Truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, trong cuộc khảo sát điều tra nghiên cứu của Tập Cận Bình tại Hồ Nam vào ngày 16/9, Tập đã nói với vẻ khiêm tốn hiếm thấy: “Hôm nay tôi ở đây, cũng là được giáo dục”. Các phân tích cho rằng lời nói của Tập có hai ý nghĩa, một là tiếp tục trói buộc ĐCSTQ với 1,4 tỷ người dân Trung Quốc, hai là Tập đã gặp khó khăn trong cuộc tranh giành quyền lực cấp cao.
Tờ “Tân Hoa xã” đưa tin vào ngày 17/9 rằng, Tập Cận Bình, người đang điều tra ở tỉnh Hồ Nam, đã đến thôn dân tộc Dao ở huyện Nhữ Thành, thành phố Sâm Châu vào chiều ngày 16/9 để thăm phòng triển lãm “một nửa cái chăn” và đến nhà dân làng để tìm hiểu về cái gọi là “giáo dục đỏ”, xem xét tình hình xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Sau đó, Tập đến quảng trường thôn và nói với dân làng rằng: “Người Cộng sản có chăn bông cũng có thể chia đôi cho dân chúng. Và dân chúng coi Đảng Cộng sản là Đảng của mình. Tôi hôm nay đến đây cũng là được giáo dục.”
Lời nói của Tập Cận Bình vừa dứt đã khiến cư dân mạng bàn luận sôi nổi:
“ĐCSTQ từ lâu đã đối nghịch với dân chúng, vậy đảng của nhân dân là gì? Lừa gạt ai?!”
“Ông ở đây để được giáo dục. Vấn đề là ai dám giáo dục ông? Khi ‘nói sai sự thật‘ thì đều là tội danh, mọi người sẽ chọn cách im lặng, giống như năm cuối cùng của nhà Minh nhìn vương triều đi đến diệt vong mà không ai dám nói một câu!”
Các chuyên gia cho rằng bài phát biểu trên của Tập Cận Bình thực sự phát đi hai tín hiệu:
Đầu tiên, tiếp tục bắt cóc 1,4 tỷ người Trung Quốc
Trần Phá Không, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc phân tích rằng, không chỉ trên mạng internet ở Trung Quốc, mà người dân Trung Quốc cũng đang thảo luận rằng ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, ĐCSTQ không phải là người dân Trung Quốc, và 90 triệu Đảng viên không thể đại diện cho người Trung Quốc.
Hơn nữa, tuyên bố này cũng phổ biến trên thế giới. Chính sách quốc gia hiện nay được chính quyền Trump vạch ra rõ ràng là tách ĐCSTQ ra khỏi Trung Quốc và tách ĐCSTQ ra khỏi nhân dân Trung Quốc. Trong khi Hoa Kỳ chống lại ĐCSTQ, thì họ cũng đồng thời đang bảo vệ nhân quyền, tôn nghiêm và lợi ích lâu dài của người dân Trung Quốc.
Trần Phá Không nói rằng, Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản cảm thấy nguy cơ nên khắp nơi đều nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc là quan hệ máu thịt. Ông Tập đã đến Hồ Nam để lặp lại giai điệu này và tiếp tục trói buộc ĐCSTQ với 1,4 tỷ người Trung Quốc. Thực ra đó là một loại uy hiếp, nếu như dân chúng chấp nhận Đảng cộng sản, vậy chính là người của mình, người hiểu chuyện; còn nếu đưa ra ý kiến với Đảng và bày tỏ sự phản đối, vậy thì chính là kẻ thù, là thế lực thù địch.
Thứ hai là Tập gặp khó khăn trong cuộc tranh giành quyền lực cấp cao
Trần Phá Không cho rằng bài phát biểu của Tập Cận Bình còn có một ý nghĩa khác. Tập nói rằng bản thân ông ta phải không ngừng học tập, kiểm điểm bản thân và tiếp nhận những gợi ý. Bởi vì Tập Cận Bình ở trên đỉnh cao, nên mọi thứ đều lấy Tập làm trung tâm, được gọi là “Tập nòng cốt”, từ trước đến nay luôn là người khác mới bị giáo dục, bị chỉnh đốn để thanh lọc và làm sạch hệ thống.
Tuy nhiên, ông Tập đột nhiên tỏ ra khiêm tốn, ngụ ý rằng ông không hoàn hảo, ông có những khuyết điểm và sai lầm. Đây là một động thái hiếm thấy đối với Tập. Nhưng trên thực tế là nói cho các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ nghe, cho những kẻ thù chính trị trong nội bộ Đảng nghe.
Trần Phá Không nói rằng, Tập chưa từng hạ thấp dáng vẻ, và hiếm thấy khiêm tốn, nên động thái lần này là muốn hướng đến các phe phái, bày tỏ mình có sai lầm và cũng có chỗ cần phải cải thiện. Trên thực tế là dùng một loại hình thức khác thừa nhận rằng ông đã gặp khó khăn trong cuộc tranh giành quyền lực cấp cao.
ĐCSTQ tàn sát khốc liệt trong đấu tranh nội bộ
Nhà bình luận chính trị Lý Chính Khoan đã đăng một bài báo có tiêu đề “Cuộc chiến nội bộ tàn sát khốc liệt của ĐCSTQ sắp được bày ra?” nói rằng, vào năm 2020, do ĐCSTQ che giấu virus Vũ Hán nên đã gây ra làn sóng tiêu diệt Đảng Cộng sản trên cộng đồng quốc tế, sự bất bình của công chúng trong nước đã sôi sục, và các phe ở Trung Nam Hải cũng nhận thấy rằng con tàu đỏ của ĐCSTQ đang chìm nhanh hơn, vì muốn bảo toàn lợi ích cá nhân mà nội bộ ĐCSTQ càng thêm đẫm máu.
Vào ngày 6/9, các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đưa tin rằng, một cuốn sách mới có bài phát biểu của Tập Cận Bình đã được xuất bản bởi Nhà xuất bản Văn học Trung ương ĐCSTQ, không ít nội dung trong sách là lần đầu tiên được công bố. Ngoại giới chú ý tới một đoạn văn trong sách, ông Tập nói rằng một số tổ chức, cá nhân trong nước liên tục thay đổi thủ đoạn nhằm tạo tư tưởng hỗn loạn muốn “cùng tôi tranh đoạt lòng người” …
Mặc dù cụm từ “cùng tôi tranh đoạt lòng người” của ông Tập đã được nói vào năm 2014, nhưng nó làm cho người ta phải suy nghĩ khi được phát hành vào thời điểm này. Vậy thì, rốt cuộc là người nào đang cùng Tập tranh đoạt lòng người? Người mà người ta nghĩ tới đầu tiên có thể là Lý Khắc Cường, người thường xuyên công khai làm ngược lại với ông Tập trong năm nay.
Lúc tập kêu gọi toàn dân phát triển kinh tế khá giả, thì Lý Khắc Cường lại nói rằng “Trung Quốc có 600 triệu người mỗi tháng thu nhập chỉ 1000 nhân dân tệ“, cũng thúc đẩy “kinh tế vỉa hè”; Lúc Tập đề xướng “kinh tế trong nước tuần hoàn”, Lý lại nói rằng “Đóng cửa để phát triển là không thể thực hiện được…”.
Lý Chính Khoan nhắc nhở, trong lúc ngoại giới đều đang chú ý đến mâu thuẫn của Tập và Lý, rất có khả năng là đã xem nhẹ Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng – những người chưa bao giờ ngừng ‘tranh đoạt lòng người’ với Tập Cận Bình, mà thủ đoạn của Giang thì rất mập mờ, xảo trá.
Trước tiên, Giang cho Vương Hỗ Ninh liên tục ‘đào hố’ cho Tập, dùng “Cách mạng văn hóa tạo Thần” nâng Tập lên, cũng bày mưu cho Tập để làm tăng thêm sự phẫn nộ của người dân, tại thời điểm virus Vũ Hán bùng phát, dùng mọi thủ đoạn để hướng cơn thịnh nộ cả trong và ngoài nước đến Tập.
Tiếp theo là đến Tăng Khánh Hồng ở nước ngoài, nói rằng Tăng Khánh Hồng muốn phát động chính biến, muốn lật đổ Tập nhưng thất bại, làm cho Tập tức giận mà phản kích, muốn tiêu diệt Tăng v.v.
Minh Huy (Theo NTDTV)