Tinh Hoa

Tại sao cần tắt điện thoại, mở rèm cửa sổ khi máy bay cất và hạ cánh?

Khi đi máy bay, chúng ta thường được nhắc nhở: “Tắt nguồn điện thoại di động và các thiết bị điện tử cầm tay, mở tấm che cửa sổ, dựng thẳng lưng ghế, gập bàn ăn và thắt dây an toàn” mỗi khi máy bay cất/hạ cánh. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao chúng ta phải làm vậy và nó ảnh hưởng gì đến an toàn bay?

(Ảnh: pomada.cc)

Tại sao phải tắt nguồn điện thoại di động và thiết bị điện tử?

Từ năm 1991, Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã ban hành lệnh cấm sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân bao gồm cả điện thoại di động trên máy bay mặc dù vào thời điểm đó Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) trên thực tế lại không cấm sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân. Đây là một vấn đề gây tranh cãi đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Lý do hàng đầu được FCC đưa ra là hoạt động của các thiết bị có thể phát ra sóng vô tuyến gây nhiễu hệ thống điện tử nhạy cảm của máy bay. Máy bay được trang bị một loạt các hệ thống điện tử cho phép phi công và bản thân máy bay liên lạc với mặt đất, hỗ trợ định hướng và giám sát các trang thiết bị khác. Các hệ thống này được gọi là hệ thống điện tử hàng không. Rất nhiều thành phần trong hệ thống sử dụng tín hiệu radio để gửi nhận thông tin do đó chúng có tiềm năng bị nhiễu bởi các thiết bị phát sóng sử dụng tần số radio tương tự.

Bức xạ tần số radio còn có khả năng ảnh hưởng đến dòng điện trong các dây dẫn do đó hệ thống điện tử hàng không có thể bị ảnh hưởng. Mặc dù đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy tác động của các thiết bị điện tử đối với hoạt động của máy bay nhưng lệnh cấm này vẫn tồn tại và nhiều hãng hàng không trên thế giới đã hưởng ứng theo phương châm “an toàn là trên hết”.

Thêm vào đó, giai đoạn cất cánh và hạ cánh của máy bay được xem là 2 giai đoạn quan trọng nhất đối với mỗi chuyến bay và đòi hỏi phi hành đoàn phải tập trung cao độ, duy trì liên lạc với trạm kiểm soát không lưu ATC và đảm bảo hoạt động của tất cả các trang thiết bị trên máy bay. Giai đoạn cất cánh và hạ cánh được xác định khi máy bay đang bay dưới 10.000ft (~ 3.048m) và trung bình một chiếc máy bay sẽ mất khoảng từ 15 đến 20 phút để đạt độ cao này. Do đó, giới hạn sử dụng thiết bị điện tử sẽ nằm trong khoảng thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến bay.

Hành khách cần tập trung lắng nghe tiếp viên hàng không truyền đạt các quy định trên máy bay. (Ảnh: Shutterstock/Phawat).

Điện thoại di động dĩ nhiên bị cấm sử dụng hoàn toàn trên chuyến bay. Khi được yêu cầu tắt nguồn hay đưa máy về chế độ Airplane Mode có nghĩa thiết bị phải được đảm bảo ngắt hoàn toàn các kết nối vô tuyến. Các thiết bị điện tử khác như máy nghe nhạc, máy chơi game, laptop,… phải được tắt trong giai đoạn cất và hạ cánh. Các thiết bị như máy trợ tim, trợ thính, dao cạo râu chạy điện vẫn được sử dụng bởi chúng không gây nhiễu.

Ngoài việc loại trừ nguy cơ gây nhiễu thì việc cấm sử dụng thiết bị điện tử cũng ngăn ngừa khả năng gây tổn thương cho hành khách trong trường hợp máy bay dằn xóc khi đi vào vùng thời tiết xấu, thiết bị có thể bị hất văng gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc cấm sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân trong quá trình cất hạ cánh cũng giúp cho hành khách tập trung theo dõi các chỉ dẫn an toàn bay hơn và phi hành đoàn cũng không bị phân tâm khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, FCC còn đưa ra một lý do nữa là hoạt động của điện thoại di động hay các thiết bị thu phát sóng có thể gây nhiễu mạng lưới truyền thông dưới đất. Khi bạn thực hiện một cuộc gọi ở độ cao dưới 10.000ft, tín hiệu sẽ được truyền đi qua hàng loạt các cột phát sóng di động thay vì chỉ 1 và nếu có nhiều người cùng thực hiện cuộc gọi, mạng lưới truyền thông dưới đất sẽ bị tắt nghẽn. Về phía FAA, cơ quan hàng không liên bang Mỹ khuyến nghị hành khách nên chuyển về chế độ Airplane Mode bởi ở độ cao 30.000ft (~ 9.144m), điện thoại không thể nhận được tín hiệu di động và nếu cứ liên tục dò tìm tín hiệu thì điện thoại sẽ nhanh chóng hết pin khi bạn hạ cánh.

Vào tháng 8/2012, FAA đã bắt đầu xem xét việc nới lỏng sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân trên máy bay mặc dù điện thoại vẫn bị cấm. Đến tháng 10/2013, FAA đã công bố rằng các hãng hàng không có thể xem xét cho phép hành khách sử dụng thiết bị điện tử cầm tay một cách an toàn trong tất cả các giai đoạn của chuyến bay.

Điện thoại có thể được sử dụng với các chức năng giải trí và phải đưa về chế độ Airplane Mode hoặc tắt kết nối di động, không được dùng tính năng liên lạc theo lệnh cấm của FCC. Kết nối Bluetooth tầm ngắn vẫn được cho phép, bạn có thể dùng các thiết bị ngoại vi như bàn phím Bluetooth. Nếu hãng hàng không có cung cấp dịch vụ Wi-Fi trên chuyến bay, hành khách vẫn có thể sử dụng các dịch vụ này. Trong quá trình cất/hạ cánh, thiết bị điện tử phải được giữ chặt trên tay hoặc đặt vào túi ghế phía trước.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng mỗi hãng hàng không được phép đưa ra các quy định riêng và cũng tùy theo luật pháp của từng quốc gia mà hành vi sử dụng điện thoại hay các thiết bị điện tử trên máy bay có bị cấm hay không. Do đó khi đi máy bay của hãng hàng không nào thì bạn phải tuân thủ quy định của hãng cũng như luật pháp tại quốc gia mà chuyến bay cất/hạ cánh. Tại Việt Nam, cả 3 hãng hàng không hiện tại đều cấm sử dụng điện thoại di động trên máy bay và cho phép sử dụng một số thiết bị điện tử sau khi máy bay đã ổn định độ cao.

Tại sao phải mở cửa sổ?

Việc mở tấm che cửa sổ cũng giúp cho hành khách làm quen dần với ánh sáng bên ngoài nếu đó là chuyến bay ban ngày. (Ảnh: Shutterstock/Etaphop Photo)

Bên cạnh việc phải tắt điện thoại di động và các thiết bị điện tử khi máy bay cất và hạ cánh thì điều tiếp theo bạn phải làm là mở ô cửa sổ hay cụ thể là tấm che cửa sổ. Đôi khi ánh sáng bên ngoài quá chói khiến bạn cảm thấy khó chịu nhưng chúng ta buộc phải thực hiện điều này theo yêu cầu của tiếp viên. Tại sao?

Chúng ta có một số giải đáp theo gợi ý của nhiều người dùng trên trang stackexchange:

Tại sao phải dựng thẳng lưng ghế, gập bàn ăn và thắt dây an toàn?

(Ảnh: Spiegel)

Có 2 lý do chính rất đơn giản khi bạn được yêu cầu dựng thẳng lưng ghế. Thứ nhất, khi bạn dựng thẳng ghế, vị trí ghế được khóa lại và ngược lại, khi bạn ngã lưng ghế ra phía sau, vị trí ghế không được khóa. Đây là cơ chế hoạt động của mọi ghế trên máy bay và bạn cũng đã quá quen thuộc với việc phải bấm nút trên chỗ để tay để nhả khóa và ngã lưng ghế ra sau. Trong trường hợp khẩn cấp, một chiếc ghế không được khóa cố định sẽ chịu nhiều lực tác động hơn và lưng ghế bật về phía trước sẽ gây nguy hiểm cho chính người ngồi trên ghế cũng như người ngồi phía sau.

Thứ 2, người ngồi đằng sau chiếc ghế không được dựng thẳng lưng sẽ không thể có được tư thế trụ vững nhất trong trường hợp va chạm. Có rất nhiều cách để chống trụ cơ thể khi máy bay gặp va chạm và vào cuối những năm 1980, FAA cũng đã nghiên cứu nhiều phương pháp để hành khách chuẩn bị tư thế đón nhận va chạm. Trước khi một chiếc máy bay dân dụng được chứng nhận, nhà sản xuất phải chứng minh rằng nó có thể cho phép hành khách sơ tán nhanh chóng. Vì lý do này, phần 121.311(d) luật hàng không liên bang Mỹ yêu cầu lưng ghế trên máy bay phải có cơ chế khóa an toàn.

Về chiếc bàn ăn, có 2 lý do đơn giản buộc bạn phải gập gọn nó lại khi máy bay cất/hạ cánh. Thứ nhất, bàn ăn được gập gọn sẽ tạo khoảng trống, giúp bạn cũng như người ngồi cạnh sơ tán nhanh hơn trong trường hợp khẩn cấp. Thứ 2, khi va chạm xảy ra, nếu bạn không thắt chặt dây an toàn, cơ thể bạn có thể trượt về phía trước, đập vào bàn ăn và các cơ quan nội tạng có thể bị tổn thương.

(Ảnh: Báo Mới)

Về phần dây an toàn thì chức năng của nó chúng ta đều đã biết. Dây an toàn giúp giữ cố định cơ thể với ghế và giảm thiểu chấn thương khi máy bay bị dằn xóc hay va chạm. Hành khách có thể được tháo dây an toàn khi máy bay đã đạt độ cao ổn định nhưng bắt buộc phải cài dây trong quá trình cất/hạ cánh và mỗi khi đèn hiệu cài dây an toàn được bật sáng.

Một số hành khách thường không coi trọng yêu cầu này dẫn đến những trường hợp suýt gặp tai nạn do không cài dây an toàn. Vì vậy chúng ta nên cài dây mỗi khi đèn báo bật sáng đề phòng tai nạn đáng tiếc.

Theo Tinh Tế