Scott Manguia thật sự là một thiên tài khi có thể biến những hạt quả bơ tưởng chừng như vô dụng trở thành một vật liệu vô cùng hữu ích.
Đứng trước nguy cơ thế giới đang bị ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt là vấn đề về rác thải nhựa, Scott Manguia một sinh viên ngành kỹ thuật hóa học đã ấp ủ ý tưởng thay thế chúng bằng những vật liệu có thể phân hủy được, và hạt quả bơ chính là một phương pháp giải quyết vô cùng tuyệt vời.
Scott hiện đang điều hành một công ty có tên Biofase – một công ty chuyên sản xuất đồ nhựa sinh học. Đây chính xác là một ý tưởng tuyệt vời cho việc thay thế nhựa thông thường bằng nhựa sinh học có khả năng phân hủy 100% đến từ quả bơ.
Vào năm 2012, khi Scott còn là một cậu sinh viên kỹ thuật, anh luôn ấp ủ ý tưởng muốn tìm kiếm một nguồn nhựa dẻo đáng tin cậy có thể phân hủy sinh học.
Thời điểm đó, anh đã thử kiểm tra tính chất của rất nhiều nguyên liệu khác nhau như: hạt xoài, hạt sapôchê,v.v. nhưng vẫn không có kết quả. Vào một lần tình cờ đọc được thông tin trên một tờ báo nói về thành phần của quả ngô được sử dụng để tạo ra nhựa sinh học, Scott phát hiện trong hạt quả bơ cũng có thành phần tương tự.
Trong khoảng thời gian thực hiện, Scott phải mất một năm rưỡi để tìm ra phương tiện có thể chiết xuất hợp chất hóa học từ các hạt bơ bỏ đi. Tương tự như nhựa, một khi chất polymer sinh học được phân lập, họ có thể định hình nó thành bất kỳ hình dạng nào, như nĩa, dao… Tuy nhiên, điều làm cho loại nhựa này trở nên đặc biệt chính là, trong khi nhựa thông thường có thể mất tới 100 năm để phân hủy sinh học, thì nhựa làm từ hạt bơ chỉ mất vài tháng, tức khoảng 240 ngày tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài hoặc bị chôn vùi trong lòng đất.
Năm 2013, ý tưởng này của anh đã được cấp bằng sáng chế. Công ty Biofase bắt đầu mở nhà máy đầu tiên vào hai năm sau đó. Lúc đầu, họ chỉ bán nhựa dẻo phân hủy sinh học dưới dạng nguyên liệu thô. Đến năm 2016, công ty đã có thêm một nhà máy thứ hai đi vào hoạt động. Đó là nơi họ bắt đầu sản xuất nên dao, kéo nhựa sinh học. Tháng 2/2018, họ bắt tay vào làm ống hút nhựa.
Trong quá trình vận hành công ty, Scott sớm hiểu được rằng khách hàng sẽ không muốn trả quá nhiều tiền để mua một sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong khi nhựa sinh học thường có giá cao hơn 40% so với nhựa thông thường hay nhựa làm từ dầu mỏ.
Tuy nhiên, trong khi nhựa sinh học được làm từ thực phẩm như ngô có giá thành khá cao, thì các sản phẩm được làm từ hạt bơ (thứ nguyên liệu bị bỏ đi) có thể giảm chi phí đáng kể cho sản phẩm. Theo anh việc làm như vậy sẽ cho phép họ sản xuất ra thành phẩm “với mức giá tương đương nhựa thông thường”.
Điều này đang khiến ý tưởng hạt bơ của anh trở thành một phương pháp thay thế đích thực, cả về mặt kinh tế lẫn môi trường.
Một lợi thế nữa là sản lượng bơ ở Mexico chiếm một nửa lượng bơ trên thế giới, vì thế quốc gia này có số lượng hạt bơ bỏ đi nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác. Hầu hết trong số đó thường được vứt ở những bãi rác. Trong khi đó chi phí thị trường toàn cầu hiện nay cho nhựa sinh học là 5,8 tỷ USD.
Hiện tại, công ty Biofase đang sản xuất được 130 tấn hàng hóa, 40% trong số đó là ống hút. Mỗi ngày, công ty sử dụng 15 tấn hạt bơ mà họ thu được từ Simplot, một công ty thực phẩm của Mỹ. Sản phẩm của Biofase được bán cho các chuỗi nhà hàng như Chilis’s Bar and Grill và Fiesta Americana.
Mexico là thị trường lớn thứ hai của Biofase, trong khi 8% hàng hóa của công ty được xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ, Canada, Costa Rica, Peru và Columbia. Có vẻ như Biofase đã có một khởi đầu thuận lợi. Nếu thị trường toàn cầu bắt nhịp xu hướng rộng hơn nữa, thì đây có thể là một giải pháp xử lý chất thải nhựa khiến cả thế giới phải ăn mừng.
Chúc Di (theo The Epoch Times)