Một số nghiên cứu gần đây đã cho ra kết quả đáng kinh ngạc về hiệu quả hữu hình của thiền định lên não bộ và sự khác biệt rõ rệt giữa não của những người thường xuyên thiền và không thiền định.
Hiểu biết của con người liên tục phát triển và thay đổi, nhưng hầu hết chúng ta đều tin vào lý thuyết khoa học hơn là trải nghiệm thực tế của 1 vấn đề. Tuy nhiên, bản chất của lý thuyết là cứng nhắc, trong khi nhận thức của chúng ta về tự nhiên vẫn không ngừng thay đổi.
Khi niềm tin cũ vào một lý thuyết đã hình thành quan niệm tư duy, đứng trước 1 phương pháp tư duy khác, người ta thường hoài nghi hoặc phủ nhận, cho dù những lý thuyết trước đó đã bộc lộ nhiều sai sót.
Ví như quãng thời gian Trung Cổ, khi người ta chỉ ra Trái đất có hình cầu chứ không phẳng và Trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ, thì những nhà khoa học và nhà tư tưởng tự do đã bị Giáo hội Công Giáo bức hại.
May mắn thay, ngày nay nhiều điều đã thay đổi. Tư tưởng của nhiều người đã rộng mở hơn, khi những khái niệm như tâm linh, thiền định hay ngành khoa học phi vật chất.. đã được xã hội công nhận.
Chỉ trong vài năm qua, rất nhiều dữ liệu khoa học đã chỉ ra nhiều lợi ích sinh học mà thiền định có thể mang lại cho cơ thể chúng ta, nó làm tăng thêm niềm tin của giới khoa học về mối liên hệ của thân thể và tinh thần.
Ví dụ, một nghiên cứu kéo dài gần 2 tháng do các nhà nghiên cứu Harvard thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH) xác định rằng, thiền định có thể khôi phục lại lượng chất xám của não chỉ trong 8 tuần. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy rằng thiền định đã làm thay đổi não bộ theo thời gian.
Ngoài ra họ còn công bố một nghiên cứu cho thấy thiền định có thể tác động đáng kể đến các triệu chứng lâm sàng của chứng rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích (IBS), và bệnh viêm ruột (IBD).
Nghiên cứu này cho thấy phản ứng thư giãn xuất hiện khi thân thể được đưa vào trạng thái nghỉ ngơi tuyệt đối, điều này đã giúp giảm căng thẳng và cải thiện triệu chứng trong tất cả rối loạn này. Gần đây người ta còn phát hiện ra rằng thiền định giúp thiết lập 1 mạng lưới chống lão hóa và cải thiện sức khỏe tế bào.
Trong phát hiện mới nhất của khoa thần kinh trường đại học Y dược UCLA, những người có thói quen thiền định mỗi ngày có bộ não trẻ trung hơn, nhờ nồng độ máu được tập trung cao hơn vào các vùng não bị suy giảm do lão hóa. Nghiên cứu còn cho thấy thiền có thể chống lại những dấu hiệu suy giảm thường thấy của não bộ khi về già.
“Trung bình, bộ não của người thường xuyên thiền định sẽ trẻ hơn 7,5 tuổi so với người bình thường ở độ tuổi 50, và sẽ tăng thêm 1 tháng 22 ngày ở mỗi năm tiếp theo”, kết quả nghiên cứu cho thấy.
Một con số khá đáng chú ý phải không? Người ta có thể có não bộ trẻ hơn gần chục năm so với tuổi thực của mình.
Nghiên cứu này sử dụng nguồn dữ liệu hình ảnh từ 1 nghiên cứu trước đó về tác động của thiền định lên độ dày vỏ não. Để tiến hành so sánh, các khoa học gia đã chọn 2 nhóm người có độ tuổi từ 50 trở lên, đã trải qua những đợt kiểm tra hình ảnh. Cả hai nhóm đều gồm 22 nữ và 28 nam với độ tuổi trung bình là 51,4 tuổi. Nhóm thiền định có kinh nghiệm từ 4-46 năm thiền và trung bình là 20 năm ngồi thiền thường xuyên.
Các chuyên gia của trường đại học UCLA nói thêm về thiền định:
“Điều quan trọng cần lưu ý là những thay đổi của não bộ dựa trên tuổi tác không phải là giá trị thực sự của thiền. Mặc dù kết quả được cho là phù hợp với các nghiên cứu trước đó, tuy nhiên người ta còn phát hiện ra sự khác biệt đáng kể trong kết cấu não của các thiền nhân so với người bình thường. Một số ý kiến cho rằng sự khác biệt trong cấu trúc não bộ có thể có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng nhận thức, hành vi, hoặc tâm lý xã hội”.
Dựa trên kết quả quan sát, các tác giả đã đưa ra giả thuyết rằng:
Thứ nhất, thiền có thể kích thích sự phát triển cấu trúc thần kinh não bộ và thúc đẩy sự kết nối hiệu quả trong mạng lưới nơ-ron.
Thứ hai, hệ đệm não bộ và hệ thống bảo vệ thần kinh trước các tác động có hại của căng thẳng mãn tính, có thể làm giảm phản ứng viêm và ức chế những thay đổi liên quan đến tuổi tác của bộ não.
Đây chính là lý do vì sao môn thực hành này đang được giới thiệu phổ biến ở nhiều công ty và trường học.
Những phát hiện hôm nay đã chắp nối thêm một danh sách dài và có xu hướng ngày càng tăng về lợi ích của thiền định. Đó là 1 ví dụ về sự kỳ diệu của thân thể người, thỉnh thoảng có một số sự việc chúng ta không cần đến sự xác nhận của ngành khoa học thực chứng hiện nay, khi thiền định đã được phổ biến từ hàng ngàn năm qua.
Đây không phải lần đầu tiên trí tuệ cổ xưa nhận được cái nhìn ngưỡng mộ từ giới khoa học, và chắc chắn nó cũng không phải là lần cuối cùng.
Hoàng An biên dịch