Những người có lòng biết ơn thường là những người biết hài lòng với cuộc sống. Lòng biết ơn có khả năng giảm sự trầm cảm, tăng cường hạnh phúc, bài xích những cảm xúc tiêu cực, khiến người ta vượt qua trạng thái tiêu cực nhanh chóng…
>>> Khoa học chứng minh sự tồn tại của “thiện ác hữu báo” có tác động đến cơ thể
Lòng biết ơn có lẽ có nhiều lợi ích hơn chúng ta nghĩ. Một nghiên cứu gần đây đã đề nghị những người tham gia khảo sát viết lời cảm ơn vào mảnh giấy cho một người nào đó và sau đó đoán thử sự ngạc nhiên và hạnh phúc của người nhận – việc mà họ luôn đánh giá thấp. Một nghiên cứu khác đánh giá lợi ích sức khỏe của việc viết lời cảm ơn. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc viết lời cảm ơn trong suốt ba tuần làm tăng cảm giác hạnh phúc và hài lòng về cuộc sống, đồng thời giảm các triệu chứng trầm cảm.
Mặc dù các nghiên cứu về lòng biết ơn còn khá mới mẻ, nhưng các nguyên tắc đạo đức có liên quan đến nó thì đã có từ rất lâu. Sinh viên của tôi trong khóa học triết học chính trị tại Đại học Indiana đang đọc cuốn sách 300 tuổi “Robinson Crusoe” của Daniel Defoe. Đây thường được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Anh. Bị bỏ rơi trên một hòn đảo hoang và hầu như không có hy vọng được giải cứu hoặc trốn thoát, Crusoe quả thật có rất nhiều thứ để than thở.
Nhưng thay vì tuyệt vọng, ông tạo ra một danh sách những thứ mà mình biết ơn, bao gồm cả sự thật ông là người duy nhất sống sót trong vụ đắm tàu và đã vớt được nhiều vật dụng hữu ích từ đống đổ nát.
Tác phẩm của Defoe, thường được xếp hạng là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất thế giới, vẽ nên một bức chân dung của lòng biết ơn, điều mà vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.
Đây cũng là một trong những điều mà tâm lý học và y học hiện đại bắt đầu nghiên cứu. Nói một cách đơn giản, đối với hầu hết chúng ta, tập trung vào những điều mà chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn trong cuộc sống thì có lợi hơn những điều khiến chúng ta bực tức và oán giận.
Lợi ích của lòng biết ơn
>>> Tâm lý và bệnh ung thư: Điều thần kỳ của cảm xúc tích cực
Khi chúng ta tập trung vào những điều khiến chúng ta hối hận, chẳng hạn như mối quan hệ tan vỡ, tranh chấp gia đình, thất bại trong sự nghiệp và tài chính, chúng ta có xu hướng trở nên càng hối hận hơn. Ngược lại, khi chúng ta tập trung vào những điều mình biết ơn, một cảm giác hạnh phúc sẽ tràn ngập cuộc sống của chúng ta. Nhiều bằng chứng cho thấy việc đếm những điều may mắn là một trong những thói quen tốt nhất mà chúng ta có thể làm để thúc đẩy sức khỏe tinh thần và thể chất.
Lòng biết ơn từ lâu đã có một vị trí đặc quyền trong nhiều đức tin truyền thống trên thế giới. Ví dụ, Sách Thánh Vịnh dạy rằng lòng biết ơn là vĩnh viễn và trọn vẹn, rằng: “Tôi sẽ cảm ơn bạn mãi mãi” và “bằng cả trái tim tôi”. Martin Luther viết lòng biết ơn như trái tim của sách Phúc âm, mô tả nó không chỉ đơn thuần là một thái độ mà là một đức hạnh cần có.
Các nghiên cứu khoa học gần đây cũng ủng hộ những giáo huấn cổ xưa này. Những cá nhân thường xuyên tham gia vào các bài tập biết ơn, chẳng hạn như đếm phước lành hoặc bày tỏ lòng biết ơn đối với người khác, thường cảm thấy hài lòng với các mối quan hệ và ít có triệu chứng bệnh tật. Lợi ích của lòng biết ơn không chỉ nằm ở khía cạnh tinh thần và thể chất mà còn có thể mang tính đạo đức. Những người thực hành lòng biết ơn cũng thấy cuộc sống của họ ít bị vật chất ảnh hưởng và ít ghen tị hơn.
Tại sao lòng biết ơn lại tốt cho bạn
Có nhiều lời giải thích cho những lợi ích lòng biết ơn. Một thực tế là bày tỏ lòng biết ơn khuyến khích người khác tiếp tục hào phóng, do đó thúc đẩy một vòng tròn đạo đức trong các mối quan hệ. Tương tự như vậy, những người biết ơn có thể đáp lại bằng các hành động tử tế của chính họ.
Nói chung, một cộng đồng mà mọi người cảm thấy biết ơn lẫn nhau sẽ là một nơi dễ chịu để sống hơn một nơi toàn sự nghi ngờ và oán giận.
Những tác động có ích của lòng biết ơn có thể mở rộng hơn nữa. Ví dụ, khi một người cảm nhận được sự tốt đẹp đối với những gì người khác đã làm cho họ, họ được trải nghiệm một cảm giác lạc quan. Một số được truyền cảm hứng để cố gắng trở thành những người tốt hơn, làm nhiều việc giúp mang lại những điều tốt đẹp nhất cho người khác và cho thế giới xung quanh họ.
Lòng biết ơn cũng có xu hướng tăng cường cảm giác kết nối với người khác. Khi mọi người muốn làm những điều tốt đẹp truyền cảm hứng về lòng biết ơn, các mối quan hệ dường như trở nên bền chặt hơn. Và khi mọi người cảm thấy kết nối nhiều hơn, họ thường sẽ muốn dành thời gian ở bên nhau và thể hiện tình cảm trong các hành động hàng ngày.
Tất nhiên, hành động tử tế cũng có thể gây khó chịu. Ví dụ, nếu một người cảm thấy họ không xứng đáng với lòng tốt hoặc nghi ngờ rằng có động cơ không tốt đằng sau đó, thì lợi ích của lòng biết ơn sẽ không xuất hiện.
Tương tự như vậy, việc nhận được ân nghĩa có thể làm nảy sinh cảm giác nợ nần, khiến cho những người được hưởng lợi cảm thấy họ phải trả lại bất cứ điều gì họ đã nhận. Lòng biết ơn chỉ có thể được khơi dậy nếu người ta cảm thấy đủ an toàn và đủ tin tưởng để chấp nhận ân nghĩa đó.
Thực hành lòng biết ơn
Có một số bước thực hành mà bất cứ ai cũng có thể làm để thúc đẩy cảm giác biết ơn. Có thể dành thời gian thường xuyên suy nghĩ về một người đã tạo ra sự khác biệt cho mình hoặc là viết lời cảm ơn, hoặc bày tỏ lòng biết ơn trực tiếp.
Trong tôn giáo cũng có một số cách khác như suy ngẫm về những việc thiện người khác làm cho mình hoặc thực sự cầu nguyện sức khỏe và hạnh phúc cho ai đó.
Thường xuyên suy nghĩ về những điều mình biết ơn trong cuộc đời, Crusoe của Defoe tin rằng ông sẽ trở thành một người tốt hơn nhiều so với cứ ở lại trong xã hội của mình:
“Tôi thành thật cúi mình cảm ơn Thiên Chúa đã nhìn thấy tôi, thậm chí có thể tôi sẽ hạnh phúc trong hoàn cảnh cô đơn này hơn là trong sự tự do của xã hội, và trong tất cả những trò vui của thế gian… bây giờ tôi bắt đầu cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, hay với cả những hoàn cảnh khốn khổ hơn là cuộc đời xấu xa, đáng nguyền rủa mà tôi đã sống những ngày trước đây”.
Khi Defoe mô tả Robinson Crusoe biến tạ ơn thành một phần trong cuộc sống hàng ngày trên đảo, ông đang đi trước những phát hiện khoa học và y học hàng trăm năm. Tuy nhiên, ông cũng đã cho thấy sự uyên thâm của tín ngưỡng tôn giáo và triết học kéo dài hàng ngàn năm qua.
Lòng biết ơn là một trong những trạng thái tốt lành nhất trong tất cả các trạng thái của tinh thần, và những người xem nó như một thói quen chính là đang làm cho cuộc sống của họ và những người xung quanh ngày càng phong phú.
Hồng Liên, theo Epoch Times