Trước những năm 1860, cơ bản Sài Gòn còn là một vùng đất hoang sơ, cho đến khi Pháp tấn công vào Sài Gòn, đã xây dựng nên một Sài Gòn sầm uất và hiện đại như thế nào.
Muốn biết Sài Gòn chịu ảnh hưởng của kiến trúc Pháp – Âu thế nào thì có 1 đoạn trong “Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca” nói rằng:
“Nhà hát cất giữa châu thành,
Hoạ đồ lấy kiểu bên thành Ba-ri
Nửa năm hát tại Nam Kỳ
Nửa năm về xứ Ba-ri của mình”
“Nhứt là đường Ca-ti-na,
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh
Bực thềm lót đá sạch tinh
Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều”
“Phong lưu cách điệu ai bằng,
Đường đi trơn láng, đèn giăng sáng loà”
Ba-ri: Paris, Pháp
Ca-ti-na: Catinat, tên một vị thống chế Pháp,
con đường này nay là đường Đồng Khởi.
Đây không phải là Barcelona, đây là Sài Gòn!
Lòng chảo xanh với tâm điểm là nhà thờ Đức Bà
Vào trước năm 1860, về cơ bản Sài Gòn còn là một vùng đất rất hoang sơ. Ngày 30/4/1862, 3 năm sau khi người Pháp tấn công Sài Gòn, đại tá công binh Coffyn trình lên bản đề án quy hoạch Sài Gòn hiện đại đầu tiên. Đề án này thiết kế Sài Gòn có sức chứa khoảng 500.000 dân. Đề án Coffyn là tiền đề cực kỳ quan trọng cho một Sài Gòn hiện đại, dù nó không được triển khai hoàn toàn.
Tiếp sau Coffyn, một số nhà quy hoạch danh tiếng khác của Pháp như Aries và Betraux đã tham gia. Đề án quy hoạch Sài Gòn vào năm 1890 của Betraux tỏ ra rất xuất sắc, hầu hết ý tưởng được hiện thực hóa và nó có giá trị cho đến tận năm 1954.
Có thể nói đề án quy hoạch này mang tính khoa học rất cao. Lần đầu tiên các yếu tố địa hình, địa mạo, địa chất, khí hậu, thủy văn được quan tâm đúng mức. Chính nhờ khảo sát tốt mà sau gần 200 năm các công trình xây dựng, các hạ tầng kỹ thuật đa phần vẫn còn sử dụng rất tốt:
- Các ô phố và đường sá được bố cục theo ô vuông bàn cờ.
- Các trục đường chính được bắt đầu từ sông Sài Gòn để đón gió.
- Các điểm giao nhau có vòng xoay (tiểu đảo, bùng binh).
- Các công trình điểm nhấn.
- Các tổ chức không gian chức năng.
- Mật độ cây xanh, không gian công cộng.
- Khoảng lùi các công trình.
- Chiều cao công trình.
- Các công trình kỹ thuật (thoát nước, vỉa hè, cống…)
- Các con đường được đặt tên.
- Các căn nhà được đánh số theo thứ tự.
Điểm khởi đầu cho việc đánh số các dãy nhà tỏa ra theo hình tia mặt trời là từ nhà thờ Đức Bà là số 1 và nhà Bưu điện thành phố là số 2. Các nhà quy hoạch Pháp đã tạo ra được một lòng chảo xanh mà tâm điểm là nhà thờ Đức Bà, nhà ở trong khu vực này cao không quá hai tầng, cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa phủ khắp nơi.
Rõ ràng người Pháp đã tạo ra được một không gian kiến trúc cổ điển đậm phong cách châu Âu một cách hài hòa, lãng mạn và tuyệt đẹp. Các bức họa đồ và các bức ảnh còn giữ lại cho đến hôm nay cho thấy người Pháp đã quy hoạch và xây dựng thành công một Sài Gòn hiện đại ngay vào thời kỳ đó theo đúng tinh thần “là một bản sao của một thành phố có quy mô trung bình của Pháp”.
Phát triển giao thông nội ô và liên vùng
Từ năm 1860 đến 1914, Sài Gòn về cơ bản đã có được cơ sở hạ tầng kỹ thuật đạt chuẩn đủ phục vụ cho khoảng 350.000 dân cư. Một số lĩnh vực như giao thông, bưu chính viễn thông, dịch vụ ngân hàng, y tế cho thấy Sài Gòn đã cao hơn hẳn các thành phố ở Đông Nam Á trong cùng thời gian.
Sau khi chiếm được toàn bộ Nam kỳ năm 1867, Pháp đổ nhiều công sức để xây dựng Sài Gòn thành thủ phủ của cả Đông Dương. Một trong các tiêu điểm quan trọng là xây dựng hệ thống giao thông nội ô.
Cho đến năm 1911, số đường phố lên đến 94 con đường với tổng chiều dài là 93 km, trong đó có sáu đại lộ. Từ năm 1905 đã bắt đầu có những con đường trải nhựa. Đến năm 1930 Sài Gòn có 125 con đường, Chợ Lớn có 164 con đường, tổng cộng là 344 con đường với 260 km. Năm 1870 bắt đầu trồng cây hai bên đường, một số con đường được trồng các loại cây quý và thống nhất như dầu, sao, lim, sẹc.
Ngày nay ở Sài Gòn nhiều con đường vẫn còn giữ được những hàng cây đó, chẳng hạn như Nguyễn Du, Lê Thánh Tôn, Sương Nguyệt Ánh, Ngô Gia Tự, Huyền Trân Công Chúa…
Năm 1873 chính quyền TP cho tiến hành xây, lát vỉa hè, ốp vỉa bằng loại đá khối xanh trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP. Ngày nay chúng ta vẫn còn thấy những loại đá này ở các con đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du, Đồng Khởi.
Năm 1881 khởi công tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho dài 71 km, đưa vào sử dụng ngày 20-7-1885.
Cũng năm 1881 khánh thành đường xe điện Sài Gòn-Chợ Lớn dài 5 km, rộng 1 m; năm 1882 đưa vào khai thác.
Năm 1863-1866, xây dựng xong cảng Sài Gòn.
Năm 1867 có hệ thống chiếu sáng đường phố, lúc đầu dùng dầu dừa, sau đó đến năm 1869 thắp đèn đường bằng dầu hỏa, năm 1873 dùng gas, mãi đến năm 1900 mới có đèn đường bằng điện, về sau số lượng các con đường có sử dụng đèn chiếu sáng ngày càng nhiều hơn do có nhà máy điện ra đời năm 1909.
Năm 1889 thiết lập tuyến xe Sài Gòn – Gò Vấp – Hóc Môn chạy bằng hơi nước, bắt đầu khai thác ngày 17-9-1897 và năm 1913 chạy bằng điện.
Năm 1902 xây cầu Bình Lợi qua sông Sài Gòn dài 40 m, có làn đường sắt dành cho tàu hỏa xuyên Việt.
Năm 1902 làm xong đường bộ Sài Gòn-Bà Rịa.
Năm 1910 làm đường xe lửa Sài Gòn-Nha Trang.
Hệ thống liên hoàn các dịch vụ xã hội
Để phục vụ cho đời sống của thành phố, người Pháp đã chú ý đến việc hình thành các cơ sở kỹ thuật hạ tầng như cấp nước, điện. Tuy nhiên, hệ thống điện và nước sạch này ban đầu chủ yếu dành cho người Pháp, các quan chức cao cấp, người Việt giàu có và có dành một phần điện, nước sạch cung cấp cho các hoạt động dịch vụ công ích (tuy còn hạn chế).
Sau năm 1920 đã bắt đầu mở rộng dần ra đến nhân dân theo hướng lan tỏa dần ra từ hai trung tâm Sài Gòn và Chợ Lớn với các loại dịch vụ sử dụng phải trả tiền.
Cùng với việc phát triển hệ thống dịch vụ kỹ thuật thì người Pháp cũng chú ý phát triển các dịch vụ xã hội. Cho dù chúng còn rất nhỏ bé và sơ khai nhưng có một ý nghĩa quan trọng bởi vì chúng được hình thành theo ý tưởng hiện đại hóa và tiệm cận gần với các dịch vụ của các nước phương Tây vào thời kỳ đó. Một vài dấu ấn sau đây cần nhắc đến:
Năm 1873, hình thành nên hệ thống cấp nước sạch cho một vài khu dân cư cao cấp bằng tháp nước thấp. Năm 1879, hoàn thành việc xây cất tháp nước cao hình cây nấm ở Sài Gòn bằng bê tông cốt sắt. Năm 1882, nhà máy cung cấp nước sạch được khánh thành.
Năm 1863, khánh thành Sở Bưu điện, phát hành con tem đầu tiên và hệ thống chuyển phát thư.
Thường nói Sài Gòn là nơi có truyền thống “đi trước về sau”, chính Sài Gòn là nơi đi trước, khởi đầu cho tiến trình hiện đại hóa ở Việt Nam. Đó không chỉ là di sản mà thực sự là những tiền đề vô cùng quan trọng đặt nền móng cho Sài Gòn.
Theo trithucvn