Có những lúc việc cố gắng xóa bỏ “bất công” sẽ mang đến “bất công” còn to lớn hơn. Bắt phụ nữ phải “gánh nửa bầu trời”, nói rằng thế là bình đẳng, nhưng nếu nghĩ kỹ thì sẽ thấy đây mới thật sự là bất công với họ.
Có một câu chuyện thế này: Trước đây ở vùng quê nọ có một cô gái kết hôn với một chàng trai, sau khi kết hôn họ có một gia đình khá hòa thuận và hạnh phúc. Hai vợ chồng đều chăm chỉ làm việc, người chồng khuân vác còn người vợ thì phụ bán quán ăn. Buổi tối họ cùng nhau quây quần quanh bữa cơm gia đình, cuộc sống tuy không giàu có nhưng cũng không đến nỗi túng thiếu, mọi việc trôi qua một cách bình lặng.
Theo đà phát triển của xã hội, người ở quê dần biết sử dụng smartphone, hai vợ chồng nhà nọ cũng bắt đầu biết lướt Facebook, Tik tok, Zalo,… để giải trí. Rồi thì việc thường xuyên xem các bài viết trên mạng xã hội dần trở thành một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống của họ.
Một ngày kia, người vợ đột nhiên nổi giận vô cớ, gây sự với chồng, chị cho rằng bản thân bị đối xử bất công, mong được bình đẳng với nam giới. Tình cảm gia đình vì thế mà dần rạn nứt, hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau, việc học hành của con cái cũng vì vậy mà bị ảnh hưởng. Tới tận bây giờ họ vẫn chưa thể tìm lại được bầu không khí hòa thuận ấm cúng ngày xưa.
Câu chuyện này làm tôi nghĩ đến, chúng ta vẫn thường được học từ khi ngồi trên ghế nhà trường, kể cả người không trải qua nền giáo dục phổ cập thì cũng được nghe đâu đó tuyên truyền trên báo đài, hoặc xem các tin tức trên mạng xã hội, rằng người phụ nữ luôn phải chịu cảnh áp bức bất công, bị nam giới bóc lột hoặc hành hạ, vì vậy mà người phụ nữ cần mạnh mẽ đứng lên đòi công bằng cho mình, giúp bản thân được bình đẳng với nam giới.
Nhìn tình hình xã hội trước mắt, ngẫm lại thì từ lâu vấn đề nam và nữ bất bình đẳng đã không còn gây họa cho xã hội nữa, mà trái lại, thứ chủ yếu đang khiến mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa người với người, giữa các thành viên trong gia đình với nhau, giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, chính là việc người ta luôn luôn cho rằng mình bị đối xử “bất công” và lúc nào cũng yêu cầu được “bình đẳng”.
Xin phép kể thêm một câu chuyện khác: Có một đôi bạn nam nữ cùng lập nhóm học tập ở đại học, hai người thường học tập và làm việc cùng nhau. Một ngày nọ cô gái bỗng dưng nói rằng cảm thấy nữ giới bị đối xử bất công, muốn được bình đẳng với nam giới: “Phụ nữ cũng làm được như đàn ông, phụ nữ có thể gánh nửa bầu trời”.
Chàng trai gật đầu và nói sẽ “bình đẳng” với cô. Từ đó trong công việc, học tập và cuộc sống thường ngày, việc gì anh ta cũng “chia đều” với cô. Chẳng hạn như với bài tập nhóm, ngày trước anh ta thường để cô làm những bài tập vào ban ngày còn mình thì thức khuya chạy deadline, nhưng bây giờ vì “bình đẳng” nên anh buộc cô phải thức khuya cùng mình. Trước đây khi cô làm việc mệt mỏi anh thường hỏi han giúp đỡ, nhưng bây giờ vì lý do lượng công việc của hai người đã “chia đều” rồi, nên anh để đối phương tự hoàn thành chứ không quan tâm nữa, vì đây là “bình đẳng”.
Sau một học kỳ, cô gái nói với chàng trai: “Nói cho anh biết, con trai là phải dịu dàng với con gái, thay con gái làm những chuyện nặng nhọc, chứ có ai hơn thua từng li từng tí với con gái như anh?”
Chàng trai hỏi: “Vậy tại sao lúc đầu còn đòi bình đẳng?”
Cô gái nói: “Thì bình đẳng tức là con trai phải nhường nhịn con gái, chứ có phải cái kiểu sợi tóc cũng chia đôi thế này đâu?”
Chàng trai cười: “Vậy tức muốn quay lại giống như hồi trước đúng không?”
Cô gái nói: “Đúng rồi, cứ để như hồi trước đi!”
Nhiều lúc nghĩ đến câu chuyện này, tôi cảm thấy con người thật kỳ lạ, họ cứ yêu cầu “thay đổi, cải cách, tiến bộ”, họ dẫn nhau đi một vòng lớn, nhưng sau đó có khi lại nhận ra “Cứ để như ngày xưa là tốt nhất!”.
Thật ra có những lúc việc cố gắng xóa bỏ “bất công” sẽ mang đến “bất công” còn to lớn hơn. Bắt phụ nữ phải “gánh nửa bầu trời”, nói rằng thế là bình đẳng, nhưng nếu nghĩ kỹ thì sẽ thấy đây mới thật sự là bất công với họ.
Phụ nữ và nam giới, cũng giống như trời sinh một âm một dương, mỗi phái một vẻ: người nữ khéo léo và dịu dàng, người nam mạnh mẽ và quyết đoán, đây là thiên tính bẩm sinh thông thường của hai giới tính, tuy trái ngược nhau nhưng sẽ bổ sung cho nhau mà cùng phát triển hài hòa.
Nếu nói nam làm gì thì nữ cũng phải làm đó, nữ làm gì thì nam cũng phải làm đó, như vậy sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề tiêu cực. Như đôi vợ chồng trong câu chuyện thứ nhất, giả dụ đổi lại người chồng đi phụ nấu ăn, còn người vợ đi khuân vác, thì sẽ thế nào? Người chồng không có đôi tay khéo léo của vợ, người vợ không có thể lực khỏe mạnh như chồng, họ sao có thể làm tốt công việc của mình?
Một con ngựa vác 100kg là chuyện thường, còn nếu bắt một con khỉ vác 100kg chẳng phải nó sẽ bị đè chết? Nhưng đổi lại, con khỉ có thể leo lên cây và chuyền từ cành này sang cành khác dễ dàng, còn ngựa thì không thể. Đó là trời sinh mỗi vật một đặc tính, nếu nói “bình đẳng” là ngựa phải biết leo cây, khỉ phải biết khuân vác, thì chẳng phải rất tức cười sao? Đó mới là không công bằng với cả hai bên.
Tất nhiên nếu xã hội xuất hiện bất công thật sự thì người ta có quyền đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân, nhưng nhiều khi cũng giống như người vợ trong câu chuyện thứ nhất vậy. Ban đầu chị ấy có một gia đình khá hạnh phúc, người chồng chăm chỉ làm việc và chưa từng có hành vi quá đáng gì với chị, nhưng dần dà xem nhiều các bài viết tuyên truyền theo hướng một chiều trên mạng xã hội, kêu gọi người phụ nữ cần phải mạnh mẽ mà đòi quyền bình đẳng cho chính mình, tâm lý của chị dần bị kích động, cảm thấy bản thân bị đối xử bất công, thiếu bình đẳng, cứ phải “nổi dậy chống lại” để đòi quyền lợi.
Chính loại tuyên truyền nào là yêu cầu người ta phải đấu tranh xóa bỏ bất công, nghĩ cho mình chứ đừng nghĩ đến người khác, “người không vì mình trời tru đất diệt”, mới đúng là điều đang họa loạn xã hội này. Nó đang chia rẽ và làm quan hệ giữa người với người chứa đầy bạo lực, mâu thuẫn, và oán hận.
Chỉ nói riêng gia đình, ngày xưa cha mẹ có nghĩa vụ chăm lo và nuôi dạy thật tốt con cái của mình, con cái thì cần phải hiếu thuận và kính trọng cha mẹ. Người chồng yêu thương và bảo vệ vợ của, người vợ thấu hiểu và chia sẻ công việc với chồng. Mỗi người một việc, không có ai “đè đầu cưỡi cổ” hay “áp bức bóc lột” ai cả.
Còn ngày nay, nhiều cha mẹ chỉ vì nghĩ cho lợi ích của mình mà sẵn sàng vứt bỏ con cái, thậm chí sẵn sàng phá thai, sống không hợp thì ly hôn, con cái ra sao không cần quan tâm tới. Nhiều con cái lớn rồi cũng có thể bỏ mặc cha mẹ mà đi, chỉ lo cho sự nghiệp của bản thân. Có người chồng chìm ngập trong những cuộc chơi bời ở bên ngoài, có người vợ chỉ biết chưng diện mua sắm,… người ta chỉ còn quan tâm đến việc thỏa mãn nhu cầu của bản thân, không thỏa thì cảm thấy “bất công” và đòi “đấu tranh chống lại”, chứ không nghĩ xem mình phải có trách nhiệm gì với gia đình và với xã hội.
Đây là tác dụng phụ diện của việc tuyên truyền “giải phóng, đấu tranh, xóa bỏ bất bình đẳng” một cách quá cực đoan. Ai cũng chỉ biết sống vì bản thân, trong đầu toàn là tư tưởng tranh đấu với người khác, thì tương lai của dân tộc và đất nước sẽ ra sao? Thật sự là một điều đáng lo ngại!
Trở lại với vấn đề bất bình đẳng nam nữ, nhiều người vẫn cảm thấy không thuyết phục, cho rằng xã hội quả thật tồn tại nhiều người chồng vũ phu hay gia trưởng, thường xuyên đánh đập mắng chửi vợ con,… Nhưng nếu trầm tĩnh quan sát, chúng ta sẽ nhận ra xã hội ngày nay đã khác xưa rất nhiều, mà quan trọng nhất chính là đạo đức con người đã trượt dốc trầm trọng.
Thời nay không chỉ là nam giới bắt nạt nữ giới, mà nam giới cũng đang bắt nạt nam giới, nữ giới cũng đang bắt nạt nữ giới, cũng không thiếu trường hợp nữ giới bắt nạt nam giới. Chẳng qua vì nam giới là phái mạnh, nên nếu nam bắt nạt nữ thì biểu hiện sẽ nổi cộm rõ ràng hơn, chứ những trường hợp ngược lại cũng không hề ít.
Tức là, không phải phái nào đang đối xử bất công với phái nào, mà là con người ngày nay đều đang bắt nạt lẫn nhau, dù nam hay nữ đều đang ức hiếp người yếu thế hơn mình. Như vậy, vấn đề này thực chất là do nhân tâm, do đạo đức của con người trượt dốc mà tạo ra. Nếu người ta có tiêu chuẩn đạo đức cao thượng, người chồng sẽ hiểu cần bảo vệ và yêu thương vợ thế nào, người vợ sẽ hiểu phải quan tâm và chia sẻ với chồng ra sao,… mâu thuẫn tự nhiên sẽ không còn nữa.
Do đó, vấn đề đặt ra cho xã hội là khôi phục đạo đức truyền thống, chính lại nhân tâm, chỉ có vậy giữa người với người mới giảm thiểu xung đột, gia đình mới hòa thuận, đất nước mới phát triển. Còn trái lại, việc tuyên truyền quá cực đoan nào là “giải phóng phụ nữ”, “xóa bỏ bất công”, “xóa bỏ bất bình đẳng giới”,… chỉ càng làm cho tình hình trở nên gay gắt hơn, thậm chí kéo theo nhiều hệ lụy khó mà giải quyết được.
Thế Di