Một bản đồ thế giới được Henricus Martellus vẽ năm 1491 đã hiển lộ nhờ kỹ thuật chụp ảnh đa phổ, các ảnh chụp đã tiết lộ các chi tiết bí ẩn trên bản đồ trước đây không nhìn thấy được, trong đó gồm cả nhiều mô tả về khu vực châu Mỹ Latinh và con người nơi đây.
Henricus Martellus còn được gọi là Heinrich Hammer. Ông là một người chuyên vẽ bản đồ người Đức, sống ở Florence, từ 1480 đến 1496. Bản đồ thế giới năm 1491 là một trong hai bản đồ của ông, một bản trước đó được vẽ năm 1489. Bản vẽ tương tự như một quả địa cầu, được gọi là Erdapfel, sau đó các nhà hàng hải, nghệ sĩ, nhà thiên văn học, triết học và nhà thám hiểm Martin Behaim vẽ lại tấm bản đồ có nhiều nét giống với tấm của Martellus vào năm 1492. Cả hai kết hợp các biến thể của mô hình Ptolemy, trong đó họ cho thấy Ấn Độ Dương nằm dưới mũi của châu Phi và chúng bao gồm cả lục địa Malaysia.
Cả hai cũng có thể đã tham khảo bản đồ được Bartolomeo Columbus vẽ năm 1485 ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Một số nhà sử học tin rằng bản đồ Martellus cũng có thể đã được Christopher Columbus sử dụng trước chuyến đi vòng quanh thế giới của mình.
Không có nhiều thông tin về Martellus, nhưng có lẽ ông đã sống ở Nuremberg. Bản đồ năm 1491 của ông được bảo quản tại Thư viện Bản thảo và Sách hiếm Beinecke. Bản đồ này có thể là một sự kế thừa từ thành quả của Claudius Ptolemy, một học giả Hy Lạp sống trong thế kỷ hai sau Công Nguyên. Những ghi chép về địa lý của Ptolemy không được người Cơ đốc giáo châu Âu biết đến rộng rãi nhưng nó là nền tảng cho thời Phục hưng Địa lý ở Đức. Martellus đã sửa đổi lại những ghi chép của Ptolemy bằng thông tin thu được từ chuyến đi của mình ở châu Á. Ông cũng kết hợp thông tin từ các chuyến thám hiểm Bồ Đào Nha sang châu Phi của mình.
Kỹ thuật chụp ảnh đa phổ đã giúp tiết lộ các chi tiết trên tấm bản đồ 1491 mà trước đó đã bị che khuất trong năm thế kỷ phai màu và sờn rách. Năm thành viên của nhóm nghiên cứu và các chuyên gia hình ảnh đã viếng thăm Thư viện Bản thảo và Sách hiếm Beinecken, nơi có nhiều bản đồ được treo bên ngoài phòng đọc sách.
Một khoản trợ cấp từ Quỹ Quốc gia cho các ngành nhân văn đã cho phép họ thực hiện nghiên cứu trên tấm bản đồ bao gồm kỹ thuật chụp ảnh đa phổ với 12 màu sắc phản chiếu. Kỹ thuật này có thể chụp được nhiều tần số nằm ngoài phạm vi ánh sáng nhìn thấy được. Những hình ảnh này sau đó được phân tích bằng phần mềm công nghệ cao.
“Chúng tôi đã phục hồi được nhiều thông tin hơn cả sự kỳ vọng”, nhà sử gia chuyên nghiên cứu bản đồ và người dẫn đầu nhóm nghiên cứu Chet Van Duzer nói với trang Phys Org.
Ông Van Duzer nói thêm rằng, những hình ảnh này cho thấy nhiều mô tả về các vùng và các dân tộc ở châu Mỹ Latinh, bao gồm cả đoạn văn ở phía Bắc châu Á chứa thông tin về những người gọi là ‘Balor’, tiết lộ cuộc sống lấy thịt nai làm thực phẩm.
Một đoạn văn khác mô tả người ‘Panotii’ là những người có đôi tai lớn, lớn đến độ họ có thể dùng chúng làm túi ngủ. Van Duzer cũng phát hiện ra rằng Martellus đã sử dụng một bản nhật kí hành trình chép tay của Marco Polo, chứ không phải là bản in bằng tiếng Latinh. Hơn nữa, Martellus đã dựa trên mô tả về miền Nam châu Phi trên bản đồ Egyptus Novelo của Ptotemy, có trong ba bản thảo còn sót lại của công trình “Địa lý học” của ông.
Bản đồ này được xây dựng trên các thông tin từ người châu Phi bản địa, hơn là từ cuộc thám hiểm châu Âu, nhưng khu vực này của bản đồ Martellus có lẽ được vẽ theo thông tin do người Ethiopian truyền đạt cho Cộng đồng Florence năm 1441. Thực tế là bản đồ Martellus cho thấy châu Phi mở rộng hơn nữa về phía Đông hơn so với phiên bản Egyptus Novelo, điều đó có nghĩa là ông đã sử dụng một phiên bản hoàn chỉnh hơn hiển thị bờ phía Đông của châu Phi.
Những hình ảnh sau này quan trọng vì chúng tiết lộ cách thức mà bản đồ Martellus ảnh hưởng đến những bản đồ sau đó, chẳng hạn như người chuyên vẽ bản đồ Martin Waldseemüller vào năm 1507, đã vẽ tấm bản đồ đầu tiên gọi châu Mỹ là Tân Thế Giới.
Các nội dung trên bản đồ Martellus cho thấy rằng nó là một nguồn tài liệu quan trọng cho Waldseemüller. “Nó đặt bạn vào một hội thảo của những người vẽ bản đồ“, Van Duzer nói. “Có thể dễ dàng để tưởng tượng Waldseemüller đang tra cứu nhiều tài liệu khác nhau ở bàn của mình“.
Thật thú vị là hình ảnh của Nhật Bản trên bản đồ đã sai hoàn toàn. Trong đó, nước này được mô tả trong bản đồ cách bờ biển châu Á 1.000 dặm. Điều này có thể đã dẫn đến việc Christopher Columbus tin rằng ông đã tìm thấy Nhật Bản trong khi thực sự là ông đã di chuyển đến Bahamas.
Theo Giáo sư Roger Easton từ Trung tâm Khoa học hình ảnh Chester F.Carlson thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Rochester, những khám phá mới vẫn đang được tiến hành, và cho đến nay 80% các văn bản trên bản đồ đã được khám phá. Nhóm nghiên cứu hiện đang tiến hành phần việc còn lại. Một khi công việc hoàn thành, hình ảnh sẽ được trình bày cho các học giả và công chúng thông qua trang web Beinecke Library.
Thanh Phong, dịch từ Ancient Origins