Tinh Hoa

Sự tích hồ Ba Bể – Câu chuyện xa xưa về biển hồ trên núi

Trong khi các nền văn hóa trên thế giới đều có lưu lại những truyền thuyết về Đại Hồng Thủy, là sự trừng phạt của Thần đối với sự suy đồi và độc ác của loài người, thì ở Việt Nam cũng có một câu chuyện tương tự mang tên “Sự tích hồ Ba Bể”.

Nước dâng cao nhấn chìm làng mạc tạo thành hồ Ba Bể. (Ảnh: Internet)

Ngày xưa, ở vùng Bắc Kạn, mỗi năm dân làng Nam Mẫu đều có tổ chức lễ cúng Phật lớn, gọi là Vô Giá. Dân chúng khắp miền quay về tựu lại rất đông. Mọi người đều nô nức tham dự, ai ai cũng đều lo ăn chay, niệm Phật và năng phóng sinh những loài như chim, cá… để cầu phước trong mấy ngày hội.

Vào ngày hội, có một bà lão ăn mày không biết từ đâu xuất hiện với bộ dạng rất kì dị và gớm ghiếc. Bộ quần áo rách rưới và cũ nát không còn đủ để che được thân hình gầy gò và lở loét của bà. Từ những vết lở loét bốc ra một mùi hôi nồng nặc như mùi con vật bị thối rữa rất khó chịu. Đến đâu, bà lão cũng nói thều thào vài câu: “Tôi đói lắm, các ông các bà ơi!”, rồi bà cầm cái bát sứt chìa ra và xin với vẻ khẩn cầu.

Nhưng xin mãi, xin mãi tới chiều mà bà vẫn không xin được chút gì. Đến đâu bà cũng bị người ta xua đuổi, những cô gái trẻ tuổi thì coi bà như là một mụ ăn mày bị hủi nên trốn bà như trốn một người bị bệnh dịch. Hễ thấy bà xuất hiện ở đâu là họ lại chạy toán loạn sang chỗ khác.

Mấy người lớn tuổi hơn đang lễ Phật thì tỏ thái độ vô cùng bực tức khi bà lão ăn mày tiến lại gần mình, đang niệm những tiếng “Nam mô A Di Đà Phật”, họ liền dừng lại và quay ra mắng bà ăn mày xối xả.

Về sau bọn hương lý và nha sai đuổi bà ăn mày đi. Chúng dùng roi đánh bà một trận, vì quá đau nên bà lão ăn mày đành phải lê mình ra khỏi đám hội.

Sau khi ra khỏi đám hội, bà ăn mày lại đi vào trong xóm để xin ăn. Cũng như những người ở đám hội kia, khi bà bước vào nhà ai cũng đều bị xua đuổi vì nghi rằng bà bị hủi. Một số nhà có điều kiện thì đóng chặt cửa lại và thả chó ra để bà lão không dám tiến lại gần.

May sao, đi đến ngã ba thì bà gặp hai mẹ con góa phụ nọ vừa đi chợ về. Thấy bà lão ăn mày đói rách và tội nghiệp, hai mẹ con liền đưa bà lão về nhà và lấy cơm cho ăn.

Hai mẹ con góa phụ tốt bụng là người duy nhất giúp đỡ bà lão ăn mày. (Ảnh: Internet)

Tối hôm đó, trời cũng đã khá muộn, hai mẹ con đang ngủ thì bà lão ăn mày lại tới gõ cửa và xin ngủ nhờ một đêm đến sáng mai sẽ đi. Hai mẹ con vui vẻ đưa bà lão ăn mày vào nhà, trải chiếu ở một cái chõng cho bà lão nghỉ ngơi. Còn hai mẹ con thì nằm tạm tại một chỗ khác.

Bà lão vừa ngả lưng xuống chõng là ngủ luôn, vừa ngủ vừa ngáy như sấm đánh bên tai. Hai mẹ con không ngủ được do tiếng ngáy của bà lão nên mở mắt ra, không ngờ rằng phía trên cái chõng sáng rực lên là một con giao long chứ không phải là bà lão ăn mày rách rưới.

Người mẹ rụng rời kinh hãi, nhưng vì chỗ ở của mình cách biệt với làng xóm, không biết kêu cứu ai, đành trùm chăn kín mít, phó mặc cho may rủi.

Nhưng đến sáng hôm sau, khi người mẹ nhìn ra chả thấy giao long đâu cả. Trên chõng, bà lão ăn mày đã dậy và sắp sửa rời đi. Trước khi từ biệt, bà bỗng lên tiếng:

“Tôi thật sự không phải là người, tôi là một con giao long, chỉ giả dạng ăn mày để thử lòng từ thiện của tín hữu nam nữ đến làng Nam Mẫu lễ Phật. Tất cả mọi người đều xua đuổi tôi, ngoại trừ hai mẹ con nhà cô.

Họ đều là khẩu Phật tâm xà, sẽ không tránh khỏi hình phạt của bề trên đã giao phó cho tôi, đó là một trận Đại Hồng Thủy. Tôi cho hai mẹ con nhà cô gói tro này hãy rải quanh nhà để tránh khỏi kiếp nạn, nội trong đêm hôm nay chớ đi đâu cả. Hoặc nếu có đi thì đưa nhau lên đỉnh núi cao mà tránh”.

(Ảnh: Internet)

Người mẹ băn khoăn hỏi thêm: “Nhưng làm thế nào để cứu mọi người được?”.

Bà lão lấy từ trong áo một hạt thóc ra cắn tách đôi vỏ trấu đưa cho hai mẹ con và nói: “Hai mảnh vỏ trấu này sẽ giúp hai mẹ con ngươi làm việc thiện”.

Người mẹ toan hỏi thêm thì vụt một cái đã không thấy bà lão đâu nữa. Hai mẹ con vội làm theo lời dặn rồi đi kể chuyện này cho mấy người gần đó biết. Họ nghe nói chỉ mỉm cười cho là một chuyện bâng quơ.

Quả nhiên tối hôm đó giữa đám hội náo nhiệt, lúc thiện nam tín nữ đang tấp nập lễ bái thì bất ngờ có một dòng nước từ dưới đất phun lên chính giữa đàn tràng. Nước càng phun càng mạnh làm lở dần đất xung quanh. Người ta ngơ ngác không hiểu thế nào, tưởng là phép Phật hiển linh nên càng vái lấy vái để. Nhưng dòng nước mỗi lúc một mạnh nuốt hết người và vật. Chỉ trong nháy mắt đã ngập bằng một cái ao.

Mọi người thấy thế hoảng hốt bỏ cả lễ bái đua nhau chạy. Nhưng họ không thể chạy được nữa. Ở dưới chân họ đất nứt nẻ rung động hất họ ngã xuống. Bỗng chốc một tiếng ầm dữ dội phát ra, đất đá, nhà cửa đều chìm nghỉm, nước tung tóe mù trời. Một con giao long to lớn từ mặt nước nhô lên bay vòng quanh Nam Mẫu. Trong khi đó nền nhà, chuồng lợn, chuồng gà của mẹ con người đàn bà từ thiện kia mỗi lúc một nâng cao hơn mực nước.

Đau xót trước cảnh nước lụt, hai mẹ con đem hai mảnh vỏ trấu ra. Vừa đặt xuống nước, chúng bỗng biến thành hai chiếc thuyền. Thế rồi, mặc gió mặc mưa, họ chèo đi mọi nơi cố sức vớt những người bị nạn.

Hồ Ba Bể ngày nay. (Ảnh: Internet)

Hai mẹ con bà góa nhờ có hai mảnh vỏ trấu làm thuyền bất chấp mưa to nước lớn đã bơi thuyền đi vớt mọi người, rồi chạy thoát lên một mỏm núi. Tại đó, họ dựng một gian nhà nhỏ sinh sống. Nơi này, về sau trở thành một ngôi làng đông đúc, và ngày nay vẫn có tên là làng Nam Mẫu.

Còn thung lũng bị nước tràn ngập thì hoá thành 3 cái hồ mênh mông như biển, nên người ta gọi là hồ Ba Bể. Nước ở ba hồ lưu thông nhau, nhưng ghe thuyền không thể đi được từ hồ này sang hồ kia, vì có các đập đá lớn ngăn trở. Hồ rộng bát ngát, nước trong xanh như ngọc bích, nổi bật giữa núi rừng hùng vĩ. Giữa hồ là một hòn đảo nhỏ, người địa phương gọi đó là gò Bà Góa.

***

Trong chuyên mục Truyền thuyết và Thần thoại nhân gian, Tinh Hoa sẽ mang đến cho quý độc giả những câu chuyện mang màu sắc Thần tiên được lưu truyền khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi đi sâu vào khắc họa đời sống tâm linh của các cộng đồng dân cư và những trải nghiệm siêu thường của con người khi mang trong tâm kính ngưỡng đối với Thần. Thông qua đó cũng là những bài học sâu sắc về nhân sinh mà người xưa muốn nhắn nhủ cho thế hệ tương lai.

Tuệ Tâm, sưu tầm