thể xác vật chất. Từ từ linh hồn rút khỏi và thể hiện ra ngoài cơ thể vật chất. Hình dạng linh hồn có nét ngoài chính xác như phiên bản vật chất, và có thể nhìn thấy được rõ ràng bằng thần nhãn.
Vào thời điểm con người chết, sợi dây nối cơ thể vật chất với linh hồn (trong Kinh Thánh gọi là “sợi chỉ bạc”) tan dần và tách ra, và linh hồn trôi đi. Cái chết sau đó diễn ra. Nhưng cũng là sự sinh ra trong một cuộc đời mới”.
Theo Lobsang, khi một người qua đời, người Tây Tạng sử dụng hình thức mai táng vô cùng đặc biệt:
“Ở Tây Tạng, người ta không thể chôn xác người chết. Đất núi cằn cỗi và lớp đất phủ ở trên quá mỏng làm cho việc đào huyệt rất khó khăn. Việc hỏa táng không thể thực hiện được vì những lý do kinh tế, cây gỗ rất hiếm và muốn thiêu một xác chết, người ta phải mua củi từ bên Ấn Độ rồi chuyên chở sang Tây Tạng trên lưng những con bò yak xuyên qua các đường núi gập ghềnh xa xôi. Vì đó, giá thành sẽ trở nên đắt kinh khủng. Người ta cũng không thể vứt xác chết xuống sông, vì xác chết sẽ làm nhiễm độc nước sông, gây hại cho người sống. Chỉ còn lại cách duy nhất là phương pháp đã diễn tả ở trên, tức là cống hiến xác chết cho loài diều hâu và kền kền ăn thịt”.
Thoạt nghe, ta nghĩ rằng điểu táng (hay còn gọi là thiên táng) là một hình thức mai táng có phần “mông muội hoặc man rợ”, nhưng với nguyên nhân được Lobsang đề cập, ta thấy rằng hình thức mai táng này ở Tây Tạng là lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh.
Nhưng Lobsang cũng cho biết: “Cách chôn cất này là tục lệ thông thường đối với mọi người dân Tây Tạng, trừ trường hợp của những vị Lạt-ma cao cấp nhất, là những đấng hóa thân (những Lạt Ma luân hồi trở lại thế giới con người theo tục lệ Phật giáo Tây Tạng để tiếp tục việc tu luyện). Thi hài các vị này được ướp bằng hương liệu và đặt trong những cái hòm thủy tinh để trưng bày trong các đền thờ, hoặc ướp hương liệu xong rồi đem phết vàng”.
Lobsang Rampa cũng kể rằng ông đã có dịp tham quan một đường hầm sâu trong lòng đất, chứa 98 thân thể được mạ vàng của các vị hóa thân trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng, 2 trong số đó là hóa thân của chính ông và Sư phụ ông trong quá khứ.
Những điều nhìn thấy trong một cuộc điểm đạo
Trong một cuộc điểm đạo – một nghi lễ tôn giáo và cũng là thử thách dành cho cấp Lạt Ma thuộc hàng Sư trưởng, Lobsang đã trải một trải nghiệm chấn động khác. Ông được đưa xuống một hang đá ẩn sâu trong lòng đất, tại đó:
“Bên trong, tôi nhìn thấy ba cỗ quan tài rất lớn bằng đá đen có chạm hình và khắc những dòng chữ lạ kỳ. Ba cỗ quan tài đều không đậy nắp. Nhìn vào bên trong tôi bèn muốn đứt hơi thở và thình lình tôi cảm thấy rất yếu. Vị tiên chỉ cao niên nhất trong ba vị Sư trưởng liền nói với tôi: ‘Này con, con hãy nhìn xem. Các vị này đã từng sống như những đấng thần minh ở xứ ta vào một thời kỳ mà xứ này còn là đồng bằng, chưa có núi non gì cả…’
Tôi làm y theo lời, và tôi liền thấy vừa thích thú vừa kinh ngạc. Ba thể xác to lớn, toàn thân đều mạ vàng, đang nằm trong ba cỗ quan tài trước mắt tôi. Hai người nam và một người nữ. Mỗi nét trên thân hình của họ đều được giữ gìn nguyên vẹn dưới lớp vàng phủ bên ngoài. Nhưng họ là những người khổng lồ! Người nữ hẳn phải cao hơn ba thước tây, và người lớn nhất trong hai người nam chắc chắn cũng không dưới năm thước! Đầu của họ rất lớn, hơi nhọn trên đỉnh đầu, quai hàm hẹp, miệng hơi nhỏ và cặp môi mỏng. Sống mũi dài và thanh, đôi mắt ngay thẳng và thụt vào sâu. Gương mặt họ vẫn tươi như người sống”.
Trong hang đá này, nguyên thần của Lobsang đã rời bỏ thân thể và quay về quá khứ xa xưa của xứ sở Tây Tạng:
“Tôi chưa hề nhìn thấy biển cả bao giờ, và thậm chí không hề biết có loại cây thốt nốt! Rồi một tràng dài những giọng nói và tiếng cười vọng ra từ một lùm cây. Những giọng nói càng đến gần, và xuất hiện một nhóm người da sậm như đồng đỏ đang nô đùa vui vẻ. Những người khổng lồ! Tất cả đều cùng vóc dáng như nhau! Tôi nhìn lại thân mình, và thấy tôi cũng vậy, tôi cũng là một người khổng lồ.
Những ấn tượng tiếp diễn theo nhau trong trí tôi, đó là ngày xưa, hàng bao nhiêu nghìn muôn năm trước, khi quả địa cầu ở gần mặt trời hơn bây giờ, nhưng sự luân chuyển của nó lại đi theo một hướng ngược chiều. Ngày ngắn hơn và nóng hơn bây giờ. Những nền văn minh vĩ đại đã được xây dựng và nhân loại thời ấy thông thái hơn người đời nay.
Khi ấy, từ ngoài không gian bỗng nhiên có một hành tinh chuyển động bất thường và chạm vào trái đất, làm cho trái đất bị dội ngược, bật ra khỏi quĩ đạo của nó, và xoay ngược chiều lại. Những cơn giông bão làm chấn động biển cả, và nước biển trào lên các lục địa. Nước biển tràn ngập khắp nơi, quả địa cầu lại bị rung chuyển bởi những cơn động đất dữ dội. Nhiều vùng lục địa bị sụp lở và chìm xuống nước, những vùng khác lại trồi lên trên mặt biển.
Xứ Tây Tạng, được đội lên đến bốn ngàn thước cao hơn mặt biển, không còn là một xứ nhiệt đới có bờ biển, một nơi nghỉ mát có thời tiết ôn hòa, dễ chịu nữa. Những dãy núi cao vút, những núi lửa phun trào và nham thạch bao vây chung quanh, kín đáo như tường thành. Trên miền thượng du, đất đai bị nứt nẻ ra thành những vực thẳm”.
Ngày nay, nhiều người cho rằng sự tồn tại của những nền văn minh tiền sử (trước nền văn minh 5000 năm lần này) và người khổng lồ trong quá khứ vẫn là điều hoang đường. Nhưng câu chuyện mà Lobsang kể cùng với những dấu vết hóa thạch rải rác khắp nơi trên hành tinh cho thấy rằng trong quá khứ, trái đất đã từng tồn tại những nền văn minh tiền sử và những người khổng lồ.
Câu hỏi về nguồn gốc con người và mục đích của sinh mệnh
Khi tham quan hang đá bí ẩn trong lòng đất, Lobsang Rampa cũng nhìn thấy những bức tượng khổng lồ, tương xứng với kích thước cơ thể của 3 người khổng lồ được dát vàng, trong đó có một bức tượng Phật:
“Khi tôi nhìn rõ hơn dưới ngọn đèn bơ leo lét, tôi thấy những pho tượng khổng lồ mạ vàng, trong đó có vài pho tượng chôn ngập đến nửa thân mình dưới một đống ngọc quý và châu báu.
Một bức tượng Phật xuất hiện từ trong bóng tối. Bức tượng ấy to lớn đến nỗi ánh sáng không vượt lên khỏi phần thắt lưng. Những hình tượng khác cũng ẩn hiện chập chờn trong bóng tối. Đó là các vị thần, tượng trưng cho những dục vọng và thử thách mà con người phải vượt qua trước khi hiển lộ được chân ngã”.
Như vậy, từ xa xưa, hàng triệu năm trước, khi Tây Tạng vẫn là vùng biển thì con người thời đó – những người khổng lồ – đã tín ngưỡng vào Phật và các vị thần. Điều này tương hợp với các phát hiện khác rằng tín ngưỡng vào Phật hoặc các vị thần đã tồn tại từ xa xưa trong quá khứ.
Một điều đặc biệt khác chúng ta thấy trong câu chuyện của Lobsang Rampa là những người có kích thước trung bình chúng ta hiện nay, đã từng luân hồi thành những người khổng lồ trong quá khứ.
Trong phần đầu của cuốn sách khi nói về con mắt thứ ba, Lobsang cũng tiết lộ:
“Những truyện thần thoại của xứ Tây Tạng quả quyết rằng trong quá khứ đã có một thời kỳ mà nhân loại, nam hay nữ, đều có thể sử dụng mắt thần. Đó là thời kỳ mà các đấng thần minh sống lẫn lộn với người trần gian, khi con người hãy còn chất phác, hồn nhiên và tâm hồn trong sạch.
Nhưng về sau, loài người đã mở mang trí khôn, bèn sinh ra kiêu căng ngạo mạn và xúc phạm cả thánh thần. Để trừng phạt tội xúc phạm này, nhãn quang thần thông của họ bị thâu hồi. Kể từ đó, trải qua nhiều thế kỷ, chỉ có một số rất ít người sinh ra đã có năng khiếu thần nhãn. Những người nào có năng khiếu ấy một cách tự nhiên có thể tăng cường năng lực của họ lên gấp ngàn lần nhờ một phép tu luyện bí truyền, cũng như trường hợp của tôi. Lẽ tất nhiên, một năng lực đặc biệt như thế phải được sử dụng một cách cẩn mật và vô cùng thận trọng”.
Những tiết lộ của Lobsang Rampa về người khổng lồ, tín ngưỡng của họ trong quá khứ, sự hủy diệt của trái đất và khả năng sử dụng con mắt thứ ba của con người quá khứ khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Vậy lịch sử xa xưa, bi tráng và khốc liệt của con người trên trái đất này có mục đích gì? Chúng ta là ai, từ đâu đến và đang chờ đợi điều gì?
Còn đó những bí ẩn…
Vũ trụ bao la ẩn chứa bao điều bí mật. Lịch sử hàng triệu năm của nhân loại và mục đich của mỗi sinh mệnh cũng là bí ẩn mà khoa học hiện nay chưa thể giải thích.
Với hầu hết độc giả, cuốn tự truyện Con mắt thứ ba sẽ mang lại những kiến thức thú vị và bất ngờ về xứ sở huyền bí, đời sống Lạt Ma viện và những bí ẩn trong Phật giáo Tây Tạng. Nhưng với rất nhiều người, cuốn sách sẽ mang đến sự mở rộng về thế giới quan và vũ trụ quan, đồng thời cũng mang đến những câu hỏi lớn về lịch sử, nguồn gốc và mục đích của trái đất, nhân loại và sinh mệnh con người.
Bạn đọc có thể tìm đọc cuốn tự truyện Con mắt thứ ba do dịch giả Nguyễn Hữu Kiệt dịch ở đây. Hoặc đọc các tác phẩm khác của Lobsang Rampa ở đây.
Theo Trithucvn
Xem thêm: