Bảo tồn môi trường đã trở thành một chủ đề nóng trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, khái niệm này đã được tìm thấy từ xa xưa, trong các văn tự tiếng Phạn cổ đại của Ấn Độ. Thậm chí, người
Một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ 21 là sự phá hủy môi trường tự nhiên. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng sự biến đổi môi trường trong 60 gần đây đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy trong 10.000 năm qua. Con người đã gây ra sự biến đổi khí hậu, mất toàn vẹn sinh quyển, biến đổi hệ thống đất đai, và lượng lớn hóa chất sinh học bị đổ ra đại dương do sử dụng phân bón đã chạm ngưỡng nguy hiểm.
Môi trường và sự kết nối với con người
Các bài học về việc bảo vệ môi trường có thể được tìm thấy trong các giáo lý của Hindu giáo. Chẳng hạn như, những người Hindu tin rằng môi trường gồm có 5 nhân tố: không gian, không khí, lửa, nước và đất. Cơ thể của con người cũng bao gồm và liên quan đến 5 nguyên tố này.
Ngoài ra, mỗi giác quan trong 5 giác quan của con người cũng được kết nối với 5 yếu tố đó. Liên kết giữa các giác quan và các yếu tố này hình thành một cơ sở cho mối liên hệ giữa con người và thế giới tự nhiên. Vì thế, trong các giáo lý của đạo Hindu, người ta tin rằng môi trường không phải là một thực thể bên ngoài, mà là một phần của bên trong, không thể tách rời khỏi sự tồn tại của con người, vì nó tạo nên cơ thể người.
Dharma (Pháp) và bảo tồn môi trường
Theo Hindu giáo, năm yếu tố thiên nhiên (đất, không khí, lửa, nước và không gian) và cơ thể người đều có sự liên kết với nhau. (Ảnh: Economy.rs)
Trong Hindu giáo, người ta có thể hiểu việc bảo vệ môi trường như một phần của Dharma (Pháp). Từ Dharma (Pháp) mang nhiều nghĩa như: bổn phận, đức hạnh, quy luật vũ trụ, và thậm chí là tín ngưỡng tôn giáo.
Người ta đã chỉ ra rằng trong quá khứ, các cộng đồng người Ấn Độ không coi tín ngưỡng, đạo đức và môi trường là những khía cạnh riêng biệt trong cuộc sống, thay vào đó có một sự liên kết giữa các nhân tố này – giống như cách họ nhìn nhận về mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên.
Chẳng hạn như, bộ tộc Bishnois luôn bảo vệ động vật và cây cối, hay người Bhils thường thực hành nghi lễ trong các khu rừng thiêng,… Thay vì xem hành động đó của mình là bảo vệ môi trường, những cộng đồng này hiểu rằng họ đang bày tỏ sự tôn kính đối với tự nhiên theo các giáo huấn của Hindu giáo.
Quy tắc Manu Samhita: Bảo vệ động vật và thực vật
Một hình thức bảo vệ môi trường tích cực hơn có thể được tìm thấy trong văn tự quan trọng của tiếng Phạn gọi là Manu Samhita. Trong Manu Samhita có viết rằng, việc bảo vệ động vật là một trong những nhiệm vụ của một vị vua. Trong văn tự này, những hành vi phạm tội khác nhau đối với động vật và các hình phạt tương ứng cũng được liệt kê.
Ví dụ, nếu một người làm bị thương một con vật, người đó sẽ phải chịu chi phí điều trị cho nó. Nếu một con vật lớn như bò, voi hoặc ngựa bị hại, người phạm tội sẽ phải chịu tiền phạt. Hơn nữa, việc giết một số động vật nhất định, bao gồm mèo, rắn, khỉ và nhiều loài chim cũng bị coi là phạm tội, và sẽ phải bị trừng phạt.
Luật bảo vệ đó còn áp dụng cho cả thực vật. Ví dụ, việc đốn hạ cây cối đang sống để xây dựng các nhà máy, đập, cầu,… hoặc để lấy củi sẽ bị lên án là phạm tội và bị xem như một kẻ hèn hạ.
Sự luân hồi và hợp nhất của vương quốc động vật
Tranh vẽ thể hiện sự luân hồi trong Bản Sinh Kinh. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Hindu giáo không phải là tôn giáo duy nhất có nguồn gốc ở Ấn Độ khuyến khích bảo tồn môi trường. Khái niệm này cũng được tìm thấy trong các giáo lý của Phật giáo.
Đạo Phật tin vào luân hồi, rằng con người có thể sẽ chuyển sinh thành động vật và ngược lại. Jatakamala (Bản Sinh Kinh), một bộ sưu tập những câu chuyện kể về cuộc đời của Đức Phật, nhắc nhở mọi người rằng có một sự thống nhất và liên tục giữa con người với vương quốc động vật. Như vậy, thông điệp tôn trọng Mẹ Thiên Nhiên một lần nữa được lặp lại.
Áp dụng giáo lý cổ xưa trong thế giới ngày nay
Đó là một số thông điệp của người Ấn Độ cổ về bảo vệ môi trường và giống loài. Thông điệp của họ là một trong những điều mà con người ngày nay cần quan tâm. Bằng cách xem thế giới tự nhiên là một phần không thể tách rời với sự tồn tại của con người, chúng ta có thể học được cách đối xử với Mẹ Thiên Nhiên một cách tôn trọng hơn, nhờ đó có thể bảo vệ môi trường tốt hơn, chứ không phải khai thác triệt để nó nhằm thỏa mãn những tham vọng không giới hạn của con người.
Hồng Liên biên dịch