Tần Cối chọn được mảnh đất tốt, còn dương dương tự đắc cho rằng mình đã làm được một việc đại cát đại lợi, tham vọng ngày sau nhất định sẽ gặp hảo sự. Tuy nhiên, phong thủy dù tốt đến đâu cũng có thể bị cái tâm vẩn đục phá vỡ.
Lời tiên đoán của vị thầy phong thủy, quả nhiên ứng nghiệm
Năm 1141 thời Nam Tống Nhạc Phi và con trai Nhạc Vân bị gian thần Tần Cối hạ độc giết tại đình Phong Ba. Vụ án oan thảm khốc của ông từ đó đi vào sử sách với tên gọi “Mạc tu hữu” (Không cần có), khiến cho muôn dân căm phẫn.
Trong ghi chép của cổ thư phong thuỷ thì Tần Cối từng ép buộc vị thầy phong thuỷ nổi tiếng lúc bấy giờ là Lại Bố Y tìm cho mình vùng đất phong thuỷ để an táng tổ tông, với tham vọng truy cầu phúc lộc và xưng vương xưng bá sau này.
Thầy phong thủy bị Tần Cối ép bức cuối cùng đã tìm được một mảnh đất cát linh chi địa rồi bố trí long huyệt. Nhưng lúc chuẩn bị rời đi ông liền nói: “Mảnh đất này rất đẹp, nếu không phát thì không còn gì gọi là phong thuỷ địa lý nữa. Nhưng mà nếu phát thì trên đời này không còn thiên lý”.
Căn cứ theo phong thuỷ dịch lý học, thì địa lý là nói đến nguyên lý dịch chuyển long mạch của thế đất. Thầy phong thuỷ căn cứ theo thế đất mà tính toán tìm ra được long mạch của khu đất, xem chỗ nào tụ được nhiều khí tốt rồi an táng mộ phần tổ tiên ở đó, nhằm lợi dụng linh khí của núi sông đại địa chuyển vào gia tộc người chủ. Làm được như vậy thì gia đình đó không thể không phát, nếu không đạo lý thiên địa chi linh đều trở thành thứ lừa gạt người đời.
Nhưng nói đi cũng cần nói lại, phàm trên đời mọi thứ cũng đều có thiên lý tuần hoàn chế ước. Ví như theo mệnh số để phân tích, Tần Cối là một người nham hiểm tàn ác, hãm hại trung lương như vậy mà gia tộc hậu thế vẫn có thể phát tài phát lộc, thăng quan tiến chức, thì không còn phù hợp với thiên lý nữa. Vậy nên lúc sắp rời đi Lại Bố Y mới có dự ngôn như vậy.
Sau khi tìm được mảnh đất tốt, Tần Cối cho người di chuyển mộ phần tổ tiên đến đó. Không những vậy, Tần Cối còn dương dương tự đắc cho rằng mình đã làm được một việc đại cát đại lợi, ngày sau nhất định sẽ gặp hảo sự, vậy nên bèn cấu kết với phiên bang (ngoại tộc), mộng tưởng sau khi thành công sẽ được phong vương phong hầu, đời đời hưởng lộc vinh hoa phú quý.
Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính. Sau khi Tần Cối chuyển mộ phần tổ tiên về đó không lâu, thì vào một đêm trời bỗng mưa to gió lớn, sấm vang chớp giật. Trời đất thét gào như đảo lộn núi sông khiến cho long mạch dịch chuyển. Vốn dĩ mảnh đất này là bảo địa chi linh thì nay lại thành mảnh đất tiêu phúc hại gia, về sau quả nhiên ứng với tiên đoán của Lại Bố Y: “Nhưng mà nếu phát thì trên đời này không còn thiên lý”.
Thế mới thấy, phong thủy tốt hay xấu phụ thuộc vào đức hạnh và phúc phận của con người. Con người nếu có phúc phận, sống tại nơi có phong thủy dù xấu rồi cũng sẽ chuyển thành đẹp. Ngược lại, nếu sống tại nơi có thế phong thủy đẹp, thế đó rồi cũng sẽ tự bị phá vỡ.
Có câu rằng: “Người làm việc tốt, giống như cỏ trong vườn xuân, không thấy trưởng thành, lâu ngày sinh sôi. Người làm việc ác, giống như đá mài dao, không thấy hao tổn, lâu ngày mới mòn”.
Bởi vì “phúc họa vô môn luôn tại tâm”, nghĩa là không có cánh cửa nào mang tên phúc, họa, mà chính từ hành động, suy nghĩ của chúng ta đã định hình ra được kết quả tương ứng rồi. Tích đức hành thiện sẽ luôn mang tới phúc, và ngược lại.
Vậy nên số phận con người hoàn toàn do lượng đức và nghiệp mà người đó có, nhân quả báo ứng chính là quy luật của vũ trụ, công bằng không có sai chạy, dù bạn có cố gắng lừa mình dối người, cũng không thể dối được Thần, bất kể việc nào bạn làm cũng đều được theo dõi và ghi nhận.
Người xưa cũng có câu rằng, phong thủy bảo hộ người lương thiện, còn người hành ác thì dù ở nơi phong thủy tốt cũng khó có phúc báo. Lâm Tắc Từ cũng từng nói rằng: “Tồn tâm bất thiện, phong thủy vô ích”, nghĩa là một người nếu tâm tính bất thiện thì phong thủy cũng không giúp được gì. Cho nên, tu dưỡng tâm tính, hành thiện tích đức mới là phong thủy tốt nhất, lớn nhất của đời người.
Tuệ Tâm (t/h)