Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là thời kỳ hoàng kim của đường sắt Việt Nam, trong đó Sài Gòn là nơi có đường xe lửa chạy bằng hơi nước đầu tiên ở Đông Dương. Tuy nhiên, mọi thứ dường như chỉ còn là kí ức …
Trong nhiều thành phố trên thế giới nói chung và ở vùng châu Á, Thái Bình Dương nói riêng, có nhiều ga xe lửa chính của thành phố là các công trình kiến trúc độc đáo và to lớn, từng chứng kiến thời hoàng kim của thời kỳ xe lửa trong giao thông và chuyên chở vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Trước khi đường bộ và đường hàng không trở thành phương tiện giao thông phổ biến vào thập niên 1930 và 1940 thì các nhà ga xe lửa trung tâm như ở Yangon, Myanma; Bangkok, Thailand; Jakarta, Indonesia; Kuala Lumpur, Malaysia; Mumbai, Ấn Độ; Đài Bắc, Đài Loan; Tanjong Pagar, Singapore không những là các công trình kiến trúc quy mô có giá trị mà còn là cửa ngõ giao thông chuyên chở chính từ đó đi khắp nơi trong nước. Hiện nay đa số các nhà ga này vẫn còn hoạt động và được xếp vào di sản kiến trúc và lịch sử cần được bảo tồn ở cấp thành phố hay quốc gia.
Sài Gòn là nơi có đường xe lửa đầu tiên ở Đông Dương. Đó là đường tramway Sài Gòn – Chợ Lớn chạy bằng hơi nước, khánh thành ngày 27/12/1881, chỉ sau 20 năm khi Pháp chiếm Sài Gòn và lúc đó thành phố vẫn còn đang trong thời kỳ quy hoạch phát triển ở trung tâm. Đường Nguyễn Huệ chưa có và vẫn còn là một con kênh, gọi là kênh Lớn hay kênh Chợ Vải.
Giữa thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn đa số vẫn còn là đồng ruộng và cánh đồng mả, đường Trần Hưng Đạo cũng chưa có. Phương tiện di chuyển và chuyên chở hàng hoá chính giữa Sài Gòn – Chợ Lớn là dựa vào thuyền ghe qua kênh rạch và qua đường đi bộ hay xe ngựa trên Route Haute (Đường Trên) nối Sài Gòn với Chợ Lớn trên đường Cây Mai hay Nguyễn Trãi ngày nay.
Việc khánh thành đường xe lửa tramway Sài Gòn đi Chợ Lớn tại tuyến Đường Trên năm 1881 đã đánh dấu sự khởi đầu của lịch sử xe lửa ở Việt Nam và sự đi xuống của phương tiện giao thông qua kênh rạch.
Do thuở ấy Sài Gòn chưa có hệ thống điện công cộng nên xe chạy bằng đầu máy hơi nước, lò đốt bằng than hoặc củi khi chạy vừa bốc khói vừa thỉnh thoảng phun hơi nước ra nên người dân gọi là “xe lửa”. Còn người Pháp gọi là “tramway”.
Công ty đầu tiên đầu tư vào hệ thống xe lửa nội đô Sài Gòn – Chợ Lớn là Société générale des tramways de vapeur de Cochinchine (SGTVC) và chính thức hoạt động vào ngày 27/12/1881.
Công ty này đã mở tuyến đường ray xe lửa Sài Gòn – Chợ Lớn chạy từ đường Charner (Nguyễn Huệ) quãng trước chợ Sài Gòn (khu vực cao ốc Bitex) đi qua Hàm Nghi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi vô Chợ Lớn. Đường xe lửa tramway đường Trên dài 5.112km, đường ray rộng 1m.
Thời đó cứ mỗi 20 phút là có chuyến xe lửa đi từ Sài Gòn đến Chợ Lớn. Chuyến đầu tiên là 5:40 sáng và chuyến chót là 9:20 đêm. Xe thường có một hoặc hai toa, tùy theo thời điểm đông hay ít khách. Mỗi toa có hai băng ghế dài sát vách toa xe, còn lại là khoảng trống hành khách có thể đứng, để đồ đạc… Hành khách của xe điện hầu hết là người bình dân, người buôn bán. Xe chạy rất chậm, có thể chạy theo nhảy lên, mỗi khi xe sắp ghé trạm hoặc rời ga thì có tiếng chuông leng keng.
Đến năm 1885, đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho đi vào hoạt động giúp Mỹ Tho trở thành tâm điểm giao thông từ miền Tây Nam bộ. Tuyến đường này cũng do công ty SGTVC đảm nhiệm.
Đường Sài Gòn – Mỹ Tho có các trạm như: Sài Gòn, Chợ Lớn, Phú Lâm, Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Bình An, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương và Mỹ Tho. Tổng cộng tuyến đường này dài 70.9 km. Trong nhiều năm hoạt động cho đến đầu thế kỷ 20, từ Sài Gòn đi Mỹ Tho mỗi ngày có 3 chuyến. Từ Mỹ Tho lên Sài Gòn cũng có 3 chuyến.
Đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho đã tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa các tỉnh miền Tây và Sài Gòn. Bao nhiều người từ học trò, thanh niên lên Sài Gòn học tập, tìm việc làm ăn cho đến các doanh nhân, điền chủ, nghệ sĩ… làm thương mại, văn hoá vào đầu thế kỷ 20. Nó đã để lại trong ký ức người Nam bộ nhiều kỷ niệm khó phai.
Năm 1890, Công ty đường sắt Đông Dương (Compagnie Francaise de Tramways de l’Indochine viết tắt là CFTI) ra đời. Công ty này đầu tư đường xe điện Sài Gòn-Chợ Lớn ở đường Dưới (nay là đường Võ Văn Kiệt) mà người dân thường gọi là “đường xe lửa mé sông”, chạy từ đường Nguyễn Huệ dọc rạch Bến Nghé xuống Bình Tây. Đường Sài Gòn – Chợ Lớn (đường dưới) dài 6,226km với đường ray rộng 0.6m. Đường hoạt động từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối và cứ mỗi 30 phút là có một chuyến xe.
Sau đó, từ năm 1892 đến 1913, CFTI đã mở nhiều tuyến xe điện Sài Gòn – Hóc Môn đi qua Đa Kao, Tân Định, Bà Chiểu; Sài Gòn – Phú Nhuận và tuyến Gò Vấp – Búng (Lái Thiêu), sau đó kéo dài lên tận Thủ Dầu Một (Bình Dương) và một đoạn lên tận Lộc Ninh để phục vụ việc chuyên chở cao su, thường được gọi là “tuyến đường cao su”.
Lịch sử xe lửa ở Sài Gòn từ xe lửa hơi nước đến xe điện vào cuối thế kỷ 19 đến thập niên 1950 là thời kỳ vàng son của xe lửa. Xe lửa cũng là phương tiện chuyên chở giao thông chính trong thời kỳ này. Trạm xe lửa Sài Gòn, tức ga Sài Gòn đầu tiên là (1885-1915) nằm ở đầu đường Rue de Canton (Hàm Nghi ngày nay) gần sông Sài Gòn, đến năm 1915 thì được dời đến ngay trung tâm gần chợ Bến Thành ngày nay.
Từ cuối thập niên 1900 đến 1950, người Sài Gòn di chuyển đi lại trong Sài Gòn, Chợ Lớn và các ngoại ô như Thị Nghè, Gò Vấp chủ yếu là dùng đường xe lửa hơi nước và xe điện tramway trong các tuyến Sài Gòn – Chợ Lớn, Sài Gòn – Gò Vấp – Hóc Môn – Lái Thiêu.
Trong thời gian từ năm 1945 đến 1975, trừ đường Sài Gòn – Biên Hoà, hệ thống cơ sở hạ tầng và hoạt động xe lửa ở Sài Gòn và miền nam qua sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh đã bị bỏ rơi hay không còn có giá trị thương mại và đầu tư của chính phủ. Sau năm 1975, ga Sài Gòn bị phá dỡ và được dời ra quận 3. Khu vực ga Sài Gòn ngày xưa nay là khách sạn New World và khu công viên 23/9.
Vết tích duy nhất còn lại về thời đại xe lửa ở Sài Gòn là toà nhà Bureau du Chemin de fer của công ty Xe lửa Đông Dương phía nam. Đó là toà nhà mà không người Sài Gòn nào khi đi qua bùng binh chợ Bến Thành lại không biết đến. Mặc dù ít ai biết về lịch sử toà nhà và hệ thống đường xe lửa, xe điện ở Sài Gòn trong thời đại hoàng kim của ngành xe lửa vào thế kỷ trước, nhưng đây cũng là một biểu tượng di sản kiến trúc và lịch sử quý giá có một không hai của Sài Gòn. Theo một số nguồn tin, toà nhà này đang trong quy hoạch và có thể có cơ nguy bị phá dỡ.
Ngày nay, những nhà quản lý đô thị ở Sài Gòn đã nhận ra rằng, để giải quyết vấn đề giao thông đường bộ quá tải không bền vững ở Sài Gòn thì hệ thống đường xe lửa công cộng ngầm hay trên mặt đất là một sự lựa chọn có nhiều lợi ích không những về phương diện giao thông giải quyết được một cách hữu hiệu bền vững mà còn về kinh tế, môi trường, y tế, sức khoẻ của thành phố Sài Gòn. Đây cũng là dịp chúng ta suy ngẫm, đánh giá và ôn lại những gì đã xảy ra trong lịch sử giao thông vận tải đường sắt công cộng ở Sài Gòn trong thế kỷ trước.
Hồng Liên (t/h)