Nhiều người nghĩ rằng phẫu thuật thẩm mỹ là phát minh của thế giới hiện đại. Tuy nhiên, thực tế phương pháp làm đẹp hình thể này đã xuất hiện từ rất lâu và bằng chứng cho điều này sẽ được tìm thấy trong cuốn Sushruta Samhita, một văn bản y học cổ của Ấn Độ.
Sushruta Samhita được viết vào TK 6 TCN và được cho là do thầy thuốc Sushruta (trong tiếng Phạn nghĩa là ‘rất nổi tiếng’) thực hiện. Nội dung được biết đến nhiều nhất của Sushruta Samhita đối với ngành phẫu thuật thẩm mỹ là cách tái tạo mũi hay phẫu thuật nâng mũi. Quy trình này được mô tả như sau:
“Phần mũi cần phẫu thuật được ước lượng bằng một mảnh giấy. Sau đó, đắp lên mũi một mảnh da có kích thước phù hợp được lấy từ phần da sống ở má, giữ một mảnh da ghép nhỏ ở phần má này. Phần chân mũi được đắp da cần phải được cắt bằng dao. Da sau đó được nhanh chóng khâu vào mũi, nâng phần da lên cao bằng cách chèn 2 ống eranda (cây thầu dầu) vào vị trí của lỗ mũi để định dạng chiếc mũi mới. Sau đó nên rắc bột cam thảo, cây gỗ đỏ và dã nhân sâm. Cuối cùng, bông và dầu mè được đắp lên và phải thường xuyên thay mới”.
Những đóng góp khác của Sushruta Samhita trong lĩnh vực thẩm mỹ bao gồm việc hướng dẫn sử dụng vạt da ở má để khôi phục phần thùy tai đã mất, cách sử dụng rượu để gây tê và dùng đỉa để giữ thông thoáng cho các vết thương bằng cách hút khối máu đông.
Sushruta Samhita cũng có thể là một trong những văn bản của Ayurveda, một hệ thống chữa bệnh truyền thống của Ấn Độ. Do đó, nội dung của Sushruta Samhita rộng hơn, không riêng gì những thông tin về phẫu thuật thẩm mỹ.
Cuốn Sushruta Samhita bao gồm 184 chương, mô tả 1.120 căn bệnh cũng như hàng trăm loại thuốc chế biến từ động, thực vật và khoáng chất. Hơn nữa, nó còn liệt kê 300 cách phẫu thuật được chia làm 8 mục và 121 loại dụng cụ phẫu thuật khác nhau.
Ngoài ra, Sushruta còn hướng dẫn cách để trở thành một thầy thuốc giỏi là phải có kiến thức y tế cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế.
Trong suốt TK 8, Sushruta Samhita đã được dịch sang tiếng Ả Rập bởi Ibn Abillsaibial. Bản dịch theo tiếng Ả Rập có tên là Kitab Shah Shun al-Hindi hay Kitab i-Susurud cuối cùng cũng đến châu Âu vào cuối thời Trung cổ.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Ancient Origins