Từ nghìn xưa đến nay, các thi sĩ đều nghĩ rằng Hằng Nga phải chịu đựng sự cô tịch quạnh quẽ khi sống trên Mặt trăng vừa xa xôi lại vừa giá lạnh. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy, đúng là Mặt trăng rất hoang vắng nhưng nàng không hề cô tịch, trái lại còn rất bận rộn.
Đám mây dời khỏi màn trời cuốn lấy chân Hằng Nga, khiến nàng không thể khống chế cơ thể, thân thể như dần mất trọng lượng, từ từ bay lên trời. Đôi chân của Hằng Nga khá xương xẩu lại hơi dài quá, không tương xứng với khuôn mặt nhỏ nhắn mềm mại của nàng.
Trong khi Hậu Nghệ bắn rơi từng Mặt trời, khí quyển bất giác phát sinh biến hóa. Đám mây vần vũ ở chân trời, không khí bắt đầu mát lạnh, loãng dần. Hàng tỉ tinh hệ bên chân Hằng Nga, ánh sáng lấp lánh tỏa ra xa. Hằng Nga gói lại từng cái trong vạt áo, bay qua hàng vạn ngôi sao sáng chói, giống như chim chóc bay qua khu rừng nhiệt đới vượt tầng tầng lớp lớp cành lá xanh biếc. Nàng ngưng mắt nhìn trời xanh vô tận – nó hiên ngang mà quảng đại, thù thắng mà mỹ thiện, vượt quá sức tưởng tượng, khiến nàng lệ nóng doanh tròng.
Về truyền thuyết nổi tiếng “Hằng Nga bôn nguyệt”, vấn đề mọi người quan tâm nhất, suy đoán hồi lâu mà không ra chính là mục đích của nàng là gì? Điều gì khiến nàng vứt bỏ cuộc sống hạnh phúc dưới trần gian, bay lên sống trên Mặt trăng lạnh giá, không một bóng người?
Làm thê tử của thần xạ thủ Hậu Nghệ nàng còn gì không vừa lòng? Nghệ bắn hạ thú rừng, chim bay trên trời, nấu món ăn dân dã chẳng lẽ không đủ ngon, không đủ cho nàng ăn no? Thịt hươu, thịt chồn ê hề ăn không hết được, ngẫm lại đều khiến người ta thèm chảy nước miếng, sao nàng lại bỏ đi? Liệu nàng có phải là người phụ nữ không màng hậu quả?
Nguyên nhân rời bỏ Hậu Nghệ chủ yếu là vì Hằng Nga trộm thuốc trường sinh của chàng, đây há là việc nhỏ? Như vậy chẳng phải là nàng đã phạm vào giới luật của trời đối với một người vợ sao? Người phụ nữ như vậy đáng lẽ phải bị khiển trách nặng.
Tuy nhiên, không một ai quan tâm Hằng Nga sau khi lên Mặt trăng đã làm gì. Đến nay, không ai vạch trần chân tướng: Nàng là một trong những người sáng lập viễn cổ hồng hoang. Từ nghìn xưa đến nay, các thi sĩ đều nghĩ rằng Hằng Nga phải chịu đựng sự cô tịch quạnh quẽ khi sống trên Mặt trăng vừa xa xôi lại vừa giá lạnh. Họ đặt tên cho Nguyệt cung mà nàng ở là cung Quảng Hàn. Vừa nghĩ tới cung điện rộng lớn nằm lẻ loi trên Mặt trăng rét lạnh, họ từ đáy lòng đã cảm thấy rùng mình. Không hề nghi ngờ, trừng phạt mà nàng đang phải gánh chịu là rất nghiêm khắc, người thường khó có thể chịu đựng được.
Không ai biết kỳ thực Hằng Nga vô cùng bận. Trên Mặt trăng thanh khiết, nàng lúc nào cũng nhiệt tình khơi dậy sức sáng tạo mà mình đã mai một quá lâu, suốt một thời gian dài ở trên Trái đất nàng đã không thể nào phát huy sức sáng tạo.
Trên Mặt trăng, việc đầu tiên Hằng Nga làm là xây dựng nơi ở. Từ dưới chân núi, nàng đục lấy từng tảng băng, ngọc thạch khổng lồ, xây lên “cung Quảng Hàn” trong suốt. Lại lấy các phiến đá đủ màu sắc rực rỡ trên sao Hỏa, sao Thủy, sao Diêm Vương về dựng thành một gian phòng làm việc cực lớn và vô cùng rắn chắc. Trên tường băng, nàng điêu khắc một số bức họa, sơn thủy kỳ dị; trên tường đá, nàng dùng khoáng thạch vẽ ra những bức tranh đủ màu sắc rực rỡ, hoa văn đa dạng, kéo dài hết cả mặt tường.
Các tinh hệ chiếu sáng qua song cửa sổ, xuyên thấu tường băng, kết hợp với bức tranh trên tường tạo thành cảnh tượng vô cùng kỳ diệu. Tùy thời gian, vị trí ngôi sao quay xung quanh khác nhau, khi chiếu vào bức họa sẽ khiến nhân vật hiện ra thần sắc không giống nhau; tại thời điểm đặc biệt, các ngôi sao đạt được góc độ độc nhất vô nhị, ánh sáng chiếu vào mắt nhân vật trong bức tranh, hào quang kỳ dị sẽ phóng ra, nói với nàng điều thần bí, như là thoại ngữ âm nhạc. Trong đình viện, nàng trồng kỳ thụ được di dời từ sao Kim, tán cây chiếu xuống bóng dáng tự tình.
Hằng Nga ở trên Mặt trăng cũng không phải chỉ có một mình. Khi nàng bay đến gần Mặt trăng liền phát hiện ra điều này. Nàng vừa bay qua khoảng trời xanh rộng lớn tiến vào mặt trăng, chân chưa kịp chạm đất thì một con thỏ tai dài giống như quả cầu lông trắng muốt đã sáp tới, nó cọ bộ lông vừa dày vừa lạnh vào chân Hằng Nga, như là Mặt trăng đang chào hỏi nàng. Con thỏ toàn thân trắng như tuyết này ở đâu ra? Nó một mình ở trên Mặt trăng đã bao lâu? Những điều này đều là vấn đề không quan trọng. Có người xem đây là tình tiết thú vị, ấm áp trong thần thoại.
Thế là “thỏ ngọc” trở thành trợ thủ tinh nghịch của Hằng Nga. Nó lúc thì chạy trước, lúc thì chạy sau người nàng, chốc chốc bê nghiên mực tới, khi thì mang màu, bút vẽ đến nghiêng đầu xem Hằng Nga vẽ từng nét, từng nét, tạo nên bức tranh kỳ lạ mà rực rỡ, đôi mắt đỏ của nó nhìn Hằng Nga một cách nghi hoặc, ánh mắt không chỉ đầy vẻ ngây thơ của động vật mà còn sâu lắng.
Có đôi khi, thỏ ngọc dựng lên đôi tai dài mềm mại của mình phe phẩy lên chân Hằng Nga, nhắc nhở nàng nên cọ rửa sạch sẽ Mặt trăng.
Thỏ ngọc này còn có một nhiệm vụ. Nó đứng thẳng người, chân trước cầm chày đá giã nát dược thạch và rể của các loại dị thảo. Thân mình vừa mập vừa trắng, lông mềm như nhung chân kẹp chặt chày đá, đầu nghiêng một bên, một bên tai dài rủ xuống, bộ dạng nghiêm túc này của thỏ ngọc thường xuyến khiền Hằng Nga không nhịn được cười.
Trong vụn thuốc thần bí này, nàng cho thêm hương thơm màu xanh lá và ký ức sặc sỡ khiến thuốc sinh ra công hiệu kỳ diệu, thế nhưng rất ít người biết rõ nó có tác dụng gì, càng ít người biết rõ tên của phương thuốc này.
Tú Văn biên dịch